Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Vì đâu điểm thi môn ngoại ngữ thấp?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm nay phổ điểm trung bình của các môn từ 4,5 đến 6 điểm; riêng môn ngoại ngữ chỉ đạt điểm trung bình 3,3 điểm. Với mức điểm này, nếu hệ số tin cậy của đề thi là chính xác thì cho thấy trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam thuộc vào loại yếu kém. Với trình độ này, khả năng đọc hay giao tiếp bằng ngoại ngữ của học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không muốn nói là không thể. 

Xem vậy, dường như việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường trong một thời gian dài chưa mang lại hiệu quả. Vì sao? Thật khó trả lời ngay khi mà chủ trương, chính sách và cả nguồn lực để thúc đẩy môn học này phát triển đã có. Đội ngũ giáo viên dù chuyên môn nghiệp vụ có thể chưa cao nhưng có thừa cố gắng. Đại diện ngành GD-ĐT các địa phương có điểm thi môn ngoại ngữ thấp thì cho rằng do các em không được học đầy đủ chương trình từ những lớp dưới, nay dù nỗ lực nhưng kết quả vẫn hạn chế. Vậy thì phải chờ đến khi điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện và con người đầy đủ thì mới đạt kết quả tốt môn ngoại ngữ. Đó là điều kiện lý tưởng, còn trong thực tế luôn có sự không đồng đều giữa các địa phương.

Bởi vậy, tìm một hướng đi để học tập hiệu quả môn ngoại ngữ là rất cần thiết. Và càng cấp bách hơn khi đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 đặt ra chỉ tiêu “Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc học ngoại ngữ hiện quá phụ thuộc vào điều kiện giáo viên, nhà trường. Đây có lẽ là nguyên nhân làm cho việc học ngoại ngữ của học sinh chậm phát triển. Thực tế cho thấy, rất ít học sinh khi ra trường sử dụng thuần thục môn ngoại ngữ được học trong nhà trường. Bởi vậy, đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về môn ngoại ngữ nếu muốn đạt kết quả tốt môn học này. Theo các chuyên gia, ngoại ngữ ngày nay không còn được xem như một môn khoa học (với việc chú trọng vào ngữ pháp và biên dịch) mà như một môn kỹ năng (chú trọng giao tiếp). Với quan niệm này, việc dạy và học ngoại ngữ trở nên nhẹ nhàng hơn. Học sinh không còn phải quá lo đối phó với những bài văn phạm rắc rối trên lớp mà ngược lại có thể đến các câu lạc bộ ngoại ngữ vừa vui chơi vừa để trau dồi các kỹ năng nghe, nói.

Với quan niệm mới này, việc tạo ra một môi trường để khuyến khích người học giao tiếp bằng ngôn ngữ đang học là rất quan trọng. Môi trường ấy có thể là một nhóm bạn, một lớp học, một câu lạc bộ, một quán ăn… Chắc hẳn những ai học tiếng Anh qua mạng Youtube sẽ biết đến ông Trần Sơn Hùng, một người bán bưu ảnh ở chợ Bến Thành. Ông được một du khách nước ngoài quay phim đưa lên Youtube với lời khen người nói tiếng Anh giọng Mỹ hay nhất Sài Gòn dù đã bước qua tuổi 60. Điều lý thú là khi hỏi ông học tiếng Anh như thế nào, ông nói chỉ học qua phim ảnh.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh các kỹ thuật công nghệ cao, phương tiện học ngoại ngữ càng thêm phong phú, rẻ tiền nhưng hiệu quả. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi. Vấn đề còn lại là người học phải có động cơ, thái độ học tập rõ ràng. Bởi vì nếu học một ngoại ngữ mà không có động cơ cụ thể thì chắc chắn sẽ thất bại!

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)