Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Vé tàu Tết Bính Thân 2016: Đừng để “mất Tết” vì vé chợ đen

Tạp Chí Giáo Dục

Theo như lời những cò vé, thì gần đến ngày đi, người mua chỉ cần đến ga chuyển đổi tên thẻ lên tàu với phí 5%, hoặc đổi vé với người khác. Thực tế lời hứa này nhiều khả năng khó trở thành hiện thực vì ngành đường sắt đã lên phương án kiểm soát chặt chẽ về quy định đổi, trả vé và cả khi cho hành khách lên tàu.

Hành khách mua vé tàu Tết tại Ga Sài Gòn sáng 16-1. Ảnh: B.Vân

Ga Sài Gòn bắt đầu bán vé tàu Tết sớm từ tháng 10, nhưng thực tế đến tháng 11, vé trên mạng lẫn vé trực tiếp trong ga đều đã hết. Nhiều hành khách đành bấm bụng mua vé chợ đen để có được tấm vé về quê ăn Tết với gia đình.

“Không mua được vé thì lấy gì về quê”

Câu nói này của chị Nguyệt (quê Nam Trực, Nam Định) có chút gì như là giận dỗi, hờn mát vì không ngờ vé lại bán nhanh hết như vậy. Nguyệt cho biết 4 anh em chị đều làm công nhân, tăng ca liên tục, nên không thể mua vé vào những ngày mới mở bán, thành ra bây giờ phải mua vé chợ đen. “Lạ là vé ga thì hết mà vé chợ đen thì bao la luôn. Anh trai tôi mới mua được vé vào ngày 25-1 vừa qua, giá mỗi vé cho tuyến Sài Gòn – Nam Định là 1.677.000 đồng, cộng với 250.000 “tiền cò” và 150.000 phí bao chuyển đổi tên thẻ lên tàu, tổng cộng 4 vé tốn hết 8.308.000 đồng. Lẽ ra nếu mua được vé chính thức trong ga thì tất thảy chỉ tốn 6.708.000 thôi”, Nguyệt nhẩm tính.

Nhằm hạn chế tối đa nạn cò vé, Ga Sài Gòn sẽ không giải quyết việc chuyển đổi tên, CMND người này sang người khác, nhằm tránh tiếp tay cho cò mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch. Tại Hà Nội, việc kiểm soát vé cũng được thực hiện một cách chặt chẽ. Nếu khách hàng không có tên trong vé đúng với tên trong CMND và không có kèm đầy đủ những thông tin liên quan thì sẽ bị hủy vé.

Khi được hỏi Nguyệt có lo sẽ không được lên tàu với vé chợ đen như lời cảnh báo của ngành đường sắt không? Nguyệt thừa nhận chị cũng có lo lắng đôi chút, nhưng vì không còn chọn lựa nào khác nên mấy anh em đành bàn nhau làm liều. Theo lời Nguyệt thì “bằng mọi giá năm nay anh em tôi phải về đông đủ vì ngoại tôi đã quá già yếu và cũng mong muốn được gặp con cháu khi ngày Tết đến”.

Không ở thế bị động như anh em chị Nguyệt, anh Nguyễn Văn Ba (Nghệ An) đã chủ động nhờ bạn mua giúp 3 tấm vé chợ đen vào cuối tháng 11 vì công việc quá bận rộn khiến anh không thể rời khỏi xưởng giày da ở quận Bình Tân. Vả lại hơn 20 năm qua từ khi vào TP.HCM làm việc, anh đã quen về quê ăn Tết bằng loại vé này. Thậm chí vé Tết năm nay anh cũng chưa chuyển tên thẻ lên tàu vì ban đầu anh nghĩ “cũng đơn giản như mọi năm là có vé thì lên tàu thôi. Năm ngoái tôi cũng đi như vậy, người soát vé có làm khó dễ khi vé tàu của tôi là tên người khác, nhưng khi tôi năn nỉ kèm theo 100.000 thì họ cho qua. Còn nếu không được thì sẽ mất thêm 5% phí chuyển đổi tên và CMND hoặc đổi vé cho người khác tại ga như cò nói cũng chẳng sao”.

