Chiến tranh đã lùi xa nhưng vùng đất Quảng Trị vẫn cất giấu trong lòng hình ảnh một chiến trường xưa đạn bom khốc liệt. Cùng với các di tích lịch sử hào hùng khác, nhà tù Lao Bảo vẫn là một nhân chứng sống về tội ác kéo dài của đế quốc xâm lược trong 2 thế kỷ trước.
Đài tưởng niệm các tù nhân tại khu di tích
Dấu tích nơi lưu đày những nhà yêu nước
Khi đặt chân đến TP.Đông Hà, chúng tôi gặp những cơn mưa lớn tưởng như kế hoạch ngược lên huyện Hướng Hóa sẽ trôi theo dòng Thạch Hãn. Xe chạy hết nửa chiều dài con đường số 9 một thời lừng lẫy chiến công thì bỗng dưng trời nắng lên. Sau khi ghé Sân bay Tà Cơn, chúng tôi đến thị trấn Lao Bảo. Ngồi trên xe, mọi người đều nhắc đến một nhà lao nổi tiếng ở vùng đất giáp biên giới nước bạn Lào. Điều đó cũng không có gì lạ vì nhà tù Lao Bảo từ lâu đã trở thành một di tích lịch sử cấp quốc gia về tội ác man rợ của bọn thực dân Pháp đối với những người cách mạng yêu nước. Chưa thấy cổng nhà tù hiện ra nhưng nhìn từ xa ai cũng nhìn được một thung lũng có nhiều cây cổ thụ bao quanh xanh ngát. Theo lời giới thiệu của anh Mai Xuân Trung, người địa phương, chúng tôi biết đây chính là khuôn viên di tích lịch sử “địa ngục trần gian” nằm biệt lập hẳn với nhiều khu vực khác. Theo tài liệu để lại, nhà tù có diện tích 10ha được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 20 trên vùng đất hoang vu có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Thời nhà Nguyễn, đây là nơi lưu đày cách biệt các tù nhân có án phạt nặng từng mang tên Bảo Trấn Lao. Để dập tắt các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cách mạng, thực dân Pháp sau này lại tận dụng nơi đây xây sửa một nhà lao giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ cách mạng.
Khách tham quan phòng giam các tù nhân
Thời gian đã đi qua hơn 1 thế kỷ, hai dãy nhà giam bằng gỗ lợp ngói bây giờ chỉ còn là một nền đất cũ. Ít ai biết rằng, chính nơi đây là chốn lưu đày khổ ải của hàng trăm tù nhân yêu nước. Chỉ sau thời gian ngắn, nhà tù được mở rộng với nhiều khu biệt giam chắc chắn hơn và đã trở thành một trong 5 nhà tù lớn nhất ở Đông Dương. Theo lời anh hướng dẫn viên, 5 khu biệt giam, nhà bếp, nhà vệ sinh, tháp lọc nước sau này được bọn thực dân xây thêm.
Ý chí kiên trung bất khuất bẻ gãy xiềng gông
Mỗi nhà giam nơi đây được đúc kín bằng xi măng cốt thép giống như một khối đá tưởng như không có lối ra. Dù đứng ở bên ngoài nhìn vào nhưng ai cũng tưởng tượng được sự ngột ngạt tù túng ở bên trong của khu biệt giam. Nhà tra tấn, nhà hành xác, hỏi cung được xây khắp nơi đã trở thành cột mốc lịch sử về sự tra tấn, đàn áp của một nhà lao chẳng khác chi địa ngục.
Phòng giam còn nguyên rào sắt kiên cố trong nhà tù
Thời gian gần đây, đến với nhà tù Lao Bảo nhiều du khách không khỏi xót xa, ngậm ngùi vì di tích lịch sử ngày một xuống cấp. Một vài nền đất lao sụt lún xuống cấp càng tạo nên cảnh tiêu điều xuống cấp của di tích. Thiếu không gian trưng bày nên du khách đến đây cũng không có cơ hội ngắm nhìn nhiều hiện vật quý hiếm về tội ác vì phải cất giữ trong kho. |
Ở một dãy nhà khác, phòng giam được chia nhỏ ra bằng những lối đi hẹp. Bên trong chiếc giường ngủ là một bục cao xây bằng xi măng, mái trần cao chưa đến 2 mét. Khách có thể nằm xuống để trải nghiệm cuộc sống “địa ngục trần gian” của những người yêu chuộng tự do độc lập. Ai cũng tự hỏi, không biết phòng nào từng giam nhà thơ Tố Hữu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hay Lê Thế Tiết, Hồ Bá Kiện… trong những ngày khổ đau nhất. Mỗi chiếc cùm, từng chiếc gông sắt dù nằm đó nhưng không hề im lặng vì đã nói lên được bao điều về bằng chứng sống tội ác man rợ của bọn thực dân Pháp. Đó cũng là bằng chứng hùng hồn tinh thần thép của người yêu nước. Cũng giống như những di tích còn sót lại, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần chịu đựng gian khổ của các chiến sĩ cách mạng vẫn được lịch sử ghi lại bằng máu và nước mắt đã đổ xuống nơi đây từng ngày. Nhà tù Lao Bảo đã trở thành trường học cách mạng cho mọi thế hệ tiếp nối. Một vài cuộc bạo động của tù nhân đã bẻ gãy được gông cùm với mong muốn tiếp tục trở lại con đường tranh đấu còn dang dở.
Khu biệt giam còn nguyên vẹn 2 tầng lầu
Được biết, những năm 60 của thế kỷ trước, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tận dụng biến nơi đây thành cơ sở cách mạng trong chiến dịch đường 9 Nam Lào. Đế quốc Mỹ đã dùng máy bay ném xuống nơi đây để đập tan cứ điểm nên các di tích gần như bị xóa bỏ. Sau năm 1991, được công nhận khu di tích lịch sử cấp quốc gia, nhà tù Lao Bảo mới được nâng cấp thêm nhà bia, nhà trưng bày, nhà tưởng niệm… để cho du khách có thêm tình cảm ấm áp, linh thiêng khi bước vào khu di tích. Dù nằm yên nghỉ cả 100 năm dưới đất sâu nhưng chắc chắn những người ngã xuống cũng đã mỉm cười trước tình cảm đền ơn đáp nghĩa của nhân dân địa phương và du khách khi có dịp đặt chân đến nhà tù Lao Bảo. Đó cũng là lời nhắc nhở cho những thế hệ mai sau sống tốt hơn để xứng đáng với xương máu của cha ông ta đổ xuống. Bước chân ra về, câu thơ của Tố Hữu khắc mờ trên bia đá: “Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/ Cho nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai” vẫn ám ảnh mãi trong đầu tôi. Câu thơ đó đến hôm nay vẫn ngùn ngụt tinh thần kiên trung bất diệt…
Quang Phan
Bình luận (0)