- 1 Về Mân Thái nghe biển gọi bình minh
Mặt trời chưa lên, nhưng bãi cát làng chài Mân Thái (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã nhộn nhịp bước chân. Những dáng người tay xách rổ, tất bật trong không gian lặng gió, nghe hơi muối và tiếng sóng vỗ vào đá bờ như một bản nhạc nền quen thuộc mỗi sớm mai…

Nhịp đời bên chân sóng
Mặt trời đỏ ối phía biển. Từ ngoài xa, những chiếc thuyền công suất nhỏ rẽ sóng cập bờ. Những ngư dân làn da đen sạm điều khiển chiếc thuyền thúng đón lấy những rổ cá, tôm để đưa vào bờ. Trên bờ, những người mẹ, người vợ đứng thành hàng dọc theo dải cát, mắt dõi xa như tìm bóng dáng quen thuộc giữa trùng khơi. Cát dưới chân họ ướt đẫm sương đêm, ánh mắt sáng lên hy vọng, hy vọng về một chuyến biển bình an và bội thu.
Một chiếc ghe lướt sóng tiến vào gần bờ, ngư dân Nguyễn Hiền, chừng ngoài 50 tuổi, vai áo ướt mặn nước biển, xắn tay kéo lưới, miệng cười: “Cũng được kha khá. Có mực, có cá hố, có ít cá cơm than, bà ơi!”. Từ đám đông, vợ ông Hiền chạy lại mép biển, nhoẻn miệng cười, đón lấy rổ cá từ tay chồng.
Cạnh ông Hiền là thuyền của một nhóm thanh niên trẻ. Họ vừa cập bờ đã xắn tay chuyển cá lên bãi. Tiếng rổ cá nặng nề chạm vào nhau, mùi biển tươi rói. Cá mú, mực nang, cá trích, cá chìa vôi đỏ… đủ loại cá. Những người phụ nữ phân loại cá, mực với đôi tay thoăn thoắt. Với ngư dân miền bãi ngang này, biển đã trao cho họ áo cơm và là nơi khởi nguồn cho niềm tin và sự gắn bó. Người Mân Thái không rời biển. Họ thấm thía sự khắc nghiệt nhưng cũng hiểu biển rộng hơn bất kỳ nỗi mất mát nào. Chợ cá họp ngay trên cát. Người bán ngồi xổm, không bảng giá, không quầy sạp, chỉ cần vài tấm bạt, cái rổ, cái thau và tiếng gọi nhau thân thuộc. Người mua khom lưng xem hàng, trả giá, rồi mang đi những túi cá tôm tươi rói, gương mặt rạng rỡ hình dung về bữa trưa cho gia đình với nồi canh chua, dĩa cá chiên giòn, món mực xào tỏi… Chỉ chừng ấy đủ nghe thanh âm từ buổi chợ quê rộn ràng một thuở sống dậy trong ký ức. Thứ thanh âm ấy tuyệt nhiên khó tìm thấy trong những khu phố đông đúc hay trung tâm thương mại lộng lẫy giữa đời sống hiện đại.
Điểm đến níu chân du khách
Giữa khung cảnh mặn mòi ấy, một cô gái tóc nâu, đeo máy ảnh lặng lẽ đi giữa dòng người. Cô không mua cá, không hỏi giá, chỉ lặng ngắm cảnh bán mua, rồi thỉnh thoảng bấm máy ảnh ghi lại những bức hình. Đó là Army, du khách đến từ Mỹ, lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng và cũng là lần đầu cô dậy từ 4 giờ sáng để đến Mân Thái trải nghiệm nhịp sống của làng biển trong lòng thành phố. “Tôi từng đi du lịch nhiều nơi, cũng đến nhiều làng biển nhưng cảnh làng biển Mân Thái sáng nay thật đẹp. Đẹp vì không giống trong bất kỳ tour du lịch nào. Chỉ có ở đây, cảm giác được sống thật, được thấy nụ cười mặn gió mà ấm áp và thân thiện”, Army chia sẻ.
Cách chợ cá Mân Thái không xa, nhiều du khách đang chèo SUP ra phía xa để đón nắng sớm. Có người thả máy quay, người đứng vững trên tấm ván, tay dang rộng đón gió. Từ mặt nước, họ nhìn vào bờ để ngắm nhìn cảnh cả làng đang sống trọn khoảnh khắc đầu ngày. Vài du khách khác chọn cách chèo SUP ra gần những con tàu vừa cập bờ để xem cảnh vận chuyển cá tôm.
Mân Thái không chỉ có tôm cá, mà còn có bề dày trầm tích văn hóa rất riêng. Ông Huỳnh Văn Mười, một người dân gìn giữ nghề truyền thống làm nước mắm ở Mân Thái trải từng bước chân thật chậm trên bãi cát. Ông nói, giọng trầm ấm: “Ngày trước, mỗi lần đàn ông đi biển, người vợ hoặc người mẹ thường soạn cho họ một đôi đũa buộc dây cước, bỏ vào hành lý mang theo. Đũa hiển nhiên để dùng trong những bữa cơm. Nhưng không chỉ thế, họ còn gửi gắm vào đó niềm mong ước chồng con đi biển có ngày về, đũa có đôi, đừng ai đơn lẻ”. Tôi lặng lẽ sóng bước bên ông Mười, hình dung đến nỗi âu lo của những người mẹ, người vợ xứ biển. Ông Mười nói thêm, biển bây giờ bình yên hơn, ngư dân có điều kiện đóng thuyền to, máy mạnh nên rủi ro được hạn chế rất nhiều. Dù vậy, biển giả, phận người thì nhỏ nhoi, nhất là vào mùa giông bão, chỉ có niềm tin và tình yêu dành cho biển là không thể gãy để những chuyến tàu vẫn miệt mài vươn khơi.
Mặt trời lên cao. Nắng rải vàng trên vai áo, trên từng chiếc rổ, trên cả ánh mắt người vợ vừa nhận tiền bán mẻ cá đầu ngày. Chợ cá bắt đầu thưa dần. Ngư dân kéo thuyền lên bờ, phủ lưới, rồi cùng vợ trở về. Đâu đó dọc bãi biển, vài ba người đàn ông bắt đầu sửa máy, đan lại tấm lưới rách… chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đêm mai. Những đứa trẻ vẫn chạy chơi, để lại trên cát dấu chân nhỏ bé xen lẫn dấu bánh xe gồng gánh. Cuộc sống cứ thế lặp lại, đều đặn và giản dị.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)