Cây sâm Ngọc Linh nhiều năm qua đã giúp đồng bào Xơ Đăng trên đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đổi đời. Cùng với người dân, chính quyền địa phương nơi đây đã từng bước xây dựng thương hiệu bền vững từ loại cây trồng đặc trưng của quê hương để xứng danh với sản vật được ví là “quốc bảo”.
Người dân trên đỉnh Ngọc Linh làm giàu từ cây sâm được ví là cây “quốc bảo”
Đổi đời nhờ sâm
Ông Nguyễn Cao Bằng, trú tại thôn Tăk Lang, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) cho tôi cái hẹn vào ngày cuối tuần. Đang giữa mùa hạ, cái nắng ở đồng bằng rất gay gắt nhưng đi giữa vạt rừng già của đỉnh núi Ngọc Linh, không khí mát rượi và trong lành. Ông Bằng nói, cây sâm Ngọc Linh ưa thích độ ẩm và chỉ phát triển tốt trong môi trường bóng râm, độ ẩm cao. Đó cũng là động lực để nhiều năm nay, người dân ý thức hơn trong bảo vệ rừng.
Xế trưa, ánh nắng xiên qua tán lá rừng già, chiếu rọi xuống những lá sâm Ngọc Linh xanh mướt, phản chiếu lên những chùm hoa đỏ của cây sâm có tuổi. Ông Bằng ngồi bệt xuống, nâng niu từng bông sâm, phấn khởi chia sẻ về hành trình trồng sâm của gia đình mình và của đồng bào Xơ Đăng dưới đỉnh Ngọc Linh này. “Ngày trước, sâm rẻ lắm. Giá bèo như khoai. Có những mùa, sâm ế, bà con đành bất lực nhìn sâm úng, hư hỏng. Kế mưu sinh chuyển qua nhiều hình thức khác để có đủ cái ăn ngày giáp hạt, buổi giêng hai. Trong đó, kéo theo nhiều cái hại, ảnh hưởng đến rừng”, giọng ông Bằng trầm buồn, ánh mắt sâu thẳm kể về những tháng năm quẩn quanh trong nghèo khó.
Rồi như cổ tích có thật, giá sâm củ tươi lên đến tiền triệu. Toàn cây sâm phần nào cũng bán được tiền. Ông Bằng vui đến nhiều đêm mất ngủ. Cùng với bà con, gia đình ông bắt tay gầy dựng lại vườn sâm. “Bọn trẻ có thêm điều kiện để đến trường, bà con trồng sâm sắm được cả xe máy, ti vi, xây nhà kiên cố, cái đói bị đẩy lùi. Cây sâm đã cứu cánh nhiều gia đình, giúp bà con làm giàu”, ông Bằng vui vẻ nói.
Sâm Ngọc Linh được trưng bày và giới thiệu tại dịp ra mắt sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản, tháng 4-2024
Cây sâm đã giúp nhiều hộ dân dưới đỉnh Ngọc Linh làm giàu. Anh Nguyễn Văn Lượng, ở thôn 2, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) là ví dụ điển hình. Với vườn sâm khoảng hơn 30ha, mỗi năm, bình quân anh thu về hàng chục tỷ đồng. “Bình quân, mỗi năm vườn tôi bán khoảng 100kg sâm củ, 500-600 nghìn hạt và nửa tấn lá sâm. Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến con số thu nhập khổng lồ ấy. Nhưng điều đó trở thành sự thật rồi”, anh Lượng trải lòng.
Phát triển và bảo vệ thương hiệu bền vững
Tháng 4-2024, UBND huyện Nam Trà My đã chính thức đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản. Mục đích tạo cơ hội cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và giá trị chất lượng hàng hóa, đồng thời tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử, giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng tại website uy tín, được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm. Đây là bước đi mang tính bước ngoặt, nền tảng nhằm cụ thể hóa hiệu quả chủ trương của các cấp về phát triển kinh tế số. Bên cạnh địa chỉ số quảng bá tài nguyên giá trị của huyện, sàn thương mại điện tử này còn tạo kênh buôn bán chính thống cho người dân trồng sâm và khách hàng mua sâm.
Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng hơn 15.000ha tại 7/10 xã của huyện. Theo đó, hiện có hơn 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha. Hằng năm, sản lượng thu về đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm. Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, sâm Ngọc Linh đã mang lại giá trị kinh tế cao. Giá cây giống sâm Ngọc Linh loại 1 năm tuổi từ chỗ chỉ khoảng 50.000đ/cây đến nay đã tăng lên 300.000đ/cây; giá sâm Ngọc Linh củ các loại bình quân từ 50-75 triệu/kg; loại đặc biệt có giá vài trăm triệu đồng/kg; mỗi hécta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng. “Có thể nói, sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, sâm Ngọc Linh đã mang lại giá trị kinh tế cao. Giá cây giống sâm Ngọc Linh loại 1 năm tuổi từ chỗ chỉ khoảng 50.000đ/cây đến nay đã tăng lên 300.000đ/cây; giá sâm Ngọc Linh củ các loại bình quân từ 50-75 triệu/kg; loại đặc biệt có giá vài trăm triệu đồng/kg; mỗi hécta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng. |
Nhờ đó nhiều hộ dân của huyện Nam Trà My, đặc biệt là tại xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang đã thoát nghèo. Năm 2023, toàn huyện giảm 645 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 8,39%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 36,3%. Đặc biệt, nhiều hộ đã xây được nhà cửa khang trang, trang bị đầy đủ phương tiện, đồ dùng gia đình, mua sắm được ô tô; mua đất, xây nhà ở đô thị, tạo điều kiện cho con cái học hành.
Theo ông Dũng, cùng với việc xây dựng sàn thương mại điện tử để phát triển thương hiệu cây sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện rất chú trọng việc bảo vệ thương hiệu sẵn có. Tăng cường công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trên thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng; Chú trọng công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Hướng dẫn cho khách hàng nhận diện được các phương thức lừa đảo buôn bán sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Khi có sản phẩm chất lượng và thương hiệu uy tín, tin rằng hành trình phát triển kinh tế dựa vào cây sâm Ngọc Linh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào miền núi thoát nghèo và làm giàu. Điều quan trọng, thông qua đó, sẽ góp phần vào công cuộc chung tay bảo vệ rừng bền vững hơn.
Thiên Phúc
Bình luận (0)