Nhiều khi chỉ cần tiếc tiền (hoặc không biết) mua hệ thống chống ẩm khoảng hơn 100 đô la, chiếc máy ảnh mấy ngàn đô của bạn sẽ chẳng mấy chốc ra đi. Tuy nhiên, vệ sinh máy thường xuyên và đúng cách đóng vai trò then chốt.
Lau chùi bên ngoài
Nếu máy ảnh có hiện tượng bị “hấp hơi”, việc cần làm đầu tiên là tháo ống kính và mở tất cả các phần có thể mở của máy ảnh ra (hộc pin, khe đọc thẻ nhớ, miếng cao su bịt các khe kết nối), rồi dựng máy ảnh lên và cứ để như thế qua đêm cho hơi nước bốc hơi ra ngoài.
Bạn cần sử dụng giẻ mềm để lau chùi màn hình LCD và thân máy (body) nếu chúng dính bụi. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng dung dịch dành riêng cho lau máy ảnh (thấm vào giấy mềm để lau). Khi lau, hãy cẩn thận các nút bấm và khe cắm, chú ý là đừng để chất lỏng rớt vào trong.
Khi lau ống kính, bạn phải đặc biệt cẩn thận. Ống kính là bộ phận rất nhạy cảm của máy ảnh và thường rất đắt tiền. Dĩ nhiên, những chiếc ống đầy bụi bặm sẽ cần phải lau sạch nhưng vấn đề là lau như thế nào và lau bằng cách nào mà thôi.
Không giống thân máy, khi lau ống kính bạn phải rất nhẹ nhàng và thận trọng. Vật dụng để lau là khăn giấy mềm không gây xước, dung dịch lau ống kính và ống thổi khí. Bạn có thể mua những thứ này ở các cửa hàng bán vật dụng máy ảnh, chẳng hạn như tại phố Vọng Đức, Hà Nội.
Cách giữ ống kính khỏi bụi tốt nhất là sử dụng kính lọc. Nếu đã mua ống kính vài triệu đồng hay thậm chí là hàng chục triệu đồng, chắc hẳn bạn cũng không ngần ngại khi bỏ ra số tiền bằng 1/10 để mua kính lọc.
Bộ phận này sẽ giúp ngăn bụi không bám vào mặt ống kính, đồng thời bảo vệ ống kính trước các tác động không mong muốn bên ngoài, chẳng hạn như ai đó hay cái gì đó vô tình chạm vào mặt ống kính. Khi bị bụi, bạn chỉ cần lau mặt kính lọc.
Vệ sinh bên trong máy ảnh
Đây mới thực sự là phần “xương xẩu”, công phu và mất thời gian nhất. Bộ phận cần vệ sinh chính là cảm biến ảnh, có dạng như một tấm gương nhỏ nằm ở chính giữa máy ảnh và đằng sau ống kính.
Tất nhiên, để lau chùi bộ phận này, trước hết bạn cần phải tháo ống kính ra, chuyển máy ảnh về chế độ khóa gương (mirror-lock) và tốt nhất là cố định máy trên chân máy ảnh để lau chùi dễ hơn.
“Mirror-lock” là chế độ dành riêng cho lau chùi máy ảnh. Khi ở chế độ này, máy vẫn hoạt động như chỉ dành cho các tác vụ vệ sinh thiết bị.
Máy ảnh số DSLR sử dụng một trong hai loại cảm biến: CMOS hoặc CCD. Cảm biến ảnh rất nhạy cảm đối với các phần tử bụi, và nếu bị dính bụi, chất lượng ảnh chụp sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Riêng dòng máy du lịch (point-and-shoot), do sử dụng ống kính không thể tháo rời nên không bị bụi vào cảm biến. Còn dòng DSLR do sử dụng các loại ống kính tháo rời nên mỗi khi tháo lắp ống kính là một lần bụi bay vào.
