Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Về sự khác nhau của hai văn bản “Tuyên ngôn độc lập”

Tạp Chí Giáo Dục

Về sự khác nhau của hai văn bản “Tuyên ngôn độc lập” - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Về sự khác nhau của hai văn bản “Tuyên ngôn độc lập” Audio

Gần đây một số giáo viên có nêu băn khoăn khi thấy văn bản “Tuyên ngôn độc lập” giữa sách của NXB Giáo dục theo chương trình 2006 có một số chỗ khác với văn bản trong sách ngữ văn 12 bộ Cánh diều. Chúng tôi xin có ý kiến như sau:

Nghiên cứu các dị bản là một công việc hấp dẫn, giúp học sinh có thể rút ra được nhiều nhận xét, kết luận thú vị (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H

Văn bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sách ngữ văn 12 bộ Cánh diều được chúng tôi cập nhật lấy từ tác phẩm: HỒ CHÍ MINH TOÀN TẬP – TẬP 4. Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia – Sự thật, xuất bản năm 2011 như đã ghi trong sách. So sánh giữa văn bản “Tuyên ngôn độc lập” trong sách ngữ văn 12 (2006) và văn bản mới trong sách ngữ văn 12 (bộ Cánh diều, 2024) đúng là thấy có khác nhau. Tuy nhiên, vì sao có sự khác nhau giữa hai văn bản này là hoàn toàn có thể hiểu được. Văn bản trong sách ngữ văn 12 (2006) lấy từ tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập – tập 4” – NXB Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 1995; còn văn bản mới trong sách ngữ văn 12 (2024) cũng lấy từ tác phẩm trên của NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, nhưng xuất bản năm 2011; tức là bản công bố 16 năm sau. Trong tài liệu xuất bản 2011, ban biên tập còn ghi chú rất rõ: “Bản Tuyên ngôn độc lập này, chúng tôi lấy nguồn từ báo Cứu quốc, số 36, ngày 5-9-1945. Các lần xuất bản trước được lấy nguồn từ bản sao băng ghi âm của Viện Hồ Chí Minh”. Như thế có thể hiểu và thấy khá rõ lý do của sự khác nhau đó.

Trong văn học nói chung và sách giáo khoa nói riêng, văn bản ngữ liệu của cùng một tác phẩm có thể khác nhau (được gọi là dị bản). Rất nhiều tác phẩm mới ra đời chưa lâu nhưng cũng có các dị bản. Chẳng hạn “Bài ca chúc tết thanh niên” (Phan Bội Châu), “Tống biệt hành” (Thâm Tâm), “Tràng Giang” (Huy Cận), “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm), “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan)… đều có rất nhiều bản khác nhau. Trong sách giáo khoa ngữ văn 10 (bộ Cánh diều), bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo” bản in đầu có câu: “Là bà con xa với bụt ốc đây mà”. Gần đây nhà thơ Trần Đăng Khoa nhờ tôi bỏ đi chữ “ốc”, chỉ còn: “Là bà con xa với bụt đây mà”. Như thế bài thơ này trong bản sách giáo khoa (bộ Cánh diều) năm 2025 đã có dị bản so với các bản in 2022, 2023, 2024.

Dị bản trong thơ văn, nhất là văn thơ truyền miệng là chuyện không có gì khó hiểu. Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình liên tục tìm tòi, suy nghĩ, gọt giũa để tác phẩm ngày càng hoàn chỉnh. Việc thay chữ này, đổi chữ kia, bỏ dấu này, thay dấu khác là chuyện bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt việc sửa chữa có chủ đích của tác giả với việc có quá nhiều dị bản do in ấn, sao chép, do sự thiếu thận trọng của công tác sưu tầm, tuyển chọn, in ấn, lưu giữ và công bố văn bản. Việc đầu rất cần làm, nhưng việc sau rất nên tránh.

Trong dạy học ngữ văn, trước các dị bản, giáo viên cần bình tĩnh tìm hiểu sự khác biệt và nguyên nhân của sự khác nhau. Trước hết chú ý đối chiếu nguồn dẫn của tài liệu để tìm hiểu, giải thích cho học sinh. Nhiều khi cùng một tài liệu, nguồn dẫn, nhưng thời điểm công bố khác nhau có thể khác nhau. Nghiên cứu các dị bản, cho học sinh đối chiếu các bản sửa chữa khác nhau của nhà văn, nhà thơ nào đó là một công việc hấp dẫn và có thể rút ra được nhiều nhận xét, kết luận thú vị… Đó cũng là một kỹ năng cần hình thành và phát triển cho học sinh khi dạy đọc hiểu văn bản.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Bình luận (0)