Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Về dư luận các tỉnh ĐBSCL “bắt tay” nới lỏng chấm thi tốt nghiệp: Người trong cuộc nói gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi một số địa phương công bố kết quả chấm thi tốt nghiệp năm 2011, có dư luận cho rằng một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã "bắt tay" nới lỏng chấm thi, nhất là môn ngữ văn? Có hay không sự chỉ đạo cho phép thỏa thuận ngầm giữa các địa phương để nâng điểm cho học trò? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc là lãnh đạo các Sở Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) và giáo viên tham gia chấm thi tốt nghiệp tại các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương đều khẳng định dư luận về việc các tỉnh ĐBSCL thỏa thuận nới lỏng chấm thi môn ngữ văn và các môn thi tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2010 – 2011 là hoàn toàn không có cơ sở. Các Sở GD&ĐT khi triển khai chấm thi tốt nghiệp luôn thực hiện theo đúng đáp án và biểu điểm của Bộ GD&ĐT. Đó là văn bản mang tính chất pháp qui cao nhất và đã được hội đồng chấm thi các tỉnh triển khai đầy đủ và nghiêm túc tại các tổ chấm thi.
Ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Vùng 6 Khu vực ĐBSCL cho biết: Chủ tịch Hội đồng chấm thi của tỉnh (đồng chí Phan Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp), Phó Chủ tịch bộ môn, các Tổ trưởng và tất cả các giám khảo chấm thi đều quán triệt, thực hiện theo hướng dẫn chấm và biểu điểm của Bộ GD&ĐT. Chủ tịch Hội đồng đã có một cuộc họp riêng với các Phó Chủ tịch môn tự luận và Tổ trưởng vào ngày 6/6/2011 yêu cầu các Phó Chủ tịch và Tổ trưởng điều hành trong quá trình chấm cần lưu ý nhắc nhở các giám khảo chấm trung thực theo đáp án của Bộ GD & ĐT.
Họp để thảo luận cách hiểu đáp án cho thống nhất
Trước dư luận cho rằng tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã có thỏa thuận nới lỏng đáp án nhằm nâng điểm cho thí sinh, ông Nguyễn Hoàng Nhi khẳng định thông tin đó là không chính xác. Ông Nguyễn Hoàng Nhi cho biết, các Sở GD&ĐT họp vào ngày 5/6/2011 tại thành phố Cần Thơ để thống nhất triển khai 3 nội dung: Căn cứ vào đáp án của Bộ GD&ĐT đối với các môn thi tự luận các Sở GD&ĐT thống nhất vận dụng đáp án hầu hết các môn trong phạm vi cho phép. Bởi lẽ, nhiều thí sinh làm bài rất đa dạng và có những tư duy sáng tạo, do đó cần có sự thống nhất của các Sở GD&ĐT để cho điểm thi không chênh lệch nhiều giữa tỉnh này với tỉnh khác. Việc chấm thi phải đảm bảo quyền lợi của thí sinh, có nghĩa là các em làm đúng theo đáp án, việc chấm diễn ra bình thường. Nếu các em làm bài chỉ 2/5 hoặc 3/5 của câu hoặc các em làm bài với ý tưởng khác sẽ thống nhất cách cho điểm của câu đó. Không nên chấm quá chặt hoặc quá lỏng dẫn đến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp hoặc cao sẽ không phản ánh đúng thực chất. 
Bà Lâm Thị Sang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Hội đồng chấm thi tỉnh cho biết: từ năm 2007 trở về trước, Bộ GD&ĐT qui định các tỉnh tự chấm thi, dư luận cho rằng giáo viên chấm bài thi của học trò mình thì tính chính xác không cao. Năm 2009, Bộ GD&ĐT đã phân công chấm chéo, việc chấm chéo có hiệu quả rất tốt, mang tính chất khách quan và không tạo áp lực cho giáo viên trong khi chấm. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một vài điều chưa thực sự hợp lý là cách chấm thi của các tỉnh không đều tay, tỉnh chấm chặt, tỉnh chấm quá nới cho nên có những dư luận không hay.
Xuất phát từ tình hình đó, trong năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, đơn vị giữ vai trò trưởng cụm thi đua khu vực, đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các tỉnh ĐBSCL thống nhất cách hiểu đáp án trên cơ sở tổ chức một cuộc họp để thống nhất cách hiểu đáp án, tránh trường hợp các tỉnh hiểu đáp án khác nhau. Ngày 5/6, cán bộ Sở của 11 tỉnh ĐBSCL tập hợp lại trên cơ sở được sự thống nhất bằng văn bản của Bộ GD&ĐT, tập trung nghiên cứu đáp án của Bộ GD&ĐT và triển khai thảo luận theo quan điểm của đáp án này. Thực tế, cuộc họp chỉ nhằm trao đổi, thống nhất cách hiểu đáp án với nhau để khi triển khai chấm không có sự chênh lệch. Thực chất không hề có sự thỏa thuận hay bắt tay nới lỏng đáp án khi chấm thi nhằm nâng điểm cho thí sinh như dư luận trong hai ngày vừa qua. Việc chấm bài thi tốt nghiệp vừa qua không hề có áp lực, kết quả chấm thi Bạc Liêu không khác gì so với các tỉnh khác.
