Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì ai cũng tin em sẽ đậu ĐH…

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp luyện thi ĐH cấp tốc trên đường Thống Nhất, Q.Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh: Lộc Sâm
Đầu tuần rồi tôi có việc xuống thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Khi công việc đã xong xuôi tôi ghé vào nhà sách. Cô học trò lớp 10 hỏi mượn sách tham khảo môn văn, tôi quyết định mua tặng em một quyển, hợp với em hơn quyển sách tôi đang dùng, dành cho giáo viên.
Đang loay hoay lựa chọn, tôi bỗng nghe: “Em chào cô!”, quay lại nhìn, đó là cô học trò cũ, hiện đang học lớp 12 dưới phố – Nguyễn Ngọc Như Ý. Em là một học sinh ưu tú trong lớp tôi làm chủ nhiệm, khóa 2007-2010.
Nhìn thần sắc em nhợt nhạt, quầng mắt thâm đen, biết em thức nhiều, tôi lo lắng hỏi: “Hình như em đã thức khuya nhiều đấy”. Em ấy “dạ” và nhăn nhó than thở rằng, dạo này không ngủ được dù đã làm mọi cách, chỉ còn uống thuốc ngủ là chưa làm thôi. Tôi nghe em nói vậy thì thấy bất an: “Thức đêm như vậy không tốt đâu em. Học, ăn, ngủ, vui chơi… phải hài hòa, hợp lí chứ. Sức khỏe tốt thì thi cử mới tốt được”.
Em than rằng, đêm học xong bài vở rồi vẫn không sao ngủ được. Ngâm chân nước nóng, đếm cừu, đọc sách, nghe nhạc… mắt vẫn mở trao tráo…”.
Nghe học trò than thở chuyện khó ngủ, tôi thấy lòng lo âu. Mùa thi phải học nhiều, em mất ngủ như vậy, sức khỏe sa sút thì việc học cũng sẽ bị ảnh hưởng. Là cô giáo, đã từng qua mùa thi cử, tôi thấy bồn chồn trong dạ…
Tối hôm sau, đang thiêm thiếp ngủ thì nghe “tít tít”. Tôi nheo nheo mắt xem điện thoại, là tin nhắn của Như Ý: “Cô ơi! Lại không ngủ được rồi!”. Tôi đành hỏi thật cái điều mình vẫn trăn trở: “Em đang bị áp lực thi cử hả?”. “Có lẽ vậy, cô ơi!”. Tôi động viên em tự tin học, cứ làm hết sức là tốt rồi, chuyện đậu rớt đừng đặt nặng, hãy chuyên tâm học tập. Tôi còn nhấn mạnh, với sức học của em (những năm làm học trò tôi ở THCS em đều đạt loại giỏi, học THPT dưới phố, tôi biết em vẫn duy trì được học lực giỏi), cô tin em sẽ vượt qua kì thi ĐH này. Tôi cứ nghĩ mình đang tạo cho em niềm tin để học, ai dè câu trả lời của em làm tôi giật mình: “Cô ơi, vì ai cũng tin là em sẽ đậu, với em đó là áp lực!”.
Lâu nay tôi vẫn rất thân thiện trò chuyện với học trò, tôi còn rất tự tin là đã đặt mình vào học trò để suy nghĩ nên tâm lí các em, tôi hiểu được. Nhưng cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Như Ý, câu trả lời của em làm tôi sửng sốt, hóa ra điều người lớn nghĩ là tốt (nói tin tưởng với mong muốn con em sẽ có động lực để không phụ lòng tin) lại là áp lực với các em.
Tôi thấy mình cần phải làm một việc gì đó. Ngày hôm sau, tôi trực tiếp đến nhà, nói chuyện với phụ huynh. Tôi gửi thông điệp với ba mẹ em rằng, hãy tạo cho em cảm giác thoải mái, hãy cứ học tập, cứ cố gắng. Rớt ĐH, không đồng nghĩa với việc làm người thân buồn bã, thất vọng. Nó sẽ là kinh nghiệm cho lần thi sau. Việc học là cả đời chứ đâu phải chỉ một kì thi ĐH.
Ngày hôm sau, tôi nhận từ em một cuộc điện thoại, giọng nhẹ bẫng, em hớn hở nói: “Em cảm ơn cô nhiều lắm. Em mất ngủ một thời gian, người em xọp xuống ngó thấy luôn nhưng không dám và cũng không biết nói sao với mẹ. Cô đã nói giùm điều ấy với mẹ, hôm qua ba mẹ xuống trường tìm em. Mẹ nói chỉ cần em khỏe mạnh, học hành nghiêm túc thì em đã là một đứa con gái ngoan. Mẹ sẽ có kế hoạch bồi bổ cho em đấy! Cảm ơn cô nhiều lắm!”.
Việc làm quá nhỏ bé để nhận lời cảm ơn nhưng qua câu chuyện của cô học trò có sức học loại giỏi lại bị mất ngủ vì áp lực “Ai cũng tin em sẽ đậu!”, tôi đã có một điều để ngẫm nghĩ: Lòng tin là tốt nhưng hãy nhẹ nhàng đặt niềm tin vào ai đó để họ không cảm thấy sự tin tưởng của người xung quanh là áp lực.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)
Lòng tin là tốt nhưng hãy nhẹ nhàng đặt niềm tin vào ai đó để họ không cảm thấy sự tin tưởng của người xung quanh là áp lực.
 

Bình luận (0)