Sau khi cố định máy ảnh trên chân máy, bạn hơi để nó chúc xuống phía dưới một chút để thao tác lau chùi được dễ dàng hơn, và cũng là để bụi bay ra ngoài dễ hơn. Kích hoạt chế độ khóa gương sẽ giúp đẩy xa mặt gương khỏi cảm biến ảnh.
Bạn cũng nên nhớ là sạc pin đầy trước đó bởi nếu trong quá trình lau chùi mà hết pin thì mặt gương có thể dịch chuyển sát vào cảm biến, gây ra tình trạng hư hỏng.
Bạn cần sử dụng ống thổi khí để làm sạch cảm biến ảnh. Hãy nhớ là chỉ sử dụng ống thổi khí dạng chuyên dụng, chứ không sử dụng dạng khí nén có thể làm hư hại mặt cảm biến.
Khi thổi bụi, bạn để ống thổi cách mặt cảm biến khoảng 1-inch rồi thao tác nhẹ nhàng và chắc tay. Đừng để ống thổi khí quá gần cảm biến, vì nếu sơ ý bạn có thể va chạm vào cảm biến gây hư hỏng.
Sau khi lau chùi xong tất cả các bộ phận, bạn cần chụp thử một tấm ảnh để kiểm tra xem mức độ làm sạch đã đạt chưa. Ngoài chụp ảnh ra, cũng có nhiều cách kiểm tra việc này, chẳng hạn như sử dụng kính lúp xem đã sạch bụi hay chưa.
Tuy nhiên, kiểm tra qua ảnh là dễ dàng và hiệu quả nhất. Bạn hãy chụp một nền ảnh trống (chẳng hạn mặt tờ giấy) với độ mở ống kính ở mức tối đa (mở khẩu).
Trên PC, bạn hãy zoom bức ảnh hết cỡ để kiểm tra các hạt bụi (biểu thị bằng bóng mờ) – nếu có. Nếu có, bạn cần lau chùi máy ảnh một lần nữa cho sạch (cũng với các bước như trên).
Riêng cách dòng máy ảnh thế hệ mới, chẳng hạn như Canon EOS 50D đã được trang bị tính năng tự làm sạch cảm biến, nên bạn sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các dòng máy cũ thì lại không có tính năng này, vậy nên bạn vẫn phải thực hiện một cách thủ công.
Máy ảnh xịn, đừng tiếc tiền mua hệ thống chống ẩm Tránh để máy ảnh tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, chẳng hạn như trong phòng điều hòa với trời nắng bên ngoài. Sự chuyển dịch đột ngột về nhiệt độ có thể khiến cho máy ảnh bị hơi nước. Ngoài ra, bạn cũng cần phải chống ẩm cho máy ảnh bởi đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến độ bền của máy và ống kính. Thông thường, máy ảnh được thiết kế phù hợp với độ ẩm 30 – 40%, trong khi đó độ ẩm trung bình tại Việt Nam là 80 – 90%. Vì vậy, máy ảnh kỹ thuật số nhất thiết phải được bảo quản trong thiết bị chống ẩm. Thiết bị chống ẩm ở đây có thể là hộp chống ẩm (sử dụng hạt chống ẩm) và tủ chống ẩm. Giải pháp đầu tiên tuy rẻ tiền hơn như khá lách cách, vì sau một thời gian sử dụng, bạn cần mua hạt chống ẩm mới. Còn tủ chống ẩm là giải pháp chuyên dụng và tiện lợi, tuy nhiên giá thành của nó không dễ chịu chút nào – có thể từ 100USD tới vài trăm USD. Khi không sử dụng máy liên tục, cần phải tháo pin và bảo quản của pin và máy trong hộp chống ẩm. Bản thân pin được làm bằng các chất liệu có tính hút ẩm, nên khi để lâu không sử dụng sẽ có hiện tượng ướt và oxi hóa chân pin, thậm chí còn ảnh hưởng đến mạch điện tử của máy. |
Gia Nguyễn (Theo TPO)
Bình luận (0)