Lễ hội Mục đồng nhằm tôn vinh trẻ chăn trâu mang đậm nét văn hóa của nền nông nghiệp được xem là lễ hội độc đáo ở làng Phong Lệ xưa (nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã được tái hiện một cách sinh động. Nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng này hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của du khách thập phương, góp phần kích cầu du lịch.
Lễ cúng ở Cồn Thần – một lễ chính trong Lễ hội Mục đồng
Dấu ấn của nền nông nghiệp lúa nước
Về làng Phong Lệ những ngày đầu tháng tư âm lịch, cảm nhận bầu không khí rộn ràng hơn thường lệ. Khắp đầu làng, ngõ xóm, người dân phấn khởi nói về Lễ hội Mục đồng – một lễ hội truyền thống lâu năm của làng. Ông Ngô Tất Hiền – Trưởng làng Phong Lệ tự hào kể về lai lịch ra đời của nét văn hóa quê mình. “Người Phong Lệ dù đi xa đến đâu vẫn luôn nhớ về làng quê với câu ca: “Nhất Phong Lệ mục đồng/ Nhì Giáng Đông hát vật”. Ai cũng có một tuổi thơ đáng nhớ, tuổi thơ được chăn trâu, thả diều, đá bóng trên cánh đồng làng một thuở có lẽ là ký ức đẹp nhất và khó quên nhất trong mỗi người. Vì vậy, Lễ hội Mục đồng Phong Lệ luôn gợi lên trong mỗi người con xứ này niềm cảm xúc khó tả”, ông Hiền chia sẻ.
Ông Hiền kể lại, xưa người làng thường truyền khẩu, ở xóm Cồn thuộc làng Phong Lệ ngày đó có một cồn cỏ nhô lên giữa đồng. Ngày nọ, có một người nông dân xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng bị dính chặt xuống đất như có bàn tay ai níu lại. Người dân cho rằng có thần linh giáng hạ nên từ đó không ai dám đặt chân đến cồn và họ đặt tên cho cồn cỏ ấy là Cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu đi lạc lên cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng rất lạ là không đứa trẻ nào hề hấn gì. Từ đó, người làng xôn xao cho rằng Cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, là nơi tụ tập của các trẻ mục đồng trong làng trong mỗi buổi chăn trâu, ngoài giờ học. Câu chuyện được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và cũng từ đó hình thành nên lễ hội dành riêng cho trẻ chăn trâu gọi là Lễ hội Mục đồng. 3 năm một lần, vào mỗi tháng tư âm lịch, lễ hội được bà con dân làng long trọng tổ chức. “Ngày nhỏ, tôi nghe các bậc cao niên trong làng kể lại, ban đầu lễ hội được tổ chức 3 năm một lần. Sau đó giãn ra 6 năm tổ chức một lần và cuối cùng là 12 năm. Lần cuối cùng lễ hội dành cho trẻ chăn trâu này được tổ chức là vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936)”, ông Hiền nhớ lại.
Lễ rước Thần nông của người làng Phong Lệ xưa nhằm cầu mong một vụ mùa tươi tốt
“Hiện địa phương đã triển khai thực hiện đề án của huyện Hòa Vang về xây dựng làng văn hóa đặc trưng Phong Nam, đầu tư xây dựng nhà trưng bày nông cụ làng Phong Lệ; đặc biệt, xây dựng đề án phục dựng lại Lễ hội Mục đồng, quy hoạch, tôn tạo lại không gian văn hóa, di tích, di sản gắn với truyền thống của lễ hội độc đáo này và dự kiến sẽ tổ chức 3 năm 1 lần như trước đây”, ông Lê Đức Hùng – Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết. |
Lễ hội được tổ chức vào mùng 1 tháng tư âm lịch. Không gian diễn ra lễ chính là đình Thần nông. Ông Hiền giải thích: “Sở dĩ chọn thời điểm này là lúc bà con nông dân vừa xong vụ gặt. Thời tiết đẹp, bà con có thời gian nông nhàn và cánh đồng thẳng cánh cò bay thỏa sức cho trẻ chăn trâu vui chơi. Lễ rước kiệu Thần nông sẽ dạo quanh cánh đồng làng Phong Lệ, lễ tổ chức cả ngày và xuyên qua đêm. Tham gia lễ rước có hai hàng cờ, mỗi hàng 13 cây kèm theo cờ của làng, cờ các chư phái tộc trong làng và các loại lồng đèn. Làng sẽ chọn 50-60 mục đồng mạnh khỏe, luân phiên cứ 2 người thay nhau cầm 26 cây cờ mục đồng và cờ làng. Cờ mục đồng đi sau kiệu Thần nông. Đi sau là đàn trẻ em chăn trâu. Người Phong Lệ quan niệm, mảnh ruộng nào được thần nông dạo qua sẽ có mùa màng tươi tốt”.
Giữ gìn văn hóa truyền thống và kích cầu du lịch
Qua bao thăng trầm, biến thiên của thời cuộc, Lễ hội Mục đồng có thời gian bị dừng tổ chức trong suốt 70 năm. Năm 2007, lễ hội được phục dựng trở lại. Sau đó, lễ tiếp tục được tổ chức vào các năm 2010, 2014. Vì nhiều lý do khách quan khác nhau, tròn 10 năm gián đoạn, năm 2024, lễ hội lại được tổ chức long trọng, không chỉ thu hút sự tham gia của đông đảo bà con làng Phong Lệ mà có cả du khách đến tham quan, tìm hiểu. Chị Anne, một du khách đến từ Pháp vui vẻ cho biết: “Tôi đến Đà Nẵng du lịch tình cờ biết đến lễ hội này. Tôi rất thích hình ảnh những đứa trẻ mục đồng với nụ cười tươi rói dắt trâu đi trên đồng ruộng. Đây là một nét đẹp văn hóa hiếm thấy, lần đầu tôi được tận mắt chứng kiến trong rất nhiều điểm đến mà tôi đã tham quan. Nếu trở lại Việt Nam, tôi nhất định sẽ chọn đúng thời điểm diễn ra lễ hội này ở Đà Nẵng để trở lại”.
Tái hiện hình ảnh những đứa trẻ mục đồng chăn trâu nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống ở Phong Lệ
Ông Đỗ Thanh Tân – Trưởng phòng VH-TT huyện Hòa Vang cho biết, Lễ hội Mục đồng có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Phong Lệ nói chung và Hòa Vang nói riêng. Đây là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Việc phục dựng thành công lễ hội là dịp để tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, góp phần gìn giữ các giá trị vững bền, sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, giá trị văn hóa phi vật thể.
Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ năm 2024 nằm trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ triển khai thí điểm xây dựng thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) – một phần của làng Phong Lệ xưa trở thành làng kiểu mẫu có bản sắc riêng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, cộng đồng dân cư, tộc họ; chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giàu tính nhân văn, qua đó tạo nét văn hóa riêng của con người Hòa Vang.
“Hiện địa phương đã triển khai thực hiện đề án của huyện Hòa Vang về xây dựng làng văn hóa đặc trưng Phong Nam, đầu tư xây dựng nhà trưng bày nông cụ làng Phong Lệ; đặc biệt, xây dựng đề án phục dựng lại Lễ hội Mục đồng, quy hoạch, tôn tạo lại không gian văn hóa, di tích, di sản gắn với truyền thống của lễ hội độc đáo này và dự kiến sẽ tổ chức 3 năm 1 lần như trước đây”, ông Lê Đức Hùng – Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết.
Hàn Giang
Bình luận (0)