Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Về dự thảo quy chế thí điểm chuyển đổi trường công lập có thu, TS Nguyễn Quang A: Chủ trương đừng dựa trên “sự ngộ nhận”!

Tạp Chí Giáo Dục

SGGP 12 Giờ số ra ngày 5-5 đã đăng bài “Xung quanh dự thảo quy chế thí điểm chuyển đổi đơn vị công lập có thu: Có nên biến đại học công lập thành công ty cổ phần?” trong đó đưa ra nhiều ý kiến lo ngại về chủ trương này. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS xung quanh vấn đề này.


TS Nguyễn Quang A

 – Phóng viên:  Ông bình luận gì về việc Bộ Tài chính có dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần trong đó có lĩnh vực giáo dục – đào tạo?

– TS Nguyễn Quang A: Về chủ trương cổ phần hóa trường học, theo tôi, đây là một chủ trương sai lầm. Do nhầm lẫn nhiều thứ nên người ta nghĩ biến trường học thành công ty cổ phần thì sẽ huy động được tiền bạc của các nhà đầu tư và sẽ giải quyết được các vấn nạn nhức nhối của hệ thống giáo dục. Hoàn toàn không phải vậy.  

– Theo ông, nếu cổ phần hóa trường đại học, sẽ kéo theo những hệ lụy gì? 

– Cổ phần hóa là tư nhân hóa một phần hay toàn bộ. Doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và chủ yếu theo cơ chế thị trường. Trường học cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo, song không có nghĩa rằng nó là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận.

Trong trường học bị biến thành công ty cổ phần thì những người có vốn quyết định, chứ không phải những người am hiểu giáo dục – đào tạo. Nếu chạy theo lợi nhuận thì nhà trường không còn là nhà trường nữa, công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu thì sẽ chết. Các hệ lụy sẽ rất nghiêm trọng.

Thứ nhất, nó làm cho hệ thống giáo dục – đào tạo đã méo mó càng méo mó hơn và hệ quả sẽ vô cùng tai hại đối với sự phát triển của đất nước. Cần cải cách triệt để hệ thống chứ không thể chữa một cách vụn vặt, chắp vá. Cổ phần hóa không chữa mà chỉ làm căn bệnh trầm trọng thêm.

Thứ hai, chắc chắn sẽ có nhiều thanh thiếu niên không có khả năng theo học, làm cho bất công bằng xã hội càng trầm trọng thêm.

Thứ ba, hiệu quả của hệ thống (tính bằng vốn xã hội được tạo ra trên tổng chi phí xã hội) không cao.

Thứ tư, cổ phần hóa có thể sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng, biển thủ tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân một cách hợp pháp.

Thứ năm, khi đã là công ty cổ phần, các ông chủ rất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản, thí dụ làm khách sạn hay nhà ở có thể sinh lời hơn nhiều tại các trung tâm thành phố nơi đất đắt như vàng. Và còn nhiều hệ lụy khác.  

– Giáo dục, y tế là 2 lĩnh vực liên quan thiết thân đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Bộ Chính trị đã kết luận không cổ phần hóa bệnh viện công. Vậy theo ông, đặt vấn đề cổ phần hóa trường học có thích hợp không? 

– Tôi cho rằng cổ phần hóa trường học không giúp đạt các mục tiêu đào tạo ra những con người biết độc lập suy nghĩ, sáng tạo, có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề do cuộc sống đặt ra với chi chí hợp lý và đảm bảo công bằng xã hội. Tất nhiên, khi đụng đến hàng triệu, hàng chục triệu người, khi đụng đến sự phát triển hàng chục nếu không nói hàng trăm năm của đất nước, thì phải suy tính hết sức kỹ lưỡng và cẩn trọng. Đây là một chủ trương dựa trên những ngộ nhận hết sức nguy hiểm.

– Ông có thể giải thích rõ hơn?

