Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vẹo cột sống vô căn dễ gây chết người

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều thanh thiếu niên bị cong vẹo cột sống mà không tìm ra nguyên nhân. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể chết trước tuổi 20.

Ảnh minh họa.

Vẹo cột sống vô căn là bệnh lý hay gặp, chiếm 2 – 3% dân số. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây biến dạng cột sống, thậm chí tử vong. Bệnh hay gặp nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, làm biến dạng cột sống, thay đổi cấu trúc, hình thái của phổi, tim dẫn tới chức năng hô hấp bị suy giảm. 

Có thể gây tử vong trước tuổi 20
Bệnh nhân L. 16 tuổi bị vẹo cột sống do sẹo co kéo di chứng áp xe cơ cạnh sống lúc bệnh nhân một tuổi. Kết quả chụp X-quang cho thấy, bệnh nhân bị biến dạng vẹo cột sống ngực – thắt lưng tới 52 độ kèm theo có ưỡn quá mức cột sống thắt lưng với góc ưỡn 80 độ. Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân L. đã được nắn chỉnh cột sống thắt lưng tốt với góc ưỡn cột sống thắt lưng chỉ còn 50 độ, góc vẹo 20 độ.
Một trường hợp khác là bệnh nhân T., 18 tuổi, được chẩn đoán vẹo cột sống vô căn với góc vẹo cột sống ngực là 50 độ, góc vẹo ngực thắt lưng là 55 độ. Tuy nhiên sau khi được phẫu thuật, góc vẹo cột sống ngực của bệnh nhân T. chỉ còn 18 độ, góc vẹo ngực thắt lưng 25 độ.
Tiến sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời điểm khởi phát. Bệnh khởi phát ở trẻ càng nhỏ thì càng nặng. Thậm chí, có trường hợp bị vẹo quá nặng, khởi phát bệnh sớm, góc vẹo lớn gây suy giảm chức năng phổi, tim trầm trọng khiến bệnh nhân tử vong trước 20 tuổi.
Trẻ sinh đôi có nguy cơ cao mắc bệnh
Bác sĩ Phạm Trọng Thoan, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, quan niệm nguyên nhân vẹo cột sống là do đứng hay ngồi sai tư thế, xách nặng một bên, thói quen nằm ngủ co quắp… là chưa đúng. Bởi với bệnh lý vẹo cột sống có rất nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, vẹo cột sống do mắc bệnh lý về tủy sống, thần kinh cơ… hoặc không rõ nguyên nhân (vô căn). Đối với nhóm vẹo cột sống vô căn, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh nhưng hay gặp nhiều ở các nhóm nguy cơ như trẻ sinh đôi, trẻ có khiếm khuyết về thần kinh, mất sự cân bằng phát triển…
Trung bình mỗi năm, góc vẹo sẽ tăng lên 1,7 độ và đạt đỉnh cao nhất khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Thông thường, bệnh nhân có góc vẹo từ 40 độ trở lên sẽ có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân có góc vẹo dưới 40 độ chưa cần mổ nắn chỉnh nhưng phải được bác sĩ theo dõi định kỳ và điều trị bảo tổn bằng cách sử dụng áo nẹp nhằm ngăn chặn sự phát triển của đường cong. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thoan, khó khăn hiện nay là Việt Nam chưa sản xuất được các loại áo nẹp này, phải mua từ nước ngoài với chi phí đắt, 100 – 150 USD mỗi áo.
Nếu bệnh nhân đến trễ, góc vẹo càng lớn thì khả năng phục hồi càng ít. Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã từng mổ nắn chỉnh cột sống cho bệnh nhân có góc vẹo gần 100 độ.
Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ có thể phát hiện sớm chứng vẹo cột sống ở trẻ bằng cách quan sát khi trẻ cúi xuống, nếu thấy hai bên bả vai và cột sống của trẻ cân bằng nhau trên một mặt phẳng nghĩa là trẻ bình thường. Nếu thấy có sự chênh lệch giữa hai vai (thông thường vai bên trái thấp hơn) hoặc sự mất cân bằng của hai xương bả vai (bên phải cao hơn) hoặc nhìn phía sau thấy cột sống của trẻ bị cong, không thẳng thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đã phẫu thuật nắn chỉnh cột sống cần tuân thủ chặt chẽ quá trình phục hồi chức năng nhằm giúp cột sống mềm dẻo hơn, luyện tập các môn thể dao nhẹ nhàng như bơi lội, chạy bộ, khiêu vũ… tuyệt đối không chơi các môn thể thao cần dùng nhiều lực.

Theo Báo Đất Việt

 

Bình luận (0)