Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Về thăm vườn cò Tân Long

Tạp Chí Giáo Dục

Cò sum vầy ở vườn Tân Long – Ảnh: Hoài Phương

 Miền Tây trù phú thường chở che nhiều vườn chim ríu rít. Song, nếu bạn muốn biết họ nhà cò ghen tuông, sống có tình ra sao, nên về thăm vườn cò Tân Long.

Từ thị trấn Ngã Năm, thuộc huyện Ngã Năm, Sóc Trăng, bạn đi dọc theo tỉnh lộ 42 tráng nhựa phẳng phiu khoảng 5km, sẽ đến vườn cò Tân Long ở ấp Tân Bình, xã Long Bình. Đồng hành, có dòng kênh uốn lượn theo tỉnh lộ 42 chở nặng phù sa, tỏa hơi nước mát rượi. Vị trí vườn cò này rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, bằng đường thủy cũng như ô-tô.

Đông đúc, hòa thuận

Vườn cò này do gia đình ông Huỳnh Văn Mười, 73 tuổi, quản lý. Vườn rộng khoảng 1,5 ha, được che phủ bởi những tán dừa, lùm tre, hàng bình bát xanh um tạo nên vẻ đẹp chân quê. Đến với vườn cò này, bạn sẽ bước chân trên những lối đi được tráng xi măng phẳng phiu, rợp mát, xinh đẹp giữa hai hàng hoa cảnh.

Đã 31 năm qua, dưới sự chăm sóc và tân tạo của ông Mười, nơi đây hình thành một sân chim với hàng vạn con cò, vạc sinh sống hòa thuận. Đại gia đình chúng gồm: cò gà, cò trắng, cò đầu đỏ, cò trâu, cồng cộc, vạc…

Để tiện cho khách tham quan chiêm ngưỡng, ông Mười đã xây dựng một tháp cao gần 10m. Đứng ở đây, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả khu vườn. Mê hồn nhất là cảnh từng đàn cò  quần tụ trắng cả khu vườn, lúc sáng sớm và chiều tối. Chúng kêu ríu rít như chúc nhau một ngày mới tốt đẹp hoặc mừng rỡ đoàn tụ.

18 năm gầy dựng

Để có được sân chim tương đối hoàn chỉnh như bây giờ, ông Mười đã bỏ rất nhiều công sức tạo dựng, chăm chút. Ông Mười cho biết, hồi đó đất này là lung, bàu. Ông  Mười còn sức thanh niên, nên ngoài làm ruộng ra, rảnh lúc nào ông vun bồi  vườn lúc đó.

Tính ra, đã 18 năm gầy dựng, mỗi năm ông lặn móc đất bùn 3 tháng.  Mỗi ngày ông phải chở cho được 10 xuồng đất, mỗi xuồng  tải chừng 500 ký đất, để bồi đắp.  Ngoài ra, ông phải trồng thêm những bụi tre, cây dừa, bình bát…thay thế những cây tràm bị chết vì không chịu nổi đất phèn chua.

 Có lẽ đám cò địa phương đã linh cảm được đây là mảnh đất lành mới. Thế nên, từ năm 1978, chúng bắt đầu về ở. Lúc đầu, lượng cò chỉ vài chục con. Dần dần chúng sinh sản và rủ rê bạn bè về  định cư ngày càng đông đúc. 

Ngoài ra, đến đây du khách có thể thưởng thức hoặc tham gia chương trình đờn ca tài tử. Lúc đói, khách có thể dùng những món ngon dân dã ở đây như bánh xèo (giá 10.000đồng/cái), bún xào thịt heo, bún giò heo (giá 15.000 đồng/phần). 

Cò trả ơn người

Với bản chất thương yêu loài vật, ông Mười thường theo dõi đời sống sinh hoạt của cò, vạc… Nhờ vậy, ông thuộc lòng tính nết của từng giống.

Sáng sớm chúng bay đi kiếm ăn. Ông Mười rảo khắp vườn quan sát xem con nào bệnh, con nào bị thương, chết. Gặp chim non bị rớt xuống đất, ông mang những con này vào nhà chăm sóc, chữa trị, mua cá tép cho ăn bồi dưỡng…

Với đôi mắt tinh tường, ông Mười đã chứng kiến và kể lại cho tôi nghe những bí mật của loài cò: Loại “cò ruồi nhát hít", thường ngủ ở tàng cây thấp, đợi đủ bầy mới dám đi ăn. Còn “cò cá” dạn dĩ, thường đi ăn một mình nên dễ bị đánh bẫy.

Chung một vườn cò, nhưng chúng luôn có bầy đàn, lãnh địa riêng. Thế nên, chỉ cần ông nhìn lên nhánh cây, thấy trống hơn ngày  hôm qua, là biết đàn cò đã bị mất bớt. Đôi lúc chúng xáp vào  đánh nhau nghe "huỳnh huỵch", ông biết ngay có cò lạ đến chiếm chỗ chúng.

Ông Mười còn khẳng định loài cò có khả năng dự báo thời tiết chính xác. Cụ thể, năm nào cò làm ổ giữa bụi tre là chắc chắn năm đó trời mưa nhiều, giông gió nhiều. Năm nào cò làm ổ trên cao, cò bay lảo đảo trên cao là biết trời nắng ráo. Sắp đến vụ mùa, nhìn cò bay là đà dưới thấp, ông đoán chắc  một vài hôm nữa trời sẽ mưa. Nhờ có cò mách "thiên cơ" nên ông Mười ngâm giống làm mùa năm nào cũng trúng mạ non.

Thú vị nhất, ông Mười còn phát hiện cò cũng năm bảy tính, có con chung thủy, có con lẳng lơ. Ông Mười hào hứng kể: Tui theo dõi một ổ cò có bốn con. Riêng con cò chồng đi đâu cả tuần không về, còn cò vợ nằm một mình chăm giữ bầy con. Con cò này chịu cô độc cho đến khi các con nó "ra ràng", đủ lông, đủ cánh mới chịu đi bay đi kiếm ăn.

Ông Mười bật cười sảng khoái,  kể tiếp: Cò biết… dê nữa nghen! Hôm đó rảnh rỗi, tui giăng võng giữa hai gốc cây còng nằm đu đưa nghỉ mệt. Tui quan sát thấy con cò chồng đi kiếm ăn, để cò vợ ở lại tổ một mình giữ trứng. Chợt một con cò trống khác ở đâu bay sà lại, cứ xà quần ve vãn… vợ người ta. Không bằng lòng, cò vợ phản ứng bằng cách vung cánh, co chân đá đạp lung tung. Nhưng có lẽ con  cò có máu ba lăm này nhiều kinh nghiệm “hành sự”. Thế là nó bay  vòng ra sau đích mục tiêu, nhảy liền lên lưng “đạp” thật nhanh.

Không may cò chồng quay về, cò vợ liền kề mỏ "mách" với chồng gì đó.  Anh cò chồng liền nhảy vào giơ chân đá tới tấp gã cò dê kia.

Hiện vườn cò Tân Long ở xa thị tứ, nên khách đến tham quan còn thưa thớt. Thỉnh thoảng, có vài nhóm khách khách Nhật, Pháp, Mỹ, Úc… đến đây, đa số là tây ba lô. Do vậy việc kinh doanh du lịch, chưa là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Mười. "Nhưng  việc chăm sóc và nghe chúng nói chuyện mỗi ngày là niềm vui tuổi già của tui", ông Mười tâm sự.               

Phước Hưng (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)