– Sự ngộ nhận đầu tiên là về khái niệm. Cho tôi được nói thẳng: Chúng ta sính sáng tạo rởm. Các khái niệm cả thế giới đều dùng, thì chúng ta lại vẽ ra các khái niệm mới, hơi kỳ quái và gây ra sự hiểu lầm cho rất nhiều người. Cổ phần hóa, xã hội hóa là những ví dụ tiêu biểu. Thậm chí xã hội hóa ở ta có nghĩa gần như ngược 180 độ với cách hiểu thông thường của cả thế giới (kể cả chúng ta 20 năm trước).

Sự ngộ nhận thứ hai là về khái niệm trường tư. Trường tư, ở các nước khác, là trường không phải của Nhà nước, nó có thể là của một tư nhân, của một nhóm tư nhân hay của một tổ chức phi chính phủ, thậm chí thuộc một cộng đồng. Trường tư do các cá nhân cụ thể sở hữu thường chiếm tỷ lệ nhỏ. Ngộ nhận tiếp theo với trường tư là: Người ta nghĩ trường tư thì hoạt động vì lợi nhuận. Có các trường tư hoạt động vì lợi nhuận, song đại đa số trường tư hoạt động phi vụ lợi. Ngay cả các trường do một cá nhân lập ra cũng thường không hoạt động vì lợi nhuận. Như thế ở các nước đó tuyệt đại bộ phận trường tư là của xã hội, chứ không phải là của những con người cụ thể và mang lại lợi nhuận cho họ.

Ngộ nhận thứ tư, người ta nghĩ cơ chế thị trường có thể giải quyết vấn đề giáo dục – đào tạo. Cơ chế điều phối chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo không phải là cơ chế thị trường, tuy cơ chế thị trường cũng có thể hoạt động và cần tận dụng các mặt mạnh của nó. Các nhà hoạch định chính sách ở các nước có nền kinh tế thị trường tự do nhất cũng đều thừa nhận các khuyết tật của cơ chế thị trường trong lĩnh vực này (và nhiều lĩnh vực khác).

Ngộ nhận thứ năm là sự không phân biệt rõ ràng giữa việc cung cấp dịch vụ giáo dục và cấp tài chính cho giáo dục. Cung cấp dịch vụ giáo dục có thể do các tổ chức khác nhau (trường công, trường tư theo nghĩa đúng như trên) thực hiện (có sự tự chủ, cạnh tranh, minh bạch). Còn cung cấp tài chính cho giáo dục là do Nhà nước và người nhận dịch vụ cùng chi trả (ở cấp phổ thông Nhà nước là chính, người học trả tỷ lệ cao hơn nếu học nghề) nhưng Nhà nước có trách nhiệm chính để tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có cơ hội học hành và đào tạo.  

– Điều đó có nghĩa là, nếu cổ phần hóa trường công thì việc đào tạo sẽ chạy theo lợi nhuận, thay vì chất lượng? 

– Nếu trường biến thành công ty cổ phần, hoạt động như một hội buôn (điều lệ mẫu của các đại học tư thục do Bộ GD-ĐT ban hành đòi hỏi chính xác như vậy), theo Luật Doanh nghiệp, thì hiển nhiên phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, phải chạy theo lợi nhuận. Còn chất lượng thì chưa rõ, chưa thể khẳng định. 

– Ông có khuyến nghị gì xung quanh vấn đề này? 

– Theo chúng tôi, cần có một cuộc cải cách toàn diện. Các nghị quyết của Đảng cũng đã xác định chính xác như vậy. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa làm đúng nghị quyết. Thay vào đó, mới chỉ lập ra các dự án, các chiến lược nhưng thực ra chỉ là các kế hoạch từng phần, vụn vặt, chắp vá theo cách hết sức cũ. Giáo dục là việc đụng đến hàng chục triệu người, phải hết sức cẩn trọng và tuyệt nhiên không thể vội vã, chạy theo thành tích “đổi mới” để cho thế hệ sau phải dọn dẹp hậu quả.

 Xin cảm ơn ông. 

PHAN THẢO (Theo sggp)

Bình luận (0)