Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ví điện tử ồ ạt khuyến mãi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 1-11, thị trường ví điện tử xôn xao trước độ chịu chi của ví điện tử MoMo với chương trình hoàn tiền tới 50% cho người dùng. Đây là chương trình hoàn tiền "khủng" nhất của một ví điện tử trong thời gian qua, thu hút sự quan tâm của người dùng.

Rồng rắn xếp hàng

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một công ty công nghệ, tài chính (fintech) khuyến mãi mỗi khách hàng đổ xăng thanh toán qua ví điện tử MoMo sẽ được hoàn tiền 50% (tối đa 30.000 đồng, tương đương 1,5 lít xăng) trong ngày 1-11. Do đó, từ sáng sớm, nhiều người đã chen nhau xếp hàng chờ đổ xăng ở các cây xăng trong hệ thống của PVOil và Comeco tại TP HCM và Hà Nội.

Tài xế xe ôm công nghệ nối đuôi nhau tại một cây xăng ở TP HCM để đổ xăng và nhận hoàn tiền qua ví MoMo ngày 1-11. Ảnh: Lam Giang

Ghi nhận tại các cây xăng cho thấy, thường có khoảng 40-50 khách hàng chờ đổ xăng và trả bằng ví điện tử, trong đó nhiều nhất là các tài xế chạy xe công nghệ. Theo các tài xế này, việc được giảm giá 30.000 đồng khi đổ xăng (tương đương vài cuốc xe máy chở khách) là hấp dẫn nên nhiều người xếp hàng chờ tới lượt. Không ít tài xế cho biết xe đã gần hết xăng từ hôm qua nhưng ráng chờ tới sáng nay mới đi đổ để được hoàn tiền.

Đại diện MoMo cho biết trong ngày 1-11, không chỉ đổ xăng mà khách hàng khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ cũng được hoàn tiền tới 50%. Cụ thể, mỗi khách hàng sẽ được hoàn tiền đến 50% cho 3 ưu đãi với nhiều sự lựa chọn: ăn chơi, mua sắm (thanh toán siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ăn uống…); hẹn hò cà phê; đổ xăng. Sự kiện lớn này của MoMo đã thu hút rất nhiều người dùng đến các điểm mua sắm để được hoàn tiền.

Bên cạnh MoMo, từ ngày 31-10, khách hàng thanh toán lần đầu qua ví VinID Pay sẽ được hoàn tiền lên tới 50% (tối đa 200.000 đồng). Khách hàng đã từng giao dịch qua ví VinID Pay cũng sẽ được hoàn tiền 50%, tối đa 80.000 đồng.

VinID Pay là ví điện tử tích hợp trong VinID – siêu ứng dụng của Tập đoàn Vingroup với 8 triệu thành viên – cung cấp giải pháp cho việc thanh toán tại 2.400 siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+; thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, nạp tiền điện thoại…

Ngoài ra, hàng loạt ví điện tử khác như AirPay, Grab by Moca, ZaloPay, ViettelPay… cũng đang có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, hoàn tiền, chiết khấu lớn để thu hút, lôi kéo người dùng.

Tổng Giám đốc PVOil, ông Cao Hoài Dương, nhìn nhận trong thời gian ngắn, ví điện tử chắc chắn chưa thể thay thế tiền mặt. Khách hàng vẫn có 2 sự lựa chọn là trả bằng tiền mặt hoặc ví MoMo khi đổ xăng trong hệ thống của PVOil và Comeco. "Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ thanh toán điện tử sẽ chiếm ưu thế. PVOil và ví MoMo đang cố thay đổi thói quen của khách hàng bằng việc đem lại trải nghiệm thanh toán di động an toàn, tiện lợi" – ông Cao Hoài Dương nói.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (chủ sở hữu ví điện tử Ví Việt), cho rằng với những ngành hàng, sản phẩm mới trên thị trường, trong đó có ví điện tử, muốn có khách hàng, phải bỏ ra số tiền đầu tư rất lớn để khuyến mãi, giảm giá… Sau đó, việc thu hồi vốn đầu tư lại là chuyện khác và đây là bài toán phát triển kinh doanh của các fintech, ngân hàng. Vấn đề cạnh tranh trên thị trường là ai đi được đường dài sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua khuyến mãi, giảm giá. Chưa kể, hiện các ví điện tử đều miễn phí giao dịch cho người dùng nhưng sau này có thể sẽ thu phí. Khi đó, nguy cơ người dùng sẽ chuyển sang các kênh thanh toán khác là khó tránh khỏi.

