Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vì đâu giới trẻ ngày càng manh động?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc chơi game bạo lực nhiều cũng làm giới trẻ dễ bị kích động (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Mỗi ngày giở các trang báo ra chúng ta thấy nhiều vụ giới trẻ, nhất là học trò “truy sát” nhau như trong phim xã hội đen. Vì sao học trò ngày càng manh động như vậy?
Chuyện nhỏ  “xử” nhau đổ máu
Điểm qua một số vụ việc mới nhất mà chúng tôi vừa ghi nhận được: Ngày 4-10, trên đường giao thông liên xã Phả Lễ – thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), em Lại Thanh L. (15 tuổi, trú xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên – học sinh lớp 10 Trường THPT N.) đã bị Trần Thanh S. (16 tuổi, trú tại xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên – học lớp 11 cùng trường) dùng dao tước đoạt mạng sống.
Theo nhận xét của thầy cô và bạn bè cùng trường, cả L. và S. đều là học sinh hiền lành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hai bên xảy ra xích mích liên quan đến chuyện bạn gái. Sau đó, S. và L. đã hòa giải xem như không có chuyện gì. Tuy nhiên, chưa rõ lý do gì, không ngoại trừ khả năng bị ai đó kích động nên sau giờ tan học, L. cùng 4 người bạn chặn đường tại thôn Phức, xã Phục Lễ – cách trường khoảng 400m – để đánh S. Do bị L. đánh bất ngờ, S. rút dao nhọn mang theo người đâm một nhát thấu ngực trái đối thủ. L. gục xuống đường và được các bạn đi cùng chở bằng xe đạp điện đến bệnh viện nhưng do vết thương quá hiểm nên L. đã tử vong.
Một vụ việc khác cũng khá kinh hoàng diễn ra sau đó khoảng 1 tuần, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt được hung thủ sát hại anh Lê Hải Đ. (cán bộ huyện Vĩnh Tường) là Phùng Thị T. (18 tuổi) – học viên lớp 12A1 Trung tâm GDTX Vĩnh Tường – sau một thời gian lẩn trốn đã ra đầu thú. Cô gái 18 tuổi này khai sau khi quan hệ tình dục đã nảy sinh mâu thuẫn với anh Đ. và lấy dao mang theo đâm nạn nhân tử vong.
Tại TP.HCM, trước đó từng xảy ra vụ việc Lê Gia B. (16 tuổi, ngụ P.14, Q.8) đâm trọng thương một nam sinh trước cổng trường THPT T. (Q.8). Tại cơ quan công an, B. khai có bạn gái là Ngọc Tr., trước đó có mâu thuẫn với Yến Th. (cả ba học chung lớp). Cụ thể, Ngọc Tr. và Yến Th. đã chửi nhau trên mạng xã hội facebook, sau đó cả hai méc bạn trai nhờ “xử” giùm.
Sau giờ tan học, Tuấn A. (18 tuổi ngụ P.4, Q.8 – học sinh lớp 11 một trường THPT tư thục – bạn của Yến Th.) cùng hai học sinh khác đến trước cổng Trường THPT T. để tìm Ngọc Tr., nhằm giải quyết mâu thuẫn giùm Yến Th. Khi đến Trường THPT T., Tuấn A. phát hiện Gia B. chở Ngọc Tr. nên cùng bạn dùng mũ bảo hiểm tấn công. Bị đánh bất ngờ, Gia B. quay vào trường rút con dao từ trong cặp chạy ra ngoài đâm Tuấn A. một nhát trúng ngực. Bị đâm Tuấn A. bỏ chạy, Gia B. truy đuổi đâm thêm một nhát nữa. Rất may là Tuấn A. được người đi đường giải cứu và chuyển đến bệnh viện kịp thời trong tình trạng nguy kịch…
Vì sao giới trẻ manh động?

