Tháng 12-2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển Điện lực Hải Dương (Công ty Điện lực 1) thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện lực Hải Dương (Công ty Điện lực Hải Dương) trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, Điện lực Hải Dương đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ.
Năm 2008 ông Nguyễn Trọng Hữu – GĐ công ty Điện lực Hải Dương đã vinh dự được trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu. Rời ghế đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1981, suốt gần 30 năm công tác trong ngành điện, ông Hữu là người được biết đến với rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Ông Nguyễn Trọng Hữu cho biết, ngay trong năm đầu tiên khi chuyển đổi mô hình, Công ty Điện lực Hải Dương đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển rộng ra và số lượng các doanh nghiệp đầu tư gia tăng khiến nhu cầu dùng điện của tỉnh Hải Dương tăng rất nhanh. Việc cải tạo và phát triển hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng trở nên rất cấp thiết. Trong khi đó, nguồn vốn của Điện lực Hải Dương lại hạn hẹp, phải vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao để đầu tư khiến cho khó khăn dường như càng khó khăn hơn.
Trong bối cảnh tài chính như vậy, doanh nghiệp lại vừa được chuyển đổi sang mô hình mới, bộ máy tổ chức cũng như biên chế hàm chứa nhiều điểm không thích ứng với hoạt động của một đơn vị hạch toán độc lập. Nhiều quy chế không còn phù hợp… tác phong làm việc của CBCNV vẫn theo lề lối cũ; công tác giao tiếp, phục vụ khách hàng và quy trình kinh doanh bán điện chưa đổi mới là những điểm yếu phải nhanh chóng khắc phục.
Tuy nhiên tất cả những khó khăn, vướng mắc vô số kể ấy đã lùi lại để dành chỗ cho những thành tựu và sự phát triển. Tỷ lệ tổn thất tiếp tục được hạ thấp, doanh thu, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên trong công ty cũng liên tục tăng cao hơn. Điều gì khiến Điện lực Hải Dương có những bước đột phá như vậy? Ông Nguyễn Trọng Hữu đã bật mí nhiều bí quyết của doanh nghiệp.
– Ngay khi chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH 1 thành viên, Điện lực Hải Dương phải vay vốn NH TM với lãi suất cao để đầu tư, có khi nào ông cảm thấy đã mạo hiểm khi quyết định như vậy không?
Ngay trong năm đầu tiên khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, chúng tôi đã đầu tư 162 tỷ đồng xây dựng 13 công trình, triển khai xây dựng 84 hạng mục sửa chữa lớn, 237 hạng mục sửa chữa thường xuyên trị giá hàng chục tỷ đồng… nhằm củng cố, nâng cao khả năng cấp điện và độ tin cậy của hệ thống lưới điện. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 km đường dây từ 0,4 đến 110 kV, 1.912 trạm biến áp các loại. Với khối lượng đường dây và trạm lớn như vậy, nếu không mạnh dạn đầu tư bài bản thì không thể quản lý và vận hành an toàn hiệu quả được. Vì vậy cho dù thiếu vốn, công ty vẫn phải đầu tư. Tuy có khó khăn do lãi vay song dó là một hướng đi hoàn toàn đúng và đã được dự liệu, tính toán cẩn thận chứ hoàn toàn không mạo hiểm.
Nhờ đầu tư đúng hướng, Công ty đã không để xảy ra sự cố, cung ứng điện ổn định cho khách hàng. Sản lượng điện thương phẩm năm 2005 đạt 970 triệu kWh, tăng 15,48% so với năm 2004; doanh thu 656,69 tỷ đồng; giá bán điện bình quân đạt 677 đ/kWh.
– Khi chuyển sang mô hình mới, Điện lực Hải Dương đã gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự, về tác phong phục vụ khách hàng,… công ty đã làm gì để phá vỡ những lề thói cũ và xây dựng một phong cách phục vụ mới?
Chúng tôi đã triển khai đồng bộ và kiên quyết nhiều giải pháp. Trong đó, kiện toàn, sắp xếp lại một số đơn vị; tổ chức bồi huấn nghiệp vụ và quy hoạch lại đội ngũ cán bộ ở các phòng ban, chi nhánh theo hướng chuyên môn hoá; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực để không chỉ đảm nhiệm tốt công tác quản lý, kinh doanh trong thời điểm hiện tại mà còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục hoàn thiện chương trình ứng dụng công nghệ tin học vào tất cả các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, đồng thời khuyến khích CBCNV mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và công tác; đổi mới công tác giao tiếp với khách hàng, giảm thủ tục hành chính về cấp điện, thu ngân, lắp đặt mới côngtơ… Chúng tôi cũng xuất bản nhiều tại liệu hỏi đáp thắc mắc về giá điện để tuyên truyền cho việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời bố trí đường dây nóng tại tất cả các chi nhánh điện, tại văn phòng công ty để tiếp nhận và giải đáp nhanh nhất thắc mắc của khách hàng một cách. Các biện pháp trên đều nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Điện lực Hải Dương.
