Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vị giáo sư của ruộng đồng

Tạp Chí Giáo Dục

Sống cùng nông dân, làm việc cùng nông dân, đấu tranh vì sự nghiệp của nông dân để rồi cả thế giới biết đến ông như là một vị giáo sư chỉ dành riêng cho nông dân
Dù học vị cao và đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế nhưng cuộc sống của GS.TS. NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân vẫn luôn gắn liền với đời sống chân lấm tay bùn của bà con nông dân. Bởi vậy, tuy tuổi đã xế chiều nhưng ông vẫn cần mẫn với công việc đồng áng khi đưa nông dân Việt Nam sang dạy cách trồng lúa cho bà con tận châu Phi xa xôi…
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Cao Thắng (Sài Gòn) – một ngôi trường có tiếng thời bấy giờ ở khu vực miền Nam – anh Xuân từ giã quê hương để ra nước ngoài du học. Tại Philippines, anh học ngành công nghiệp mía đường của Trường Đại học Nông nghiệp Philippines. Trong thời gian này, anh gặp một số người Việt sang Viện Lúa quốc tế (IRRI) học tập và nghiên cứu đã chia sẻ với anh rằng: Học về mía đường lúc này khó sử dụng ở Việt Nam lắm, bà con của chúng ta gắn bó với cây lúa nhiều hơn. Mình phải học cái gì giúp được bà con nông dân của mình chứ. Anh bắt đầu suy nghĩ và quyết định không chỉ học về mía đường mà còn quay sang học lỏm về khoa học cây lúa.
Vì nông dân bất chấp mưa bom đạn lửa
Sau 9 năm học tập ở Đại học Nông nghiệp Philippines (tháng 6 năm 1961 đến tháng 6 năm 1969) thì ông được cấp bằng Master về nông hóa, và được Viện IRRI đặt ngay bên cạnh trường đại học của ông nhận vào thực tập và nghiên cứu. Những ngày tháng sống ở nước ngoài, trong tâm trí ông ngày nào cũng không nguôi nhớ nhà, nhớ dải đất miền Nam đang cuồn cuộn chảy máu vì chiến tranh, nhớ bạn bè trong những phong trào đấu tranh ở thành phố… Vậy là năm 1971, khi ông đã có những kiến thức cơ bản về cây lúa cao sản và đã xuất bản quyển sách đầu tay Cẩm nang sản xuất lúa cao sản, ông nhận được thư mời của thầy Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ về tham gia đào tạo các kỹ sư nông nghiệp tương lai, ông nhanh chóng quyết định về nước dạy học mà không một chút ngần ngại. Ông kể: “Ban đầu bà xã phản ứng dữ dội chuyện tôi về nước vì sợ phải đi lính (chế độ cũ), phải đổ máu… Nhưng rồi nghĩ đến ngày đất nước hòa bình sẽ không còn xa, và lúc ấy hàng triệu nông dân sẽ rất cần những nhà nghiên cứu về cây lúa, chúng ta không thể không về”.
Đúng sau 10 năm 3 ngày học tập và làm việc ở Philippines, ngày 9-6-1971, ông trở về Việt Nam để làm giảng viên cho Trường Cao đẳng Nông nghiệp (CĐNN) Cần Thơ. Hồi đó, giảng viên còn thiếu vì phần lớn chỉ muốn ở Sài Gòn nên một mình ông phải dạy cùng một lúc 6 môn học: cây lúa, phép thí nghiệm khoa học, thổ nhưỡng đại cương, phì nhiêu đất đai, khuyến nông và Anh văn chuyên môn. Ngoài ra ông còn hướng dẫn sinh viên năm thứ 4 nông nghiệp làm công trình tốt nghiệp, từ 10 đến 15 sinh viên mỗi khóa.
Từ bỏ một nơi làm việc hiện đại với mức lương hàng ngàn đô la, trở về nhà với những chiếc va ly chỉ toàn là sách với sách, cuộc sống của gia đình ông bộn bề khó khăn. “Lúc về nước, với địa vị là một Master có bằng cấp quốc tế nhưng lương chỉ được 23.000 đồng/tháng (lúc đó một tô phở là 50 đồng), không thể đủ để nuôi vợ con và gánh vác thêm cả gia đình nội ngoại, vì thế tôi phải làm cố vấn giám đốc kỹ thuật thêm cho Công ty Hóa chất nông nghiệp Thanh Sơn ở Sài Gòn”, ông nhớ lại.
Bốn giờ sáng thứ hai ông tự lái xe ô tô xuống Trường CĐNN, nghỉ lại đêm đó; nguyên ngày thứ ba tiếp tục công việc, đến 5 giờ chiều ông lên xe về Sài Gòn để sáng thứ tư vào làm cho công ty cả ngày. Sáng thứ năm lại bắt đầu chu kỳ mới, và việc này lặp đi lặp lại hàng mấy năm trời nhưng ông vẫn không một lời than vãn. Đơn giản vì ông biết rằng đã chọn về nước trong khi đất nước còn rất khó khăn, lại bị chiến tranh tàn phá thì gian khổ là điều khó tránh khỏi. Nhưng bù lại điều ông có được quý giá nhất trong lúc này là được sống cùng bà con nông dân, được cống hiến trên mảnh đất mà mình đã sinh ra và lớn lên.
