Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vết rạn từ việc chia đôi tài sản

Tạp Chí Giáo Dục

Việc chia đôi tài sản khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Trong đời sống gia đình, mọi thứ nên chung với nhau, nếu trong trường hợp phải chia một thứ gì đó thì tình cảm cũng bị tổn thương theo. Và trên thực tế, có không ít trường hợp từ việc chia tài sản chung dẫn đến việc “mái ấm gia đình” cũng rạn vỡ.
Từ việc “chung mà không”
Mãi đến khi gọi điện cho một đồng nghiệp của chồng, Thu Vân (Tăng Nhơn Phú A, Q.9) mới tá hỏa khi anh Thành – chồng chị đã nghỉ việc ở cơ quan gần một năm. Hóa ra, anh Thành mê chơi chứng khoán, bỏ bê công việc ở cơ quan và bị cho nghỉ việc. Điều tệ hại hơn là chồng chị đòi thế chấp sổ đỏ để làm một “quả” lớn trên sàn. Với suy nghĩ chủ quan của mình, chị cho rằng anh chỉ hợp với công việc “giao đến đâu, làm đến đó” của một nhân viên, còn đầu tư mạo hiểm thì chỉ nắm chắc phần thua. Thế là hai người chìm trong giận dỗi, cãi vã. Anh một mực khẳng định vận may đang đến với mình, nếu không nhanh sẽ bỏ mất cơ hội “ngàn vàng”. Chị cũng không vừa: “Tôi chưa bao giờ phán đoán sai cả, anh muốn đâm đầu vô chứng khoán, chia cái nhà này ra làm hai đi, rồi thích đi nướng tiền kiểu gì cũng được”. Vậy là họ ra tư pháp làm thủ tục chia tài sản.
Kết hôn gần 4 năm, anh Quốc Vinh (thị trấn Thủ Đức) mới tá hỏa khi nghe vợ mình – chị Thu Huyền thông báo “hung tin”: “Trước khi lấy anh, em có nợ ông chú họ trên 100 triệu đồng, ông ấy đi Mỹ, tưởng xí xóa cho em. Ai ngờ, ông ấy nói sẽ về Việt Nam định cư luôn và sẽ thu nợ”. Anh và chị Huyền đến với nhau từ hai bàn tay trắng, lúc mới yêu nhau, anh Vinh cũng có nghe loáng thoáng rằng chị từng kinh doanh rồi bị vỡ nợ, nhưng không quan tâm vì nghĩ rằng chuyện đã là quá khứ. Sau khi nhờ luật sư tư vấn, cả hai thống nhất chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để chị Huyền có tiền trả nợ. Vậy là căn nhà nhỏ cấp 4 rộng 80m2 đươc anh thế chấp vay ngân hàng, mượn thêm bạn bè để đủ số tiền 170 triệu đồng cho vợ, anh không quên gửi thêm cho chị một câu đầy ấm ức: “Cô chỉ làm khổ tôi thôi, coi như hết nha”. Chị nghe chồng thốt ra từ “hết” mà tan nát cả lòng. Sự việc mới diễn ra có hơn ba tuần mà chị gầy rộc hẳn đi, ít nói, ít cười. Nhiều lúc ở nhà chị chỉ biết ôm đứa con gái lên 3 mà khóc.
Và hậu quả “chia đôi”
Từ ngày đưa tiền cho vợ trả nợ, anh Vinh trở nên một con người khác. Hôm nào đi làm thì nửa đêm anh mới về, vào nhà không nói một câu, lên giường thẳng giấc. Hôm không làm là ở nhà suốt ngày cáu gắt, có lúc cãi nhau anh còn lớn tiếng “cô đi khỏi nhà tôi”. Chị Huyền chìm trong mặc cảm như người đang chịu án chung thân ngay trong nhà mình. Chị không ngờ tình cảm hai người lại tuột dốc nhanh đến thế. Chịu đựng gần một năm, chị lại phát hiện chồng mình đang có quan hệ tình cảm với một cô đồng nghiệp và còn dồn hết vốn liếng trong nhà để hùn hạp làm ăn với cô ta. Chị lựa lời khuyên nhủ, anh lại vùng vằng “Cô không có quyền quyết định một cái gì trong nhà này nữa, tiền của tôi tôi muốn làm gì thì làm”. Và ngày hôm sau, chị lặng lẽ ôm con về ngoại.
Bỏ ra gần 300 triệu đồng chơi chứng khoán, anh Thành vùi đầu trên sàn từ sáng đến tối. Chỉ sau bốn tháng đầu tư, cổ phiếu mà anh đầu tư tụt giá đến kinh hoàng. Buổi tối về nhà anh như người mang tội, luôn mặc cảm với gia đình. Từ ngày không làm việc ở cơ quan, mỗi tháng không có tiền lương đưa về, anh cũng không còn muốn ăn cơm vợ nấu vì sợ mang tiếng “ăn bám”. Anh “bán đổ bán tháo” cổ phiếu, chỉ còn lại hơn 100 triệu đồng, tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu của công ty khác với hy vọng lấy lại những gì đã mất. Chị Vân khuyên chồng: “Thôi, anh bỏ chơi cổ phiếu đi, nhà mẹ con em vẫn rộng cửa với anh để làm lại từ đầu”. Nghe cụm từ “nhà mẹ con em”, lòng anh ngập sâu thêm trong mặc cảm. Anh tuyên bố: “khi nào tôi kiếm đủ 300 triệu đồng, nhập lại tài sản chung tôi mới “buông” chứng khoán” ra. Vậy là anh ngày càng xa vợ con hơn, cơm bụi, cà phê vỉa hè, rượu đế đã kéo anh từ ngày này sang ngày khác lang thang ngoài đường. Anh chỉ về nhà để ngủ, có những hôm, buổi tối còn không về.
Nguyên Hải

Một khi tài sản trong thời kỳ hôn nhân được phân chia, quan hệ vợ chồng vô tình ngày càng rạn nứt bởi họ không còn “nhìn về một hướng” nữa. Dễ rơi vào quan niệm tài sản ai người đó giữ và không còn “chung vai”, dẫn đến đời sống hôn nhân dễ bị “gãy gánh” giữa đường.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)