Hơn 200 năm trân trọng tuyệt tác Truyện Kiều được viết ra từ trái tim sáng ngời của một người con uyên bác đất Tiên Điền. Người dân Hà Tĩnh càng tự hào hơn mỗi khi có dịp ghé thăm Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du thuộc làng Tiên Điền (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Đoàn cựu sinh viên khóa 16 Trường ĐHSP Vinh về thăm nhà lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du
Có ai đó trong nhóm cất lên câu thơ: “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” của Tố Hữu làm cho đoàn cựu sinh viên khóa 16 Trường ĐHSP Vinh về họp khóa sau 40 năm ra trường tràn đầy cảm xúc lúc mọi người xuống xe bước vào cổng khu di tích có dòng chữ trang trọng: “Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du”.
Dạo gót “vườn trăng”
40 năm trước, học đến tác giả Nguyễn Du, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Vinh có tổ chức cho sinh viên năm thứ 2 đi thăm quê hương tác giả Truyện Kiều nhưng không phải sinh viên nào cũng có điều kiện đi được, trong đó có tôi. Món nợ ấy mãi đến 4 thập niên sau mới trả được bằng những bước chân nhẹ nhàng mà kính cẩn trước bức tượng cao sừng sững giữa sân khu lưu niệm. Nằm ở phía Bắc chỉ cách TP. Hà Tĩnh 50 cây số, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du là một công trình văn hóa tri ân của người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là xã Tiên Điền, quê cha đất tổ của nhà thơ. Nằm trọn trong quần thể di tích văn hóa họ Nguyễn làng Tiên Điền rộng 40.000m2, khu lưu niệm đại thi hào như một trái tim lớn tưởng như không bao giờ ngừng đập vì luôn được bàn tay con người qua nhiều thế hệ trùng tu và vun đắp.
Hầu hết ai cũng đã học và thuộc nhiều đoạn trong Truyện Kiều, nhưng khi trở lại nơi đây mọi người càng hiểu hơn về cuộc đời và những bước đi thăng trầm trong con đường quan lộ của ông. Theo lời giới thiệu của Huyền Nga – cô hướng dẫn viên xinh đẹp có giọng nói ấm áp, ngôi nhà thờ cụ Nguyễn được xây dựng từ cuối đầu thế kỷ 19 ngay trên mảnh đất nhà cụ ở làng Tiên Giáp. Năm 1960, Bộ Văn hóa nước ta đã giao giáo sư Lê Thước công tác tại Vụ Bảo tồn, bảo tàng trực tiếp nghiên cứu, khảo sát xây dựng di tích nhà thơ, mộ Nguyễn Du và các di tích liên quan đến họ Nguyễn (Tiên Điền).
Vào giờ lễ, mọi người kính cẩn xếp hàng lặng lẽ thắp hương trước bàn thờ cụ Nguyễn. Tuy không một lời nói ra nhưng trong sâu thẳm lòng mỗi người ai cũng bồi hồi, bâng khuâng nhớ tới con người ngay thẳng, tài hoa góp nên những viên gạch đẹp, mẫu mực cho nền văn học nước nhà.
Nghìn năm sau nhớ Tố Như
Rời nhà thờ đi qua một vườn cây bóng mát, mọi người ghé vào khu bảo tàng Nguyễn Du – nơi trưng bày gần 1.000 tài liệu và hiện vật gốc quý giá liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đại thi hào họ Nguyễn. Nhiều bản Truyện Kiều qua các thời đại, thời kỳ được trưng bày trong tủ kính như một hành trình liên tục không mệt mỏi của tác phẩm luôn được thay da đổi thịt nhưng vẫn còn nguyên hồn cốt của một tuyệt phẩm lừng danh trên thế giới. Đó là bản Kiều cổ nhất khắc in năm 1866, cuốn thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, Truyện Kiều chép tay bằng chữ Nôm, các ấn phẩm sưu tầm viết về Nguyễn Du, các luận án đại học, sau đại học, tiến sĩ trong nước và quốc tế… Tất cả bây giờ đã trở thành gia tài quý giá có một không hai của cụ Nguyễn sau khi tạ thế và khu lưu niệm của đại thi hào. Với một diện tích rộng nhưng đôi chân du khách vẫn không hề mỏi khi có dịp nhìn ngắm phong cảnh tựa hồ: “Hải đường lả ngọn đông lân/ Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà” bước ra từ trong thơ ông. Khách trầm trồ không hết lời khi đứng dưới 3 bóng cây cổ thụ có tuổi đời 300 năm do ông nội Nguyễn Du là cụ Nguyễn Quỳnh trồng cho 3 cậu con trai cột dây ngựa vì tiên đoán sau này sẽ đỗ đạt và ra làm quan góp sức giúp dân.
Những dấu chân đã mòn lối, nhiều năm lại đây khu lưu niệm đã trở thành địa chỉ thân thuộc của du khách và văn sĩ trong và ngoài nước từng yêu thích tác phẩm Truyện Kiều và ngưỡng mộ danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đến thắp hương tưởng niệm.
Một góc nhà lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du Du khách bước chân ra về, không gian cả khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du vẫn ngập nắng vàng tươi như tấm lòng dạt dào yêu thương trong mỗi trang viết của cụ Nguyễn Du đến ngàn năm sau người đời vẫn nhớ… |
Cô hướng dẫn viên Huyền Nga cho hay, nếu đến đây vào những dịp đầu xuân du khách còn được thưởng thức không gian ấm cúng của những đêm thơ Nguyễn Du tại nhà tư văn trong khu lưu niệm. Đây cũng là nơi các bậc “phượng trì long bảng” (tú tài trở lên) uống trà nhấp rượu, nghe thơ, hát ả đào sau khi bình thơ phẩm văn tao nhã. Khách càng bị mê hoặc hơn khi Huyền Nga mở rộng chủ đề xung quanh những hoạt động diễn xướng của dân xứ Nghệ như lẩy Kiều, hát Kiều, ngâm Kiều, bói Kiều đặc biệt là trò Kiều – một loại hình nghệ thuật độc đáo được chuyển thể từ Truyện Kiều… để “ăn theo” một cách sáng tạo tác phẩm… Dù Nguyễn Du không còn hiển hiện trên cõi đời này nhưng ở thế giới bên kia chắc cụ cũng nhẹ lòng với câu thơ đầy nỗi băn khoăn: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Bản thân tôi mua thêm một cuốn sách Truyện Kiều do Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành. Mặc dù trong tủ sách gia đình tôi đã có vài bản Truyện Kiều nhưng tôi vẫn mua thêm một cuốn coi như là vật lưu niệm khi đến khu di tích này.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Bình luận (0)