Vùng đất Kiên Giang như một viện bảo tàng quý giá. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều câu chuyện hào hùng của lịch sử dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến, trong đó có địa danh Hòn Đất từng được tỏa sáng trong chương trình học văn của bao thế hệ học sinh phổ thông.
Nhóm cựu sinh viên Khoa Sử Trường ĐHSP Vinh bên tượng đài ở Khu di tích Ba Hòn
Ngôi mộ nữ anh hùng họ Phan
Chuyến đi về nguồn của nhóm cựu sinh viên Khoa Sử Trường ĐHSP Vinh (nay là ĐH Vinh) vừa qua thật sự có ý nghĩa. Dù lần đầu tiên hành phương Nam khi tuổi đã xế chiều nhưng nhà giáo Mai Văn Đang – nguyên Hiệu trưởng Trường Cấp 3 Hà Trung (Thanh Hóa) vẫn quyết định cho toàn đoàn ghé chân huyện Hòn Đất để một lần được viếng mộ chị Sứ. Cũng giống như nỗi lòng của các thành viên, ông Đang chỉ mong mỏi được một lần vào tận Kiên Giang để nhìn cảnh sắc, núi non vùng Hang Hòn từng được nhà văn Anh Đức miêu tả trong tác phẩm nổi tiếng của mình.
Mọi người thật sự hào hứng khi nhìn từ xa đã thấy tấm bảng Di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia Ba Hòn phía bên trái cổng. Còn phía bên phải là tấm bảng màu đỏ chữ vàng: “Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng” (chị Sứ) đã gợi lại câu chuyện trong sách giáo khoa đã được học từ thời niên thiếu. Theo giải thích của tài xế Lê Minh Đức, cũng là người vùng này, địa danh Ba Hòn gồm: Hòn Đất, Hoàn Me, Hòn Quéo nằm trên xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Toàn khu di tích linh thiêng tựa lưng vào ngọn núi được cây rừng tô màu xanh biếc tưởng như không có nơi nào xanh hơn. Một hồ nước lớn tỏa đầy hương sen đón những bước chân đầu tiên của du khách đến với khu tưởng niệm.
Thắp hương mộ “Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng” (chị Sứ)
Ngôi mộ nằm ngay dưới chân Hang Hòn, nhìn ra con lộ nơi có chợ Thổ Sơn sầm uất. Cô giáo Nguyễn Thị Thu – nguyên giáo viên Trường Cấp 3 Triệu Sơn, Thanh Hóa khấn trong làn khói tỏa: “Em đã từng được học tác phẩm Hòn Đất và vô cùng cảm phục cuộc đời và sự hy sinh oanh liệt của chị. Em còn may mắn được cùng đội văn nghệ lớp diễn trích đoạn chị bị giặc treo lên cây dừa để chặt đầu. Sau bao nhiêu năm chờ đợi đến hôm nay em mới được thắp hương cho chị, như vậy đã thỏa nguyện lắm rồi. Cầu mong hương hồn chị siêu thoát”.
