Bạn đã từng đến thăm thành phố Long Xuyên chắc hẳn đều cùng một nhận xét không gì thú vị hơn là đi giữa mùa thu nắng nhẹ, với những cơn mưa chiều mát mẻ, trong cái thành phố đầy cây trái, cá tôm, nằm kề bên sông Cửu Long “Ngọn triều non bạc trùng trùng” này.
Tôi đã có những chuyến đi đặc biệt cùng với cố văn sĩ Nguyễn Tuân, các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, và bè bạn thân quen. Nhưng chuyến đi với cô bạn nhà văn Liên Xô Zimonina Innhia về quê thăm Bác Tôn là một hình ảnh đẹp đẽ của tình hữu nghị đáng nhớ.
Innhia học cùng khoa văn Đại học Hà Nội với tôi từ những năm đầu thủ đô giải phóng. Quê chị ở Lêningrad, một thành phố chằng chịt sông hồ với trên 600 chiếc cầu lớn nhỏ. Thành phố có truyền thống phát xít với 900 ngày đêm anh dũng tuyệt vời mà tôi đã có dịp ghé thăm, Innhia người nhỏ con, ăn nói dịu dàng, có lẽ đây là một trong những người phụ nữ Xô-Viết đầu tiên đến thăm nhà Bác Tôn ở cù lao Ông Hổ.
Từ thành phố bên sông Bến Nghé thành phố tên Vàng, hôm chuẩn bị đi Long Xuyên, Innhia mang theo áo bà ba, nón lá, cách ăn mặc Việt Nam – trang phục của phụ nữ đồng bằng Nam bộ mà chị đã từng nghe, từng đọc và từng viết. Chị là dịch giả của cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Chị đã ở Hà Nội nhiều năm và đi lại nhiều lần. Nhưng chuyến về Long Xuyên đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ mà mỗi lần gặp chúng tôi ở Liên Xô hay Việt Nam hoặc qua thư từ đều nhắc nhở mãi. Làng Sen quê Bác Hồ thì nhiều bạn Liên Xô đã đến, nhưng vùng Mỹ Hòa Hưng quê chủ tịch Tôn Đức Thắng thì ít, hoặc lúc bấy giờ chưa có ai đến được. Nghe tin về Long Xuyên chị rất thích. Suốt cả đêm nằm ở khách sạn Caravelle chị cứ trằn trọc bâng khuâng không sao nhắm mắt được. Chị mong cho trời mau sáng để được về quê của người lính thủy Việt Nam trên chiến hạm Pháp đã từng kéo cờ đỏ phản chiến, ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga những tháng năm còn trong trứng nước.
Thành phố ven sông đã bừng sáng sau cơn mưa chiều. Đứng trên lầu khách sạn Đại Nhật Tân (tên cũ) mà nhìn về phía cù lao xa mờ một vùng trời nước mênh mông chúng tôi trò chuyện về người thủy thủ lỗi lạc đã giương cao ngọn cờ cách mạng giữa biển khơi chào các cộng hòa Xô-Viết buổi bình minh trên Hắc Hải sóng gào.
Hôm ấy, chúng tôi vượt sông Mê Kông bằng chiếc giang thuyền của công an võ trang. Con nước đầu thu ròng sớm, thuyền không cập bến được, phải “đổ bộ” trên một cù lao nhỏ ở xa. Mùa mưa đường đất trơn phải ngoằn ngoèo đi bộ níu tay nhau qua cầu khỉ gây cảm giác thú vị về một vùng quê đầy sông rạch. Anh giám đốc du lịch An Giang kể cho các bạn Liên Xô nghe về sự tích này; những huyền thoại dân gian về mảnh đất tột cùng kiên cường phía Tây Nam của ông cha ta “Từ thuở mang gươm đi mở nước”.
Đây rồi! Căn nhà nhỏ ba gian hai chái. Một ngôi nhà Việt Nam bình dị như bao ngôi nhà cổ của nông thôn Nam bộ – nơi ấy đã sản sinh một trái tim nồng nàn yêu nước, một trái tim bốn phương vô sản kết đoàn.
