Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vết thương lòng

Tạp Chí Giáo Dục

1. Em Phan Thanh Sơn, học sinh lớp 7/1 có biệt danh rất ư nổi bật: “Đại bàng!”. Sở dĩ có tên đó vì em thường hay bắt nạt các bạn trong lớp và thỉnh thoảng yêu cầu các bạn nộp tiền cho em xài! Nắm bắt đặc điểm này, thầy Hùng – giáo viên chủ nhiệm – đã “lấy độc, trị độc”, phân công em làm lớp phó kỷ luật. Từ ngày “lên chức”, Sơn rất vui vẻ, nhiệt tình, tận tâm, tận lực giúp thầy chủ nhiệm rất nhiều trong việc ổn định trật tự lớp. Lớp 7/1 nhờ thế liên tục đứng đầu về nề nếp, được nhận cờ luân lưu hàng tuần. Thầy thường khen ngợi, biểu dương Sơn trong tiết chủ nhiệm. Sơn sẵn sàng làm mọi thứ để giúp đỡ thầy như giữ trật tự lớp, giặt khăn lau bảng, khiêng giùm thầy chồng tập về phòng giáo viên để thầy chấm bài… Trong giờ dạy của thầy, hễ có học sinh nào làm ồn, em sẵn sàng la lớn lên: “Im lặng coi, để nghe thầy giảng bài kìa!”. Tuy nhiên, cách làm của Sơn có phần thái quá. Bạn nào làm ồn, em ghi tên và bắt lên đứng một giờ và giang hai cánh tay ngang ra như đại bàng. Bạn nào nói chuyện, em bắt bạn đó tự vả vào miệng mình từ ba đến năm cái… Các giáo viên khác nghe học sinh phản ánh bèn báo cáo sự việc này với Ban Giám hiệu. Nhưng mũi dùi không hướng về em mà công kích thầy chủ nhiệm. Nào là “thầy Hùng bắt thang cho học sinh cá biệt leo”. Nào là “thầy dung dưỡng cho “xã hội đen” ức hiếp học sinh”…

2. Cô Hiệu trưởng nghe thấy rất bất bình, định sẽ gặp thầy Hùng trao đổi và chấn chỉnh, xử lý kỷ luật em Sơn. Nhưng vì bận rộn nhiều việc, cô chưa kịp gặp hai thầy trò để giải quyết thì đã có chuyện xảy ra.

Trưa hôm ấy, khi đi quan sát quanh trường, cô thấy đám đông học sinh tụ tập nhốn nháo trước phòng giám thị. Cô vội chạy đến thì thấy Sơn đang bị thầy giám thị giữ tay lại, bên cạnh đó là Phú – em học sinh vừa bị Sơn đánh. Hỏi ra mới biết, Phú đã nói xấu lớp 7/1 và thầy chủ nhiệm. Sơn vì tức giận nên đánh liên tiếp vào mặt Phú, thầy giám thị đã can thiệp kịp thời, mời em xuống phòng giám thị phân xử. Thấy cô Hiệu trưởng vào, một giáo viên ngồi gần đó lên giọng mỉa mai: “Học trò cưng của thầy Hùng đó. Lớp 7/1 ngày càng lộng hành, tác oai tác oái, vậy mà lúc nào lớp cũng đứng nhất!”. Nghe nói vậy, Sơn vùng khỏi tay thầy giám thị, chạy như bay về lớp của mình. Mọi người rượt theo can ngăn. Em leo lên ghế lấy con dao Thái Lan giấu ở miếng lam trên khe cửa sổ. Học sinh bỏ chạy tán loạn. Thầy giám thị kịp giữ Sơn lại. Sơn gào thét thật to rồi tự đâm dao vào đùi mình. Thầy Hùng chạy đến ôm chầm Sơn và giật con dao ra khỏi tay em. Thầy bồng em xuống phòng y tế cứu chữa. Áo trắng của thầy nhuộm đỏ máu của em. Lúc đó, mọi người mới thấy em khóc tấm tức rồi ngất lịm đi trong lòng thầy.

Khi Sơn nằm nghỉ trong phòng y tế, thầy Hùng mới kể rõ sự tình với cô Hiệu trưởng. Mẹ Sơn mất từ khi em lên 5 tuổi. Em sống với ba, nhưng ba em phải vất vả mưu sinh bằng nghề bán khô mực ở Bến Bạch Đằng. Ông đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Việc ăn uống, học hành Sơn phải tự mình lo liệu. Tuổi nhỏ mê chơi lại không có ai nhắc nhở nên Sơn học hành bê bối và có nhiều thiếu sót trong rèn luyện hạnh kiểm. Từ ngày lên lớp 7, em được thầy Hùng chủ nhiệm quan tâm, sâu sát và hết lòng khuyên nhủ. Sở dĩ thầy Hùng có sự thương yêu, thông cảm em như vậy vì thầy cũng mồ côi mẹ từ thuở nhỏ! Bên cạnh sự quan tâm, chăm sóc, thầy còn tin tưởng giao Sơn làm cán bộ lớp. Em rất cảm động và xem thầy như cha. Đáp lại tình cảm của thầy Hùng, Sơn đã cố gắng học tập và có chuyển biến rõ rệt trong học kỳ vừa qua.

3. Sơn tỉnh dậy. Cô Hiệu trưởng hỏi: “Chuyện đâu còn có đó, sao em lại dại dột như vậy?”. Sơn xúc động trả lời: “Em đánh bạn vì bạn nói điều không đúng về thầy chủ nhiệm của em! Sau đó, em thấy mình gây ra lỗi, đã làm cho thầy buồn và cũng vì em mà liên lụy đến thầy, nên em mới làm như vậy!”. Nghe em trả lời, cô Hiệu trưởng đã không kìm được xúc động! Thật là đau lòng! Khi hiểu rõ sự tình cô đã hối hận với suy nghĩ của mình trước đó về một học sinh cá biệt. Trước đây, chỉ vì nghe giáo viên phản ánh một chiều mà cô đã có thành kiến, định xử lý kỷ luật với em. Sự kiện trưa hôm ấy với nhiều diễn biến dồn dập đã làm chuyển biến tâm tư cô Hiệu trưởng rất nhiều. Từ giận chuyển thành thương và tình thương thôi thúc cô muốn làm nhiều điều để bù đắp cho Sơn.

Nhưng cô chưa kịp làm gì thì mấy ngày sau, ba Sơn đã đến trường làm thủ tục chuyển cho em về một trường gần nhà ở Thủ Thiêm để dễ quản lý con. Vừa mới hiểu được hoàn cảnh đáng thương của Sơn, định làm nhiều điều để tiếp tục giáo dục em nên người thì em lại chuyển trường. Lẽ ra, em phải ở lại đây để thầy cô trong trường làm tiếp công việc dạy dỗ em, yêu thương em chứ Sơn… Lòng cô Hiệu trưởng thật là ray rứt khi nhìn đứa học trò bất hạnh thất thểu rời trường! Chân em đi khập khiễng, ngập ngừng, chắc hẳn là còn đau nhức lắm! Nhìn Sơn, cô cũng thấy đau, đau vì vết thương của em hay chính vết thương lòng trong cô.

An Nhiên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)