"Muốn bán được sản phẩm phải khuyến mãi, cả thế giới đều làm vậy. Còn việc sau khi hết khuyến mãi, khách hàng có tiếp tục ở lại doanh nghiệp hay không lại tùy vào chất lượng dịch vụ, cách thức phục vụ… Không ít ngân hàng, fintech sau một thời gian đã phải dừng cuộc đua và đây là xu hướng tất yếu" – ông Nguyễn Đình Thắng nhận định.

Cẩn trọng với bảo mật

Thực tế, chính cuộc đua khuyến mãi, giảm giá, hoàn tiền và sự ra đời ồ ạt của các ví điện tử cùng sự bùng nổ của điện thoại thông minh, chi phí kết nối mạng ngày càng rẻ đã thu hút nhiều người dùng chuyển sang hình thức thanh toán này. Ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, trong điện thoại của các bạn trẻ, giới văn phòng thường có không dưới 2 ví điện tử liên kết với thẻ ngân hàng để săn khuyến mãi. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra vấn đề về bảo mật, rủi ro mất tiền trong tài khoản.

Chị Hoàng Giang (nhân viên văn phòng tại quận 5, TP HCM) thừa nhận chị rất thích dùng ví điện tử vì được khuyến mãi, chiết khấu nhiều… Mỗi ví thường có những đợt khuyến mãi khác nhau với đủ loại dịch vụ. "Muốn xài ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán ngân hàng. Tôi dùng cùng lúc 3 ví điện tử nghĩa là tôi phải liên kết tài khoản thanh toán ngân hàng với 3 ví khác nhau. Nếu chẳng may bị mất tiền trong ví hay tài khoản, ai sẽ đền bù thiệt hại cho tôi?" – chị Hoàng Giang băn khoăn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM cho rằng tiện ích của ví điện tử không ai phủ nhận nhưng đúng là không thể lơ là bảo mật. Thực tế, khi muốn liên kết tài khoản ví của người dùng với tài khoản thẻ của họ ở ngân hàng, các ví điện tử cũng phải đáp ứng quy định nhất định về bảo mật.

Theo đại diện ví điện tử MoMo, trong quá trình sử dụng, mọi giao dịch phát sinh trên ví hoặc tài khoản ngân hàng liên kết đều phải được chủ ví xác nhận. MoMo tuyệt đối không lưu thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ quốc tế của chủ ví. Đối với mọi sự cố phát sinh, MoMo sẽ phối hợp với ngân hàng của chủ ví để giải quyết thỏa đáng.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, ví điện tử đều khẳng định dù cuộc đua giành khách hàng và thị phần khốc liệt đến mức nào, họ không bao giờ quên yếu tố bảo mật. Người dùng ví điện tử cũng thường xuyên nhận được cảnh báo về yêu cầu bảo mật thông tin, tuyệt đối không tiết lộ, cung cấp thông tin tài khoản, cá nhân, mã OTP… cho bất kỳ ai. 

Cảnh báo ví PayAsian huy động vốn đa cấp

Theo Cổng Thông thông tin điện tử Bộ Công an, PayAsian xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2019 và được quảng cáo là ứng dụng ví thanh toán điện tử, có chức năng thanh toán trực tuyến mọi loại tiền tệ của các quốc gia.

Các buổi thuyết trình giới thiệu của PayAsian thường có sự tham gia của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng nhằm tạo uy tín và thu hút hàng ngàn nhà đầu tư. Theo lời quảng cáo, chỉ cần đầu tư mua đồng tiền ảo có tên là Paya ở trong ví, vài năm sau, người đầu tư sẽ nhận được lãi lớn và đã có không ít người đặt niềm tin, gửi tiền vào ví thanh toán điện tử PayAsian.

Ngân hàng Nhà nước hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương cũng chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Cổ phần PayAsian. Hoạt động của PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Thái Phương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)