Phía sau tấm bia mộ còn ghi tiểu sử cuộc đời anh hùng của chị đẹp như một đóa sen vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chị Phan Thị Ràng có bí danh Tư Phùng sinh năm 1937 quê ở An Giang nhưng sinh trưởng ở Hòn Đất trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên trong hoàn cảnh quê hương bị xâm lược, gia cảnh khó khăn nên Phan Thị Ràng sớm bộc lộ rõ tố chất giỏi giang, nhanh nhẹn. Chứng kiến cảnh quê hương chìm trong khói lửa đạn bom, mối thù cha bị giặc giết chết, chị quyết tâm đi theo lý tưởng cách mạng. Đêm 8 rạng ngày 9-1-1962 trên đường đi làm nhiệm vụ, chẳng may chị bị địch bắt. Từ mua chuộc, dụ dỗ đến dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng người con gái họ Phan vẫn kiên quyết không khai nửa lời, một lòng trung kiên với cách mạng. Không những thế chị còn tiếp tục tuyên truyền, vận động binh lính địch và tìm cách thông báo cho đồng chí, đồng bào những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; gieo niềm tin tưởng thắng lợi thuộc về nhân dân. Địch lồng lộn, tức tối đã sát hại chị một cách dã man…
Đẹp mãi từng trang đời “chị Sứ”
37 bậc thang sau lưng mộ là con đường dốc để đi lên Hang Hòn, nơi chứa bao kỷ niệm những năm tháng đau thương của quân dân Thổ Sơn từng được ghi vào cuốn tiểu thuyết từ miền Nam gửi ra của nhà văn Anh Đức. Đôi bên là tổ hợp tượng đài màu xám oai hùng tựa lưng vào núi, khắc ghi tên gần 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc tại Hang Hòn.
Hố bom giờ thành hồ sen ở Khu di tích Ba Hòn
Trong kháng chiến chống Mỹ, Phan Thị Ràng trở thành hình ảnh tiêu biểu của người con gái miền Nam đẹp người, đẹp nết, thông minh, dũng cảm nhanh chóng thành mạch nguồn cảm hứng vô tận của nhà văn Anh Đức. Chị hóa thân vào nhân vật lịch sử chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất với những phẩm cách điển hình của người phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Tác phẩm như một cuốn sách gối đầu giường của hàng vạn thanh niên miền Bắc càng đốt cháy thêm lòng căm thù giặc và tinh thần xả thân hy sinh vì độc lập của nhân dân 2 miền. Nhiều người chuyền cho nhau đọc các tác phẩm từ tuyến đầu miền Nam gửi ra hầu như thuộc hết các tên nhân vật như chị Sứ, Út Quyên, Ngạn, bé Thúy, thằng Xăm, bà Cà Xợi, Cà Mỵ… không lẫn vào đâu được. Mỗi nhân vật là một tượng đài văn chương bất tử. Trích đoạn chị Sứ ngắm nhìn quê hương vào buổi sáng mai khi bị trói lên cây dừa qua ngòi bút tài hoa của nhà văn đã để lại những dấu ấn đẹp về một vùng quê vùng U Minh anh dũng và những con người lấy máu xương mình tô thắm thêm màu cờ tự do của đất nước. Sự hy sinh của chị càng làm cho đồng ruộng và mảnh đất Hang Hòn càng thêm xanh tươi và màu mỡ.
Là Huyện ủy viên huyện Hòn Đất, chị hy sinh khi vừa mới bước sang tuổi 25 xứng đáng với tấm lòng trung kiên của một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự hy sinh và tấm gương sáng ngời của chị đã truyền thêm sức mạnh và lòng căm thù giặc sâu sắc cho các lực lượng vũ trang và nhân dân vùng Ba Hòn quyết tâm đánh địch, bảo vệ quê hương đi đến ngày toàn thắng. Ngày 20-12-1994, Phan Thị Ràng (Tư Phùng, chị Sứ) được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. |
Sau năm 1975, truyện dài Hòn Đất được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Hồng Sến. Trong từng thước phim đã dựng lại cuộc đời hoạt động cách mạng anh dũng và tuyệt đẹp của chị, làm rung động bao trái tim người Việt Nam yêu nước. Rất thú vị là diễn viên Hiệp Định đóng chị Sứ cũng là giáo viên dạy sử tại TP.HCM đã diễn xuất hình tượng chị Sứ từ trang văn bước qua màn ảnh rất có hồn.
Bước chân ra khỏi khu di tích, lòng ai cũng trào dâng niềm xúc động. Chị vẫn nằm đó mãi mãi tuổi thanh xuân như bao anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi đã hiến dâng cuộc đời mình cho màu xanh độc lập tự do ngày hôm nay…
Hương Thủy
Bình luận (0)