Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Về Tây Ninh xem Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài

Tạp Chí Giáo Dục

Hội yến Diêu Trì Cung là lễ lớn nhất trong năm của đạo Cao Đài với sự tham dự của hàng trăm ngàn người.

Theo Ban tổ chức Đại lễ, nghi thức chính Lễ rước Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương sẽ diễn ra từ 18 giờ 30  ngày 15-8 Âm lịch. Tiếp đó là các hoạt động múa Long Lân Quy Phụng; dâng mâm ngũ quả, bánh mứt cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người dân ấm no hạnh phúc…

Dịp này tín đồ thuộc các họ đạo Cao Đài trong và ngoài tỉnh sẽ trưng bày 117 gian quả phẩm, bánh mứt, trang trí đèn hoa… Các mô hình dâng cúng được trang trí sắc xảo, trang trọng, quy mô, thể hiện phong cách riêng.

Về Tây Ninh xem Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài - Ảnh 1.

Cúng tại Báo ân từ. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung không chỉ là lễ lớn của các tín đồ theo đạo Cao Đài mà người dân, du khách thập phương cũng có thể hòa vào không khí trang nghiêm với những nghi thức truyền thống, đậm chất văn hóa Tây Ninh. Thông thường các tín đồ Cao Đài từ các tỉnh thành đã hành hương về Tòa thánh Tây Ninh trước đó cả tuần.

Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung có xuất xứ xa xưa, theo một tích cổ vua Hán Vũ Đế tiếp đón đức Phật Mẫu trong đêm Rằm tháng 8. Tích này sau được đạo Cao Đài đón nhận, nâng cao thành một phần quan trọng trong giáo lý và nghi lễ.

Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào ngày Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà của Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn. 

Năm nay, sự kiện diễn ra trong hai ngày 29 và 30-9, tức 15 và 16 tháng 8 Âm lịch (Tết trung thu).

Về Tây Ninh xem Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài - Ảnh 3.

Hội yến Diêu trì cung. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Biểu tượng của đạo Cao Đài là hình một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Ngoài ra, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm…

Tôn chỉ của đạo là lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo.

Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 1 pháp môn Cao Đài, tổng cộng có khoảng 2,4 triệu tín đồ, xếp thứ tư trong 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận.

Trong đó, riêng Cao Đài Tây Ninh có hơn một triệu tín đồ, phạm vi hoạt động ở 35 tỉnh, thành phố…

Tòa thánh Tây Ninh là công trình tôn giáo lớn nhất của đạo Cao Đài, tọa lạc tại thị xã Hòa Thành, cách TP Tây Ninh khoảng 4 km. Khuôn viên tòa thánh rộng hơn 1 km2 với những con đường thênh thang liên kết các kiến trúc với nhau.

Tòa thánh được coi là tổ đình – cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Công trình có diện tích hơn 2.000 m2, nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m.

Theo Nguyên Thảo/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)