Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Chỉ quản lý được bề nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người tiêu dùng có thói quen mua thực phẩm ở các chợ tự phát

Sáng 26-3, tại Sở Y tế, Ban Văn hóa Xã hội (VHXH) – Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP đã có buổi giám sát cuối cùng trong đợt giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn TP năm 2009. Tham gia buổi giám sát có Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Sở Công thương TP…
TP chỉ cung cấp được 30% rau củ quả sạch
Bình quân mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 1.600 tấn rau củ quả các loại. Tuy nhiên ngành trồng trọt của TP chỉ cung cấp được khoảng 20 – 30%, phần lớn đều nằm trong quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn. Khoảng 70 – 80% nhu cầu rau củ quả còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận…
Theo đó, đại biểu HĐND Phạm Văn Hải lo lắng: “Các ban ngành liên quan đã kiểm soát như thế nào đối với trên 1 ngàn tấn rau củ quả từ các tỉnh, thậm chí từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc được đưa vào TP.HCM qua đường tiểu ngạch?”. Đại diện Sở NN&PTNT TP trả lời: “Theo quy định của Bộ NN&PTNT, đối với rau củ quả phải kiểm tra vi sinh, dư lượng thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, do nhiều lý do nên hiện nay Sở NN&PTNT TP mới chỉ kiểm tra được dư lượng thuốc trừ sâu. Bởi dư lượng thuốc trừ sâu có thể gây ngộ độc cấp tính cho người tiêu dùng. Đáng lý ra việc kiểm tra này phải tiến hành từ khâu sản xuất nhưng do nơi sản xuất ở xa như Lâm Đồng, Bình Dương, Vũng Tàu… do vậy chỉ có thể kiểm tra tại 3 chợ đầu mối của TP là chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức), chợ Tân Xuân (H.Hóc Môn) và chợ Bình Điền (Q.8)”.
Cũng theo Sở NN&PTNT thì việc lấy mẫu xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu phần lớn chỉ được tiến hành trên rau ăn lá là chính, vì nhu cầu sử dụng rau ăn lá nhiều nhất. Mặt khác, rau ăn lá cũng có nhiều nguy cơ nhất.
“Cái khó hiện nay của Sở NN&PTNT là trong quá trình kiểm tra, phát hiện vi phạm nhưng không thể xử phạt mà chỉ báo lại nơi sản xuất để điều chỉnh. Nếu muốn xử phạt, phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của cả Sở Công thương, Sở Y tế, quận, huyện…”, đại diện Sở NN&PTNT cho biết.
“Nói như vậy là mặt hàng trái cây, nhất là trái cây của Trung Quốc hoàn toàn không được kiểm tra”, một đại biểu HĐND TP chất vấn. Về vấn đề này, cả Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương đều cho rằng rất khó kiểm tra vì không ai biết trong những trái cây đó có loại hóa chất nguy hại nào cho người tiêu dùng. Cho dù có đưa mẫu tới các labo để kiểm tra thì cũng bị từ chối…
Quản lý chợ tự phát, hàng rong: các sở bó tay!
TP hiện có khoảng 47 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm và trên 2 ngàn bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, số cơ sở được cấp giấy chứng nhận VSATTP chỉ trên 60%. Cụ thể, bếp ăn tập thể khu công nghiệp – khu chế xuất: 40% chưa được cấp giấy; bếp ăn, căn tin trong trường học, căn tin bệnh viện còn khoảng 20% chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, đặc biệt là ở khu vực chợ.
“Qua khảo sát của chúng tôi có nhiều chợ chỉ có 2 – 3% hộ kinh doanh được cấp giấy chứng nhận VSATTP, ví dụ như chợ Xóm Củi – Q.4. Chợ là nơi cung cấp thực phẩm cho người dân, vì vậy chúng tôi rất lo lắng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – đại biểu HĐND tâm tư. “Bất cứ đoạn đường, ngõ ngách nào trên địa bàn TP cũng có hàng rong, chợ tự phát mọc lên như nấm, các ban ngành liên quan đã xử lý vấn đề này ra sao?”, một đại biểu HĐND chất vấn. Ông Nguyễn Văn Minh – Phó trưởng Ban VHXH-HĐND bức xúc: “Vì sao vẫn còn hàng chục phần trăm cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP? Dự báo đến khi nào thì các ban ngành hoàn thành việc cấp giấy…”.
Xung quanh bức xúc của các đại biểu HĐND, đại diện Sở Công thương cho biết: Hầu hết các hộ kinh doanh ở 3 chợ đầu mối đều đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP. 3 chợ này cung cấp 90% thủy hải sản, 75% rau củ quả và 80% thịt cho nhu cầu của toàn TP. Song, đối với những hộ kinh doanh ở các chợ nhỏ lẻ (TP có 92% chợ nhỏ, lẻ) thì đa số đều chưa được cấp giấy. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thoát nước ở các chợ xuống cấp nghiêm trọng (chiếm 65,1%).
“Đối với chợ tự phát, hiện TP có khoảng 118 chợ. Các chợ đều lôi thôi, nhếch nhác, nếu cấp giấy chứng nhận VSATTP thì vô hình trung đã thừa nhận sự hợp pháp của các chợ nên nhiều quận, huyện không dám cấp. Hàng rong thì rất khó quản lý, hiện TP có bao nhiêu gánh hàng rong, ngành y tế “bó tay”. Do đó việc cấp giấy chứng nhận VSATTP là rất khó. Cách quản lý tốt nhất là “gom” hàng rong về một mối, gọi là khu vực thức ăn đường phố. Song lại vướng ở chỗ không có đất, thiếu hệ thống cung cấp nước sạch cũng như cống rãnh để hàng rong hoạt động được đảm bảo vệ sinh…”, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế thừa nhận.
Từ thực tế trên cho thấy, cho dù các ban ngành có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể quản lý được bề nổi của vấn đề VSATTP. Vấn đề chủ yếu vẫn là làm sao thay đổi được hành vi tiêu dùng của người dân, chỉ khi nào người tiêu dùng biết nói “không” với thực phẩm không an toàn thì lúc đó vấn đề VSATTP mới được cải thiện…
Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)