Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Về với Bộ LĐ-TB&XH: Trường nghề lo học viên… chê

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay phần lớn các trường CĐ và TCCN đều trong tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhiều trường lo ngại, mùa tuyển sinh năm 2017 tình trạng “ế ẩm” sẽ còn nghiêm trọng hơn. Bởi, hiện các trường CĐ (201 trường) và TCCN (303 trường) đã được Bộ GD-ĐT chính thức bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý từ hơn một tháng nay. Và đến nay, các trường này vẫn chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về chương trình đào tạo, quy chế tuyển sinh…

Học viên Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn trong giờ học thực hành. Ảnh: D.Bình

Mòn mỏi chờ hướng dẫn

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2017 các trường CĐ, TCCN sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐ-TB&XH ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, dù chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm 2017 nhưng các trường này vẫn phải mòn mỏi chờ quy chế chính thức của Bộ LĐ-TB&XH.

Bà Đỗ Tuyết Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt (TP.HCM) cho biết: “Khi sáp nhập vào trường nghề, chúng tôi về trường thuộc Bộ LĐ-TB&XH nhưng hiện quy chế tuyển sinh, hoạt động chính thức như thế nào chúng tôi vẫn chưa biết”.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn cũng đồng tình: “Mặc dù Bộ GD-ĐT đã bàn giao chính thức công tác quản lý Nhà nước của các trường CĐ, TCCN về cho Bộ LĐ-TB&XH nhưng hiện chúng tôi chưa có sự thay đổi nào, vẫn hoạt động như trước đây, khi nào có quy chế mới thì tính tiếp. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo nhà trường hơi khó do phương hướng, mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, quy chế tuyển sinh… thay đổi như thế nào thì vẫn đang chờ hướng dẫn tiếp”.

Tại một cuộc họp gần đây, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết: “Mặc dù Bộ GD-ĐT đã bàn giao xong các trường CĐ, TCCN về Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, không chỉ Sở GD-ĐT TP.HCM mà nhiều sở GD-ĐT các tỉnh, thành khác cũng chưa có thông tư hướng dẫn để các sở GD-ĐT tham mưu cho UBND về công tác bàn giao. Công tác tuyển sinh của các trường TC, CĐ thường thực hiện giữa năm, mùa tuyển sinh năm 2017 đã đến rất gần nhưng mã ngành, chỉ tiêu… như thế nào thì các trường vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng nên các trường rất băn khoăn”.

Được biết, hệ thống các trường chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện có 16 trường CĐ và 32 trường TCCN. Tới nay các trường này vẫn hoạt động theo quy chế cũ do ngành GD-ĐT quy định.

Lo cạn nguồn tuyển, thay đổi chương trình

Chương trình đào tạo của các trường CĐ, TCCN do Bộ GD-ĐT quản lý lâu nay khác với chương trình đào tạo của các trường do Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Vậy khi thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước, chương trình sẽ thay đổi như thế nào là vấn đề khiến các trường băn khoăn. 

“Chương trình đào tạo tại các trường CĐ nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH là 70% thực hành và 30% lý thuyết, trong khi của Bộ GD-ĐT là 50/50. Như vậy, từ chỗ dạy người, dạy nghề thì nay đảo lại, dạy nghề là trọng tâm chứ không đặt nặng dạy chữ nên chúng tôi rất lo lắng khi điều chỉnh lại nội dung chương trình”, bà Đỗ Tuyết Bảo tỏ ra lo lắng.

Ông Đỗ Hữu Khoa băn khoăn, Chính phủ vừa mới ban hành khung trình độ quốc gia, xác định lại thời gian đào tạo các bậc học. Điều này làm cho nội dung chương trình, thời gian đào tạo thay đổi nhưng vấn đề này vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng, khung chương trình chưa có làm khó đơn vị.

Ngoài ra, việc thay đổi cơ quan chủ quản cũng khiến các trường lo cạn nguồn tuyển vì tâm lý xã hội chưa thay đổi. “Năm ngoái chúng tôi đã tuyển sinh rất vất vả, chỉ tuyển được 600 chỉ tiêu; trong khi trước đây trung bình mỗi năm khoảng 2.400 chỉ tiêu, thậm chí có năm trường còn phải xin thêm chỉ tiêu. Nay từ CĐ chuyên nghiệp chuyển sang CĐ nghề, tâm lý xã hội chưa mặn mà, đào tạo chưa hấp dẫn nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển sinh. Theo đó, dự kiến nhà trường sẽ phải tuyển nhiều đợt, không thể tuyển một đợt như trước đây”.

Về những vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho rằng: “Dù cơ quan quản lý có thay đổi thì vấn đề nhà trường quan tâm vẫn là chất lượng đào tạo như thế nào, sinh viên ra trường có xin được việc làm hay không, mức lương bao nhiêu… Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề HSSV, phụ huynh và xã hội quan tâm chứ không phải đặt nặng về giá trị bằng cấp”. Cũng theo bà Lý, dù thay đổi như thế nào thì cũng không thể xóa sạch cái cũ mà cần có tính kế thừa. “Hiện nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch đã đề ra, đăng ký chỉ tiêu năm 2017 qua cho hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH, lên kế hoạch giảng dạy cho năm tới. Khi nào có văn bản chỉ đạo mới trường sẽ áp dụng thực hiện”.

Dương Bình

Bình luận (0)