Con tàu cao tốc rẽ sóng đưa chúng tôi cập cảng Lý Sơn một ngày tháng 3 vàng rực nắng. Trên các lối đi được trang trí bằng một màu trắng bạc của tỏi phơi dưới nắng. Trên những cánh đồng, người nông dân tất bật thu hoạch tỏi, mùi tỏi thơm quyện vào mùi đất mang theo vị mặn mòi của biển cả. “Vương quốc tỏi” Lý Sơn vào mùa thu hoạch thật đẹp!
Với người dân Lý Sơn, tỏi được xem là thứ “vàng trắng” đem lại nguồn thu nhập ổn định cuộc sống
Cứu cánh của người dân
“Lý Sơn tháng 3 có hương vị đặc biệt”! Câu nói của một ngư dân kéo lưới bên mép cảng tưởng giỡn đùa nhưng lại là sự thật. Lý Sơn không chỉ có vị mặn mòi của biển mà còn thơm nồng mùi tỏi, thôi thúc chúng tôi tìm đến những cánh đồng tỏi ngả màu vàng rộm. Tỏi ở Lý Sơn vào chính vụ thu hoạch tầm cuối tháng 2 kéo dài đến hết tháng 3 hàng năm. Đang miệt mài nhổ tỏi, bà Trương Thị Sự (thôn Đông, xã An Hải) chia sẻ: “Ở đảo này, đàn ông mạnh khỏe thì đi biển, còn cánh phụ nữ chân yếu tay mềm phần lớn ở nhà trồng tỏi. Xưa vào mùa đông, biển động không đi biển được thì tỏi là cứu cánh của mỗi gia đình để đổi lấy gạo, thức ăn. Năm nay tôi đầu tư hơn 90 triệu đồng trồng 5 sào tỏi. Với độ lớn của củ tỏi này ước tính sẽ thu về khoảng 2 tấn tỏi tươi. Năm nay tỏi được mùa nên dù làm vất vả cũng thấy vui”.
Chúng tôi dừng chân tại cánh đồng tỏi ở thôn An Vĩnh (xã An Vĩnh) lúc xế trưa. Bà Lê Thị Hạnh, ngoài 50 tuổi, đang vội vã chất những bó tỏi lên xe kéo để kịp về nhà tránh cái nắng trưa gay gắt. Đưa ống tay áo quệt những giọt mồ hôi đọng bên khóe mắt, bà Hạnh bộc bạch: “Tui là đời thứ 3 nối nghề trồng tỏi của gia đình. Cũng như nhiều loại cây trồng khác, tỏi đòi hỏi môi trường, đất đai rất khắt khe, để trồng ra củ tỏi có chất lượng cũng phải đầu tư nhiều công sức. Nhưng nếu không trồng tỏi thì sẽ mất đi một nguồn thu nhập cứu cánh của người dân xứ đảo lúc mưa rét, biển động”.
Trên các cánh đồng tỏi, bà con thay vì thuê nhân công, họ nghĩ ra giải pháp làm đổi công cho nhau để công việc được nhanh và không phải tốn tiền thuê lao động. Mỗi năm đôi vụ, tỏi Lý Sơn được trồng từ đất lấy ở chân núi lửa và cát biển trắng mịn từ biển. Bà Hạnh nói, tỏi trồng theo cách ấy nên củ tỏi nên hình hài cũng có hương vị đặc biệt hơn xứ khác. Củ tỏi trắng, nhiều tinh chất, mùi thơm cay nồng và giàu giá trị dinh dưỡng. Đó cũng là đặc trưng đầy hấp dẫn để củ tỏi Lý Sơn mang lại nguồn giá trị giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế.
Định vị thương hiệu
Từ lâu tỏi Lý Sơn đã được định vị thương hiệu. Nhắc đến hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió này, nhiều người không chỉ nhớ đến một hòn đảo nơi những hùng binh Hoàng Sa kiêu hùng với lời thề hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi những đình làng, miếu mạo, những ngôi mộ gió được vun lên đều gợi nhớ đến những anh hùng giữ biển. Nhiều người còn nhớ đến Lý Sơn bởi vị thơm nồng của tép tỏi trắng phau, hay món ăn giòn đặc trưng của mầm tỏi non mà không nơi nào có được.
Ông Dương Nghĩa, Phó ban Khánh tiết đình làng An Hải nói, nghề trồng tỏi với người dân Lý Sơn là nghề mưu sinh chính, bên cạnh nghề biển. Tỏi mang lại thu nhập đổi lấy lương thực bù vào giữa mùa đông biển động, thuyền bè không thể vươn khơi. Đất đảo hẹp, mỗi năm Lý Sơn trồng ra khoảng hơn 2 ngàn tấn tỏi, cũng có năm mất mùa. Sản lượng làm ra ít nhưng nhu cầu mỗi năm một lớn, nhất là khi khách du lịch tìm đến ngày một đông. Củ tỏi trồng ra khó nhọc nên người Lý Sơn rất chú trọng bảo vệ thương hiệu của sản vật xứ mình. Trong câu chuyện về thương hiệu ấy, người Lý Sơn cũng có đôi lần chùng giọng khi nhắc đến việc các thương lái khoác áo Lý Sơn cho tỏi xứ khác. Những củ tỏi ấy từ nơi khác, theo thương lái từ đất liền đi một vòng “du lịch” ra đảo quay về lại hiển nhiên mang thương hiệu Lý Sơn. Hai năm lại đây, ngành chức năng đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn, chuyện tỏi đi “du lịch” ra đảo phần lớn đã bị hạn chế. Nhưng không ai dám chắc đâu đó không xuất hiện vài bao tỏi từ đất liền đi bằng đường “tiểu ngạch” trên những chuyến ghe hay lẫn vào đâu đó trong các bao hàng hóa khác. Người dân trồng tỏi ở hòn đảo này gánh thêm nỗi lo tỏi giả mạo để cạnh tranh với tỏi thật.
Người dân Lý Sơn đang thu hoạch tỏi Ông Đặng Tấn Thành, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, toàn huyện trồng được hơn 320ha; theo đánh giá sơ bộ ước tính năm nay năng suất đạt khoảng 85 tạ/ha. Huyện đang xây dựng đề án, sắp tới triển khai liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Huyện cũng đang hoàn tất các thủ tục chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn để định vị thương hiệu. |
Trong “cuộc chiến” chống tỏi giả xâm nhập xứ đảo, người Lý Sơn tìm cách giữ uy tín bằng việc ghi rõ ràng nguồn gốc tỏi, giá thành, thậm chí họ còn sẵn sàng dành thời gian hướng dẫn cho du khách cách phân biệt giả thật giữa các loại tỏi. Đương nhiên quyền chọn lựa thuộc về người mua nhưng khi được chỉ dẫn rõ ràng thì tỏi đến từ nơi khác tự nhiên sẽ bị đánh bật. Từ năm 2019, huyện đảo cũng đã thực hiện nhiều cách để ngăn chặn việc buôn bán tỏi giả ra đảo. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền, vận động ngư dân không tiếp tay chở tỏi giả mạo về đảo. Tiếp đó là tổ kiểm tra được thành lập để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tiểu thương buôn bán tỏi phải đúng nguồn gốc, nhằm bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)