Áo một học sinh dính máu do bị đánh gây thương tích
Vì sao học trò ngày càng manh động có thể dễ dàng ra tay tước đi mạng sống của người khác? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền phân tích: “Trước hết không phải đa phần học trò đều manh động, hầu hết các em được gia đình, nhà trường và xã hội giáo dục rất kỹ, chỉ một bộ phận nhỏ liều lĩnh, bất chấp luật pháp, tình người đã có những hành động manh động đáng lên án. Về mặt manh động thường do ba nguyên nhân: Thứ nhất, do thiếu sự giáo dục đến nơi đến chốn, hoặc giáo dục tắc trách của gia đình. Cha mẹ lo làm ăn không quan tâm đến việc học hành, lối sống, cách sinh hoạt của con cái, buông lỏng… dẫn đến thói quen tự do vô trách nhiệm; hoặc học sinh bị cha mẹ khắc nghiệt, đánh đập, sỉ nhục… dẫn đến hiện tượng chai sạn tâm lý mà có thể liều lĩnh; hay cha mẹ thiếu chỉ dẫn con cái về tự chủ bản thân, kiềm chế cá tính, rèn luyện nhân cách, tôn trọng pháp luật và giá trị sống. Thứ hai, do nhà trường không đủ tầm quán xuyến học sinh của mình, thiếu gần gũi các em (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm), vì thế khi mâu thuẫn xuất hiện không giải quyết kịp thời, để xảy ra những hành động bạo lực đáng tiếc. Do công tác Đoàn, công tác thanh niên, sinh hoạt tập thể lớp không đi sâu vào các hiện tượng bạo lực để thảo luận, làm sáng tỏ, ngăn chặn… đã dẫn đến những hiện tượng đáng tiếc xảy ra. Thứ ba, do yếu tố xã hội, đặc biệt là các loại hình ảnh bạo lực trong game, trong các trò chơi, đồ chơi, sách báo… tạo cho các em thói quen về bạo lực như một loại “đào tạo bất đắc dĩ”. Đây là hiện tượng đáng báo động hiện nay.
Giới trẻ thiếu kỹ năng trầm trọng
Rèn luyện nhân cách biết sợ là điều quan trọng nhưng hiện nay giáo dục đang bỏ trống.
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền, hơn ai hết, các bạn trẻ phải rèn luyện đức tính… biết sợ. Một người không biết sợ hoặc chai sạn cái sợ sẽ dẫn đến những hành động thú tính, liều lĩnh. Trước hết, sợ mình là kẻ thiếu nhân cách, thiếu tình người, thiếu đạo đức. Mà nếu thiếu như vậy thì cuộc đời của mình sẽ trở nên khiếm khuyết, vô nghĩa và mất tương lai.
Sau, phải biết sợ luật pháp, sợ làm suy đạo đức, sợ làm xấu hổ cha mẹ, nhà trường. “Rèn luyện nhân cách biết sợ là điều quan trọng nhưng hiện nay giáo dục đang bỏ trống. Đây là vấn đề trách nhiệm của khoa học giáo dục, của thầy cô giáo, của cha mẹ học sinh và của toàn xã hội”, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền cho biết.
Nhã Uyên
 
Cần giáo dục hành vi cho học sinh
Chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền cho biết, đối với giáo dục đạo đức, lối sống cần chú trọng giáo dục hành vi, mặc dù chúng ta biết tư tưởng dẫn đến hành vi nhưng hành vi mới là nguyên nhân chính gây ra bạo lực. Hiện nay chúng ta thiếu giáo dục hành vi như tập cho học sinh làm việc nhóm, giao lưu bạn bè, thăm hỏi những người bất hạnh… Bên cạnh đó, đối với mỗi học sinh cần nêu cao lòng tự hào gia đình, quê hương, đất nước để có niềm tin cao vào cuộc sống, có lý tưởng sống trong sáng thì tự nơi lòng tự hào đấy sẽ đẩy lùi mọi nguy cơ, trong đó có nguy cơ bạo lực học đường. 
 
 

Bình luận (0)