Tuy nhiên, thay vì ung dung vì mua được vé sớm thì giờ anh Ba đang rất lo khi thấy báo chí đưa tin về những quy định nghiêm ngặt của ngành đường sắt dịp Tết này. Trước tình thế này, anh đang tự trách đã không để ý các quy định về việc mua vé tàu Tết. Hy vọng còn lại duy nhất của anh lúc này là mong cho việc đổi vé được thành công, “để cha mẹ còn thấy mặt vợ chồng con cái tôi ngày Tết. Gia đình có mình tôi là con trai mà không về được là coi như cả nhà cũng không có Tết luôn”.

Theo lời một người dân ở khu vực Ga Sài Gòn, tình trạng cò vé chợ đen năm nào cũng có và còn được xem như “mùa kiếm tiền ăn Tết” béo bở. Phần lớn những người làm nghề này cũng là dân có tiền, hoặc cũng có những người đi vay nóng để “hành nghề”. Ban đầu các cò sẽ gom số lượng lớn CMND để mua vé ngay từ những ngày đầu mở bán, rồi chờ cho đến khi trong ga hết vé sẽ bung ra bán với lời hứa sẽ hướng dẫn đổi trả vé, bao sang tên thẻ lên tàu, hoặc lấy tiền cọc rồi hẹn ngày giao vé và thẻ lên tàu có tên chính chủ. Mỗi vé thường lời 200.000-300.000 đồng. Còn nếu vé bán không hết thì có thể trả lại trước 4 giờ tàu chạy. Do đó, chẳng cò nào sợ lỗ.

Vé chợ đen sẽ hết đất sống?

Hành khách sẽ không được lên tàu nếu thông tin cá nhân không trùng khớp với thẻ lên tàu

Trước tình trạng vé chợ đen hoành hành, ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn khuyến cáo người dân nên cẩn trọng vì nếu mua vé chợ đen thì “99,9% không lên được tàu”. Theo ông Sang, quy trình bán vé hiện nay đã công khai minh bạch, những vé do hành khách đổi trả sẽ được đưa vào kho chờ của ngành đường sắt. Sau đó, nửa ngày đến một ngày mới đưa ra lại hệ thống mạng để tiếp tục bán cho những người có nhu cầu, nên không có chuyện người này đổi vé cho người kia như lời cò vé chợ đen đã nói. Ông Sang cũng khẳng định rằng nhà ga sẽ không giải quyết việc chuyển đổi tên, CMND người này sang người khác, nhằm tránh tiếp tay cho cò mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch.

Nhằm hạn chế tối đa nạn cò vé, Ga Sài Gòn sẽ không giải quyết việc chuyển đổi tên, CMND người này sang người khác, nhằm tránh tiếp tay cho cò mua vé với tên người này rồi bán cho người khác để thu tiền chênh lệch. Tại Hà Nội, việc kiểm soát vé cũng được thực hiện một cách chặt chẽ. Nếu khách hàng không có tên trong vé đúng với tên trong CMND và không có kèm đầy đủ những thông tin liên quan thì sẽ bị hủy vé.

Theo quy định chung, trường hợp đổi hay trả vé đều mất 5%. Tuy nhiên không phải cứ cầm vé ra đổi hoặc trả là được, mà người đổi trả vé phải đem theo CMND bản gốc để đối chiếu, nghĩa là nếu số CMND của người đổi vé trùng khớp với số CMND trong vé thì mới hợp lệ.

Tương tự như ở TP.HCM, Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội – bà Phùng Thị Lý Hà cho biết việc kiểm soát vé cũng được thực hiện một cách chặt chẽ. Nếu khách hàng không có tên trong vé đúng với tên trong CMND và không có kèm đầy đủ những thông tin liên quan thì sẽ bị hủy vé.

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa nạn cò vé chợ đen làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai hàng loạt quy định: Mỗi hành khách chỉ được trả tối đa 4 vé, trả vé trước 24 tiếng so với giờ tàu chạy, khấu trừ phí trả vé 30% số tiền in trên thẻ đi tàu vào những ngày cao điểm (từ 29-1-2016 đến 6-2-2016 và 11-2-2016 đến 23-2-2016), chỉ người có tên trong thẻ đi tàu mới được trả vé, tổ chức soát vé của hành khách tại cửa soát vé trước khi hành khách lên tàu và kiên quyết không để hành khách lên tàu bằng thẻ lên tàu của người khác, thành lập bộ phận thường trực phụ trách công tác trả, đổi vé tại các nhà ga. Đồng thời cử 1 phó tổng giám đốc tổng công ty trực tiếp vào TP.HCM chỉ đạo công tác đổi, trả vé tại các nhà ga từ ngày 12-1-2016.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)