Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Về việc cổ phần hóa Saigontourist: Lập ngay hồ sơ bảo tồn cho 4 khách sạn

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhiều chuyên gia, đây là quan điểm đúng đắn của thành phố, bởi 4 khách sạn này là 4 công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của TPHCM.
UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 2 phương án cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Trong đó, phương án 1 là chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TPHCM để tiếp nhận, quản lý 4 khách sạn Rex, Majestic, Continental, Kim Đô thuộc Saigontourist và khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước thực hiện CPH. Phương án 2 là chấp thuận chủ trương không thực hiện CPH Saigontourist… 
Theo nhiều chuyên gia, đây là quan điểm đúng đắn của thành phố, bởi 4 khách sạn này là 4 công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của TPHCM. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, TPHCM nên tiến hành lập hồ sơ bảo tồn cho 4 khách sạn này để có cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

Về việc cổ phần hóa Saigontourist: Lập ngay hồ sơ bảo tồn cho 4 khách sạn ảnh 1
Không gian sân vườn trong khách sạn Continental
Là một phần lịch sử thành phố
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, Hội Kiến trúc sư TPHCM, cả 4 khách sạn nêu trên đều gắn liền với lịch sử phát triển của TPHCM. Đánh giá cụ thể về các khách sạn này, kiến trúc sư Khương Văn Mười cho biết, khách sạn Majestic rất đẹp, có kiến trúc nhìn ra bờ sông. Xưa kia, khách sạn này nổi tiếng với cà phê xích lô vỉa hè – một loại hình đẳng cấp của những khách sạn có bờ sông. Kiến trúc của khách sạn với mái vòm rộng ở tiền sảnh, hoa sắt, các cột lớn, cầu thang lớn lượn cong… mang phong cách Pháp cổ điển sang trọng, có giá trị về mặt nghệ thuật. Sau này Majestic phát triển với quy mô lớn hơn, ôm dọc đường Nguyễn Huệ, nên lãnh đạo TPHCM đã đề nghị Hội đồng Kiến trúc thành phố xem xét và bảo tồn  khách sạn. Kiến trúc sư sau này vẽ lại (khi khách sạn phải sửa chữa-PV) cũng giữ được những đường nét, kiến trúc trước đây của khách sạn Majestic và chủ đầu tư là Saigontourist vẫn giữ cửa chính như cũ (phía đường Đồng Khởi). “Cửa chính là thương hiệu của Majestic, đã có ý kiến đề nghị đổi qua cửa mới bên đường Nguyễn Huệ để có mặt tiền rộng hơn, nhưng chủ đầu tư không đồng ý. Tôi cho rằng việc giữ gìn này rất quan trọng”, kiến trúc sư Khương Văn Mười nhận xét.
Khách sạn Continental có sân bên trong rất nổi tiếng, được dùng làm nơi thường xuyên tổ chức sự kiện. Kiến trúc khách sạn này đơn giản hơn khách sạn Majestic, nhưng lại có vị trí ngay cạnh Nhà hát TPHCM. “Tôi được biết, trước đây có nhiều tổ chức, cá nhân muốn đầu tư xây khách sạn cao tầng ở vị trí này nhưng không được UBND TPHCM đồng ý. Ngược lại, TPHCM yêu cầu phải bảo tồn khách sạn Continental vì nó góp phần kiến tạo giá trị, đóng góp vào lịch sử hình thành TPHCM”, kiến trúc sư Khương Văn Mười nói.
Khách sạn Rex trước đây là rạp hát, sau này phát triển thành khách sạn. Khi phát triển thành khách sạn, UBND TPHCM đã chỉ đạo lập lại kiến trúc, giữ hình ảnh thương hiệu trước đây của Rex. Rex là rạp hát đầu tiên ở miền Nam có màn hình rộng, có thang cuốn (công nghệ hoàn toàn mới, được đưa vào hoạt động thời bấy giờ). Vị trí của khách sạn Rex nằm trong không gian đô thị quan trọng bậc nhất của thành phố: gần khu vực quảng trường trước UBND TPHCM, cạnh Phố đi bộ Nguyễn Huệ… nên có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại của thành phố. Có thể nói, khách sạn Rex vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị khai thác du lịch. 
Khách sạn Kim Đô cũng là một trong những khách sạn lâu đời, có giá trị lịch sử cũng như khai thác, sử dụng của thành phố… 
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói rõ hơn, trong số 4 khách sạn trên thì chỉ có 3 khách sạn được bảo tồn khá tốt. Khách sạn Kim Đô bảo tồn sai cách, cụ thể là mặt tiền được điều chỉnh không giống với khuôn mẫu ban đầu, mà cũng không đúng theo tiêu chí tỷ lệ của một kiến trúc cổ điển. Thành ra, khi bảo tồn khách sạn Kim Đô cần chỉnh trang lại cho đúng. Việc bảo tồn phải giữ được giá trị gốc. Với một kiến trúc cổ điển, tỷ lệ giữa chiều ngang, chiều cao, các cột, các cửa sổ có quy định rất rõ, mà hầu như kiến trúc sư nào được đào tạo bài bản cũng đều được học qua. 
Để giữ gìn lịch sử và phát triển du lịch
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Khánh, cho biết: “Quan điểm của Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng như cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của những khách sạn trên đến du khách trong và ngoài nước. Và tôi cũng chắc chắn rằng, TPHCM đã cân nhắc và có những phương án cụ thể để giữ gìn những khách sạn này”. Về đề xuất của TPHCM trong việc CPH Saigontourist, bà Nguyễn Thị Khánh cho rằng: “Trong giai đoạn hiện nay, rất cần doanh nghiệp nhà nước đứng ra quản lý 4 khách sạn này. Bởi trong suốt thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một số công trình, kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử do tư nhân quản lý bị hao mòn, biến tướng, đánh mất nét văn hóa vốn có của các công trình”. 
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho biết, ủng hộ việc quản lý 4 khách sạn theo ý nghĩa TPHCM cần một thương hiệu mạnh về khách sạn, về du lịch. Các công trình, kiến trúc này cần để nhà nước quản lý, vì thực tế thời gian qua đã chứng minh, nhà nước thực hiện công tác bảo tồn, bảo trì dễ dàng, thuận lợi hơn các đơn vị tư nhân.
Để làm được việc này, theo nhiều kiến trúc sư cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đơn vị chủ quản khách sạn phải lập hồ sơ xin công nhận di tích. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để TPHCM có điều kiện quản lý, giữ gìn 4 khách sạn này cho người dân thành phố. Theo Luật Di sản văn hóa, người chủ quản công trình phải đứng ra lập hồ sơ xin công nhận di sản. TPHCM có thể chỉ đạo các cơ quan chức năng giúp Saigontourist lập hồ sơ theo đúng quy định. 
CPH doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn là chủ trương đúng đắn của nhà nước. Tuy nhiên, với những tài sản có tính chất đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… cần để lại cho nhà nước quản lý nhằm phục vụ chung cho cộng đồng. Người được giao quản lý, nếu không làm tốt nhiệm vụ, có thể bị cách chức để người khác làm tốt hơn thay thế. Di sản, tài sản chung của cộng đồng không được để rơi vào tay một nhóm người.
THI HỒNG (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)