Vợ chồng bác Tôn Đức Nhung, em ruột của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp chúng tôi. Bác Nhung gái mang chuối, cam và các sản vật địa phương mời khách. Zimonina rất xúc động, cảm thấy tự nhiên thoải mái như về quê mẹ. Chị cũng còn mẹ già, mỗi ngày tuổi mẹ mỗi cao, chị xem bác gái như mẹ, thăm hỏi ân cần, như con gái đi xa lâu ngày trở về. Ngồi trên bộ ván gỗ, chị được nghe kể chuyện ngày xưa: chính nơi đây thường ngày cậu bé Tôn Đức Thắng vẫn được mẹ đặt nằm trên giường.
Chúng tôi chuyền nhau tấm hình anh lính thủy Việt Nam họ Tôn đứng cùng các bạn hải quân Pháp năm 1916 mà Viện Bảo tàng Cách mạng vừa sưu tầm gửi tặng bác Nhung. Ngồi bên hiên mái nhà sàn nhìn qua hàng rào cây xanh, ngọn triều Mê Kông xuống lên vỗ sóng nhẹ ngoài sông Cầu Gỗ. Này đây là bụi trúc chính tay bác Tôn trồng khi còn đi học ở Trường Kỹ nghệ Sài Gòn nay lá cành đã sum suê um tùm, cùng với các loại cây ăn quả như cam, chanh, ổi, mận… vây quanh mảnh vườn nhỏ. Ngôi nhà cổ xưa có đến hơn trăm tuổi nhiều cột cái và mặt sau sàn gỗ láng bóng đã được thay thế nhiều lần chắp vá, đậm nhạt. Bên trong gian giữa đặt bàn thờ cụ ông, cụ bà sinh ra bác Tôn, vài câu đố chữ nho, tủ cẩn xà cừ đã long cửa và bộ ghế gỗ… Đồ dùng trong nhà quá đơn sơ, một chiếc chạn nhỏ kê dưới bếp, vài cái chum để muối dưa, một gia đình dân dã với nếp sống “tương cà” Việt Nam.
Chị bạn Nga bùi ngùi xúc động khi nhìn vào góc nhà, một chiếc võng gai để trống không chẳng ai nằm, chị nghĩ đến một cánh chim lìa tổ ấm, bay đi khắp chân mây mặt sóng, tha phương cầu thực với tình cảm quốc tế nồng nàn ủng hộ cách mạng Nga – giấc mơ của nhân loại – đang buổi chào đời đầy bão táp. Chúng tôi đứng lâu bên chiếc nôi của nhà yêu nước. Hơn trăm năm về trước, cậu Hai Thắng đã chào đời. Cậu bé được bà mẹ đất phù sa phương Nam ru ngủ bằng giọng hò Đồng Tháp – loại dân ca đặc sắc vùng này – những câu ca yêu quê, yêu sông nước, yêu thương người… để rồi anh thợ Ba Son ra đi khắp đại dương cùng Bác Hồ tìm đường cứu nước… Chúng tôi cứ ngỡ rằng con người kỳ diệu ấy vẫn như còn quanh quẩn ở làng quê khi nghe kể về cuộc đời niên thiếu dũng cảm trung thực hiếu thảo với làng nước họ hàng của cậu bé họ Tôn.
Sau này khi là chủ tịch Nhà nước, người thỉnh thoảng có gửi thư về, khi thì gói kẹo cho trẻ, gói quà cho những bạn già. Và thật là cảm động khi người chịu đựng 17 mùa đông rét buốt bị đày ra đảo xa. Năm 1945 cách mạng thành công, Người có ghé về thăm làng xóm cũ rồi vội vã ra đi để cùng với trung ương lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Innhia còn kể cho chúng tôi nghe chuyện Lênin về lâu đài Smo-nưi, đại bản doanh của cuộc đại cách mạng, cô bạn cũng kể lại cho các bạn trẻ An Giang nghe câu chuyện tình của Dostoievski(1) – Lêningrad bây giờ là Pétecbua đã có bảo tàng về nhà văn vĩ đại này.
Đoàn Minh Tuấn
(Còn tiếp)
(1). Dostoievski nhà văn lớn người Nga, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng trong đó có những bản đã được dịch sang tiếng Việt như “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em nhà Caramdốp”, “Con bạc”.
Bình luận (0)