Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Về tiết học tại Trường TH Lương Định Của: Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học Lê Tiến Thành: Phương pháp giảng đó rất hay

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TH Lương Định Của trong bữa ăn trưa

Vừa qua, dư luận báo chí có nói về một tiết học tại Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3, TP.HCM. Về vấn đề này, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết:
Tôi không có ý định nhận xét tiết học đó có ưu điểm hay vì rất khó nói, vì tôi phải đến tận nơi trực tiếp xem học sinh thế nào, có hào hứng hay không? Hiệu quả lớp học như thế nào?… Tuy nhiên, phương pháp giảng đó rất hay và nhìn hình ảnh đó bảo các em mỏi cổ, không hẳn. Tổng thể tiết học có nhiều chuyển biến. Mỗi tiết học có nhiều loại, tiết học trong lớp, tiết học ngoài trời, giờ thực hành… mỗi tiết học đều có ưu điểm và nhược điểm của nó, giáo viên phải biết hạn chế nhược điểm thì tiết học mới hiệu quả được, điều đó phụ thuộc vào năng lực của từng giáo viên. Tôi lấy ví dụ, khi học về một cái cây, thay vì ngồi trong lớp miêu tả cây như thế nào, cô giáo cho học sinh ra ngoài sân trường để quan sát cây và tự các em bình luận, như vậy rất hiệu quả. Đây là phương pháp học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người hướng dẫn mà Bộ đã yêu cầu. Tổ chức dạy học theo nhóm là cách hiện đại mà các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đang áp dụng rất nhiều. Đây chỉ là một hình thức tổ chức lớp học. Cái gốc của vấn đề là hiệu quả mà hiệu quả hay không phụ thuộc vào “tay nghề” của giáo viên.
P.V: Theo ông, cách dạy học theo nhóm có những ưu điểm gì? 
Một tiết học là tổng hòa các phương pháp. Đánh giá tiết học phải là lợi ích của đứa trẻ, người ngoài không thể nhìn đánh giá được, muốn đánh giá phải có chuyên môn một chút. Hơn nữa, không có phương pháp nào là vạn năng, mỗi phương pháp dùng mãi cũng không thích hợp, học sinh chán. Không nên lạm dụng một phương pháp mà đã lạm dụng là không tốt.
Trong yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, Bộ GD-ĐT có định lượng bao nhiêu phần trăm số giờ học phải cho HS làm việc theo nhóm?
Hoàn toàn không có quy định đó. Giáo viên được quyền chủ động lựa chọn hình thức tổ chức dạy học tùy thuộc vào yêu cầu của nội dung bài học đó và lựa chọn cách thức nào để HS tiếp nhận kiến thức một cách hiệu quả nhất. Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu: giáo viên hướng dẫn HS tự tìm tòi, nghiên cứu; không thông báo những kiến thức có sẵn; hạn chế đọc-chép và không được làm thay những việc mà HS phải làm. Tự HS phải giải quyết bài học của mình cho đến khi nó thực sự là kiến thức của mình, giáo viên chỉ là người dẫn dắt. Bởi vậy tôi mới khẳng định là dạy học theo nhóm không phải lúc nào cũng tốt. Ví dụ dạy xong lý thuyết, giáo viên giao bài tập cho HS thì có thể làm việc theo nhóm sẽ phản tác dụng nếu một HS giỏi làm thay phần việc của cả nhóm; khi đó thì phải yêu cầu cá nhân làm mới tốt.
Vậy theo ông nguyên tắc của một tiết học như thế nào? Có ý kiến cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học nên thoát ly khỏi bảng viết. Ông có cho rằng dạy học có thể sẽ không cần bảng nữa?
Bộ GD-ĐT khuyến khích các giáo viên có nhiều phương pháp dạy. Bộ cũng không yêu cầu về áp dụng cách thức từng tiết học mà giáo viên được quyền chủ động chọn hình thức tổ chức dạy học, cách dạy tùy thuộc vào nội dung của bài miễn sao học sinh học thấy thích học là được. Nguyên tắc vàng trong dạy tiểu học là thoải mái, nhẹ nhàng, hiệu quả, học không vì điểm. Đồng thời, Bộ không muốn giáo viên là nô lệ của sách giáo khoa và các phương tiện dạy học. Bảng chỉ là một phương tiện dạy học và không phải lúc nào HS cũng nhìn lên bảng mới học được. Tuy nhiên, rõ ràng là giờ tập viết, cô viết lên bảng trò chép lại thì phải có bảng. Điều quan trọng là tùy yêu cầu cụ thể thì sử dụng phương tiện dạy học phù hợp. Bộ không can thiệp vào việc giáo viên sử dụng phương tiện nào, tổ chức cách thức dạy học nào để dạy cho HS. Nếu cách ngồi như truyền thống HS vẫn học tốt, vẫn hào hứng và thích học thì cứ tổ chức lớp học như vậy, không sao cả.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)