– Được mệnh danh là có nhiều sáng kiến từ thời còn công tác ở Nhiệt điện Phả Lại, ông cũng đã đề xuất rất nhiều sáng kiến chống tổn thất. Ông có thể cho biết Điện lực Hải Dương đã triển khai chống tổn thất như thế nào để trở thành một trong những điện lực đi đầu về chống tổn thất không?
Thời công tác tại Nhiệt điện Phả Lại, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều cải tiến kỹ thuật. Ví dụ như aptomat do Liên Xo sản xuất lúc ấy rất dễ bị chạm, nổ gây tai nạn cho công nhân vận hành, chúng tôi đã nghiên cứu, cải tiến để aptomat hạn chế bị chạm nổ.
Năm 1990 tổn thất ở Hải Dương có những điểm tới 40%, nhiều tỉnh như Hải Phòng còn tới 60%… Nhờ có các giải pháp như tiếp tục đầu tư cải tạo lưới điện, đặc biệt là lưới điện nông thôn, duy trì phương thức vận hành hợp lý để giảm tổn thất kĩ thuật tới giới hạn cho phép, cải tạo hộp chống tổn thất, cải tiến phương thức quản lý lưới điện, tăng cường công tác kiểm tra sử dụng điện… nên giảm mạnh hệ số tổn thất điện năng. Nhờ những kết quả đó, năm 1993 công ty Điện lực 1 đã thưởng cho chúng tôi bằng cách cho xây lại trụ sở trước các đơn vị khác. Năm 2000 tổn thất đã giảm xuống còn 6,53%, Năm 2002 xuống 6,15%. Năm 2007 tổn thấy chỉ còn 5,17% và năm 2008, tỷ lệ tổn thất sẽ khoảng 4,80%. Việc giảm tổn thất điện năng nói trên đã giúp tăng đáng kể lợi nhuận của công ty. Năm 2008, Điện lực Hải Dương đạt doanh thu hơn 1 nghìn tỷ đồng, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 1,5 tỷ kWh điện. Phải nhìn vào sản lượng điện thương phẩm nói trên mới thấy hết được ý nghĩa của việc giảm tổn thất điện năng dù chỉ 1%.
– Điện lực Hải Dương đã có bước tăng trưởng rất nhanh từ khi chuyển sang mô hình mới. Ông có thể cho biết những dự định của doanh nghiệp trong thời gian tới?
Chúng tôi dự kiến sẽ liên doanh với một doanh nghiệp nước ngoài để lắp ráp đồng hồ đo điện và kinh doanh lĩnh vực XNK thiết bị điện đồng thời đẩy mạnh các lĩnh vực hoạt đông viễn thông …
– Được biết Hải Dương là tỉnh đầu tiên ban hành “Mô hình quản lý điện nông thôn” và tất nhiên đây là mô hình do đề xuất của Điện lực Hải Dương, xin ông cho biết mô hình này đã mang lại điều gì cho nông thôn Hải Dương?
Điện lực Hải Dương đã cùng các sở, ban, ngành đề xuất “Mô hình quản lý điện nông thôn” và đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cho phép thực hiện từ tháng 12 năm 2001. Mục đích của chúng tôi là đưa công tác quản lý điện năng vào nề nếp, đảm bảo cho nông dân dùng điện bình đẳng như người thành phố.
Đến hết tháng 6/2008, Điện lực Hải Dương đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn, vượt kế hoạch trước 1 năm, đồng thời hoàn thành việc hoàn trả vốn vào tháng 12 năm 2001. Công ty đã đại tu, cải tạo và làm mới 65 công trình đường dây trung thế chống quá tải với số tiền gần 22 tỷ đồng cho khu vực nông thôn. Công ty cũng đầu tư hơn 39 tỷ cho hạng mục 36 công trình chống quá tải và xoá bán tổng. Tới nay công ty đã kiểm định miễn phí hơn 50.000 công tơ và đào tạo trên 2000 thợ quản lý điện nông thôn miễn phí. Như đã nói trên chúng tôi áp dụng Mô hình quản lý điện nông thôn nhằm giúp người nông dân được dùng điện bình đẳng như người thành phố.
Ông Nguyễn Trọng Hữu tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội năm 1981. Từ năm 1981 đến 1990 công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, với các cương vị cán bộ kỹ thuật, phó quản đốc phân xưởng điện. Ông là người nổi tiếng đã có rất nhiều đóng góp cải tiến kỹ thuật phục vụ vận hành nhà máy. Năm 1994, ông Hữu chuyển về công tác tại Điện Lực Hải Dương và giữ chức vụ giám đốc từ 1997 đến nay. Trong thời gian công tác tại Điện Lực Hải Dương, ông tiếp tục được biết tới với nhiều sáng kiến đề xuất giúp ngành điện cải tiến công tác quản lý, vận hành, chống tổn thất điện năng… để nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2003 ông đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng III. Ông cũng đã dành được rất nhiều danh hiệu như chiến sĩ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh… trong suốt các năm từ 2000 tới nay. Năm 2008, ông vinh dự được trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu.
|
Minh Giác (dddn)
Bình luận (0)