Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Về trường đại học chịu trận ở Nam Định

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong lúc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đang tìm giải pháp "duy trì sự tồn tại" cho các trường thì Nam Định "bồi" thêm chủ trương không tuyển công chức nhà nước tốt nghiệp dân lập khiến các trường khó khăn trong tuyển sinh lại đau đầu thêm.

Chúng tôi tìm đến Trường ĐH Lương Thế Vinh vào chiều 18/10 sau khi kỳ thi tuyển công chức của Nam Định kết thúc.
Đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà ngói cũ kỹ, khu nhà A giảng đường đã bị tróc sơn…không giống "hình hài" của ngôi trường mới thành lập năm 2004.

Trung tâm thực nghiệm của sinh viên chỉ vài phòng, được xây dựng từ khá lâu.

Một cuộc họp Ban Giám hiệu đến hơn 17h30 mới kết thúc. Ông Hoàng Trọng Yêm từ chối trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề này vì cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm.
Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của nhà trường Đặng Thế Huy cho biết, trường đã biết việc sinh viên của mình không được tham gia thi tuyển công chức.
"Nhưng mục tiêu của chúng tôi đào tạo chủ yếu cho các doanh nghiệp nên không quá lo lắng. Và sinh viên ra trường đều xin được việc làm rải khắp từ Bắc vào Nam…".
Điều bất ngờ khi ông Huy thông báo chỉ tiêu được duyệt và tuyển sinh hàng năm lên đến con số 2.000, chứ không quá khó khăn.
Ông Huy cho biết, chỉ tiêu này chủ yếu đào tạo ĐH là chính. Điểm đầu vào chỉ ấn định bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về số lượng giảng viên đến thời điểm này (7 năm trường hoạt động) thì ông Huy nói "sẽ trả lời bằng văn bản vì không nhớ con số chính xác".
Cả con số hàng năm có bao nhiêu % sinh viên tốt nghiệp khá giỏi và trung bình – ông cũng không nhớ, dù chỉ là con số tương đối.
Lý do không thể nhớ là bởi, có nhiều ngành đào tạo, mỗi ngành một số liệu khác nhau nên muốn có phải ngồi cộng, nhưng đã hết giờ làm việc.
Cố tìm con số để chứng minh rằng, không phải hệ dân lập tất cả đều không có chất lượng nhưng vị Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo đều xin khất trả lời bằng email cho chính xác.

Khu giảng B mới được hoàn thành.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ sau 7 năm hoạt động, trường đã mở 14 ngành đào tạo ĐH và 6 ngành đào tạo CĐ.
Sinh viên theo học tại trường đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cơ sở vật chất chưa được khang trang,  sinh viên phải đóng mức học phí/ tháng không hề thấp và tăng dần theo năm.
Một sinh viên năm thứ 4 cho biết, năm đầu tiên học phí trường thu 450.000 đồng/ tháng; năm thứ hai tăng lên 550.000 đồng/ tháng; năm thứ 3 là 650.000 đồng/ tháng.
Bước sang năm thứ 4 trường vẫn đang thu 650.000 đồng/ tháng. Tính trung bình 4 năm học, một sinh viên phải chi riêng tiền học phí nộp cho nhà trường là 23 triệu đồng, chưa bao gồm tiền ăn, ở, đi lại, sách vở…

Khu kí túc xá cho sinh viên hiện cũng trong giai đoạn thi công.

Vừa nói, cậu sinh viên vừa chỉ vào khi thí nghiệm thực hành của sinh viên là dãy nhà câp 4 cũ kỹ, ẩm thấp.
Theo thông tin công khai trên website, nhà trường liệt kê đội ngũ giảng viên gồm 243 người, đều là những nhà giáo có tài năng, có uy tín, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Trong số đó, có 11 giáo sư, 21 phó giáo sư, 45 tiến sĩ và 97 thạc sĩ. Thế nhưng sản phẩm ra lò vẫn bị ngay tỉnh nhà cho là không đảm bảo chất lượng.

Quy hoạch tổng thể của ĐH Dân lập Lương Thế Vinh được treo ngay tiền sảnh giảng đường A.
Theo Kiều Oanh – Văn Chung
(vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)