Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vedan đã ký xác nhận trách nhiệm bồi thường

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc công ty Vedan Việt Nam đã ký vào biên bản của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định “công ty Vedan có trách nhiệm chi trả bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường, đồng thời hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải của công ty gây ra theo quy định của pháp luật”. 

Ngày 7/1, Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường và đánh giá hệ thống xử lý nước thải, việc khắc phục ô nhiễm của 21 hồ sinh học tại Công ty Vedan Việt Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ông Yang Kun Hsiang khẳng định Vedan sẽ có trách nhiệm bồi thường ô nhiễm theo quy định..

Qua kiểm tra, Vedan đã nộp phạt và 127 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường, ngưng hoạt động nhà máy tinh bột mì tươi, nhà máy lysine, nhà máy PGA và nhà máy phát điện; giảm công suất nhà máy bột ngọt, tinh bột biến đổi, xút axit, phân bón hữu cơ.

Sau khi bị phát hiện vụ bê bối về môi trường, Vedan đã tháo gỡ 2.200 m đường ống, 4 máy bơm và 3 họng xả được chôn sâu 10m để xả trộm nước thải ra sông Thị Vải, ngưng thải nước vào các  hồ sinh học. Về mức đầu tư khắc phục ô nhiễm, Vedan đã đổ ra  30 triệu USD, lắp đặt 3 trạm quan trắc nước thải tự động, đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cô đặc dung dịch sau lên men, đầu tư hệ thống ống dẫn nước thải, dịch thải lỏng…
Mỗi tuần, Vedan đều báo cáo tổng cục và Sở TN&MT Đồng Nai về lưu lượng thải, chỉ tiêu quan trắc nước thải; đến nay Vedan đã giảm công suất hoạt động xuống 67% để khắc phục ô nhiễm. 

Đoàn kiểm tra quan sát hệ thống dây chuyền chế biến phân bón dạng hạt của công ty Vedan

Tổng cục Môi trường đề nghị Vedan có trách nhiệm trong việc tính toán bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, tổng cục đã chuyển toàn bộ số liệu thu thập đầu vào, chứng minh Vedan "đóng góp" 89% mức ô nhiễm sông Thị Vải, đề nghị Vedan thẩm tra, chốt kết quả trước ngày 31/1 để báo cáo Bộ TN&MT và để các địa phương thẩm tra thiệt hại, đòi bồi thường.


Kiểm tra nước thải đầu ra sông Thị Vải

Cũng trong buổi sáng ngày 7/1, Hội Nông dân (HND) TPHCM đã có buổi làm việc với  Sở NN&PTNT TPHCM, Sở TN&MT, UBND huyện Cần Giờ, Viện Môi trường- Tài nguyên… để xác định lại phạm vi bị ảnh hưởng, mức độ ô  nhiễm và thiệt hại của người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ do công ty TNHH Vedan gây ra. Theo Phó chủ tịch HND TPHCM Nguyễn Văn Phụng, trước đây thiệt hại về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản do Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải được thống kê trên cơ sở đơn khiếu nại, kê khai của người dân các xã Thạnh An, Long Hòa và Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ).


Hệ thống mương hở để xả nước thải ra sông Thị Vải của Vedan cũng được kiểm tra, đánh giá.  

Tuy nhiên, theo xác định mới đây của Viện Môi trường-Tài nguyên (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) phạm vi bị ảnh hưởng từ ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra đối với TPHCM chỉ khoảng 84 ha thuộc xã đảo Thạnh An và vùng canh tác chồng lấn giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM.

Do đó, HND TP đề nghị Viện Môi trường-Tài nguyên phối hợp với các sở, ngành TP khoanh vùng phạm vi 84 ha diện tích canh tác bị ảnh hưởng và xác định rõ ranh giới giữa các vùng canh tác chồng lấn của TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Từ can cứ trên, HND TP sẽ thống kê lại thiệt hại để yêu cầu Vedan bồi thường cho người dân. 
Vĩnh Minh (VietNamNet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)