Chấm theo đúng đáp án và biểu điểm của Bộ
Thầy Lê Văn Hồng, giáo viên Trường THPT Tháp Mười khẳng định: Là một thành viên của Tổ chấm thi ngữ văn, Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT tỉnh Đồng Tháp, cũng như nhiều giám khảo khác, chúng tôi hoàn toàn dựa vào hướng dẫn chấm của Bộ và biên bản họp thống nhất đáp án của Tổ chấm. Bên cạnh hướng dẫn chấm của Bộ, là giáo viên dạy văn, chúng tôi phải dựa vào sách giáo khoa và tài liệu chuẩn kiến thức – kỹ năng của Bộ để vận dụng một cách linh hoạt vào bài làm của học sinh. Được phân công chấm chéo bài thi của tỉnh khác, các giáo viên chấm thi không chịu bất cứ một áp lực nào để phải nâng điểm cho thí sinh. Được biết, giáo viên tỉnh Đồng Tháp chấm hơn 12.800 bài thi của các em học sinh THPT thành phố Hồ Chí Minh.
Năm nay trong tổng số hơn 7.000 bài thi môn văn mà các giáo viên tỉnh Bạc Liêu chấm thi cho tỉnh Trà Vinh chỉ có 20 bài lệch điểm. Sở Giáo dục Bình Dương với vai trò là đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT cử đến yêu cầu chấm lại. Trong số 20 bài lệch điểm yêu cầu chấm lại, có 16 bài được đề nghị nâng điểm, 4 bài thanh tra nghị hạ điểm trong mức 0,5 điểm. Điều này chứng tỏ rằng không có hiện tượng nới lỏng đáp án mà thậm chí việc chấm thi đã tiến hành nghiêm túc chặt chẽ.
Kết quả thi tốt nghiệp năm học 2010 – 2011 của tỉnh Bạc Liêu là 95,48% học sinh đậu tốt nghiệp THPT và 64,15% đậu tốt nghiệp bổ túc THPT. Trong đó, 91/ 4.495 thí sinh đạt loại giỏi, 482/4.495 thí sinh đạt loại khá, điểm thi cao nhất là 57 điểm, riêng hệ bổ túc có 1/851 thí sinh đạt loại giỏi và 6/851 thí sinh đạt loại khá. Tỉnh Bạc Liêu có 18 trường THPT, đợt thi tốt nghiệp này có 17 trường đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 90%. So với năm học 2009 – 2010, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của tỉnh bạc Liêu năm nay cao hơn hẳn, hệ THPT đạt kết quả cao hơn năm trước gần 10%, (2009 – 2010 tỷ lệ đậu tốt nghiệp 85,5%), hệ Bổ túc cao hơn gần 28% (36,2%).
Bà Đoàn Thị Bẩy, Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2010-2011, tỉnh Cà Mau có 7.297 thí sinh dự thi, kết quả tốt nghiệp đạt 93,16%. Để kỳ thi đạt kết quả tốt, Sở GD&ĐT tỉnh chỉ đạo chấm thi theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, trong quá trình chấm thi, Hội đồng chấm thi của tỉnh đã vận dụng đúng theo hướng dẫn chấm và đồng thời những bài mà các em thí sinh có sự sáng tạo hoặc các em có cách viết khác với hướng dẫn chấm, giám khảo cũng chủ động và linh họat vận dụng để chấm đảm bảo khách quan, công bằng, không gây thiệt thòi cho thí sinh giỏi. Tổ chấm thi môn ngữ văn thống nhất phải thực hiện đúng hướng dẫn chấm của Bộ. Trong quá trình chấm thi, các tổ trưởng cùng chấm chung 15 bài của thí sinh và rất đọc kỹ một số bài, khi cảm thấy việc chấm bài chưa thật đều tay đã các tổ yêu cầu chấn chỉnh ngay.
Ông Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện chấm chéo, giáo viên của tỉnh Sóc Trăng chấm bài thi của thành phố Cần Thơ. Hội đồng chấm thi tỉnh đã có cuộc họp triển khai, chỉ đạo giám khảo nghiên cứu kỹ đáp án của Bộ GD&ĐT và yêu cầu giám khảo chấm thi bám sát theo đáp án của Bộ. Riêng môn Ngữ văn, khi hướng dẫn chấm, chúng tôi yêu cầu giám khảo nghiên cứu kỹ đáp án của Bộ GD& ĐT, sau đó bàn bạc, thảo luận để thống nhất, không hề áp đặt giám khảo theo biên bản họp thống nhất ở khu vực.
Ông Sơn cho biết cuộc họp thảo luận Hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT ngày 5/6/2011 tại Cần Thơ nhằm triển khai trên cơ sở bám sát Hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn của Bộ GD ĐT, bàn bạc cụ thể hóa một số ý trong hướng dẫn chấm nhằm đảm bảo việc chấm thi giữa các tỉnh trong khu vực được công bằng (vì thực tế 2 năm chấm thi gần đây, có tình trạng không đều tay giữa các giám khảo ở các tỉnh). Việc chấm thi môn ngữ văn ở tỉnh Sóc Trăng được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, không hề có sự thoát ly cũng như “sáng tạo” khác với đáp án của Bộ nhằm cho điểm một cách vô tư. Sở dĩ tỷ lệ tốt nghiệp của môn Ngữ văn năm nay khá cao, nguyên nhân khách quan là do đề thi bám sát chương trình, vừa sức học sinh, đặc biệt câu nghị luận xã hội phù hợp tâm lý của học sinh trước bước ngoặt cuộc đời"./.
 Theo TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)