Giáo sư của đồng ruộng
Khi thì đứng trên bục giảng, lúc thì đưa sinh viên xuống đồng ruộng để tiếp cận với thực tế, ông đã đào tạo sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng hướng dẫn nông dân cách trồng lúa đạt năng suất cao. Thậm chí, khi dịch rầy nâu phá hoại trầm trọng các vùng lúa cao sản của đồng bằng sông Cửu Long, ông đề nghị Ban giám hiệu cho cả trường đóng cửa để đưa hơn 2.000 sinh viên mang giống lúa IR36 kháng rầy nâu về tận đồng ruộng khắp các tỉnh, cùng nông dân nhân giống chống rầy nâu. Với sự giúp đỡ của thầy trò Trường CĐNN Cần Thơ, năng suất lúa đã tăng lên 80-90%. Cũng từ đây, tiếng lành đồn xa, bà con nông dân bắt đầu gọi ông với cái tên thân thuộc là “Bác sĩ lúa”. Mô hình đưa sinh viên làm công trình tốt nghiệp về với ruộng đồng tiếp tục được ông nhân rộng sau khi đất nước hòa bình, bà con nông dân được nhiều vụ mùa bội thu. Những kinh nghiệm trồng lúa của ông và sinh viên cùng với bà con nông dân đã được phát lên chương trình Gia đình bác Tám của Đài Phát thanh Sài Gòn vào mỗi buổi sáng.
Với quá trình đào tạo trên 100 kỹ sư nông nghiệp và các công trình nghiên cứu đối với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, năm 1981 ông được phong tặng danh hiệu Giáo sư. Ở độ tuổi 41, lúc bấy giờ ông vinh dự là giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam.
Dù dạy cho nông dân biết cách trồng lúa đạt năng suất cao, nhưng điều GS.TS Võ Tòng Xuân luôn trăn trở là tình trạng thiếu lúa gạo để ăn của người dân ở một quốc gia hơn 80% dân số sống bằng nông nghiệp. Trăn trở này đã thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp và trong những năm 1980-1997, khi là đại biểu Quốc hội ông đã đưa ra những tham luận về phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển kinh tế cho đất nước.
Từ năm 1979 ông âm thầm cùng nông dân ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trồng lúa qua hình thức khoán sản phẩm. Sau mỗi vụ lúa, bà con nông dân ấp Lung Đen đã được vụ mùa bội thu, trong nhà lúa đầy bồ và bán nhiều lúa nhất cho Nhà nước. Đến ngày 2-9-1980, trong chương trình Kỹ thuật nông nghiệp được phát thường xuyên hàng tuần của mình trên Đài Truyền hình TP.HCM và Cần Thơ, ông công bố hiệu quả khả quan về sản xuất lúa theo dạng khoán này. Thế nhưng, Ban hợp tác hóa Trung ương ở Cần Thơ cho rằng, ông đã làm ngược lại chỉ đạo của Trung ương nên không cho đài tiếp tục phổ biến, còn về phần ông thì suýt chút nữa cũng bị bỏ tù.
Làm việc tốt nhưng cuối cùng lại mang họa vào thân, sự kiện này tưởng chừng như đã quật ngã ông nhưng dường như những trăn trở về nỗi khổ của bà con nông dân vẫn thường trực trong ông. Để rồi, ông lại tiếp tục đưa ra các ý kiến về lợi ích của việc làm khoán cho người nông dân.
Tại kỳ họp Quốc hội năm 1986, ông đã cùng đông đảo đại biểu Quốc hội thảo luận vấn đề đất đai, và đưa ra nhiều đề nghị xác đáng, chủ yếu cho người dân được khoán đất canh tác lâu dài và ổn định. Những kiến nghị này đã đóng góp vào Luật Đất đai và một số nghị quyết của Đảng, dẫn đến chính sách “Khoán 10” làm cho nông dân cả nước hăng hái sản xuất để rồi từ một nước thiếu gạo, bắt đầu từ cuối năm 1989, Việt Nam liên tục trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thứ ba trên thế giới.
Gieo lúa trên đất Phi châu
Ông không chỉ tận tay chỉ cho bà con nông dân Việt Nam trồng lúa mà ông còn có cả khát vọng đưa bà con nông dân Việt Nam đi dạy cách trồng lúa cho bà con nông dân nước ngoài. Trong quá trình công tác, ông có dịp đi qua đi lại nhiều nước và thấy rằng, các nước phương Tây đã tài trợ hàng trăm tỷ đô la cho các nước châu Phi nhưng số dân nghèo và số người thiếu ăn ở đây hàng năm vẫn tăng liên tục. “Tại sao trong khi cả thế giới đều hướng về châu Phi vì nạn đói thì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới lại không giúp được gì cho châu Phi”. Từ những trăn trở này, từ năm 2006, thay vì kêu gọi các doanh nghiệp viện trợ của cải vật chất, ông đã bắt đầu kêu gọi một số doanh nghiệp cùng hợp tác để đưa các cán bộ kỹ thuật, chuyên viên thủy lợi và một số nông dân qua các nước châu Phi như Sierra Leone, Liberia, Nigeria, Mozambique, Sudan, Rwanda… để cùng với nông dân châu Phi trồng lúa có năng suất cao. Hơn 4 năm đưa nông dân Việt Nam sang châu Phi làm “thầy giáo” dạy cách trồng lúa kết quả đạt được thành công ngoài mong đợi khi các nước này đang đầu tư mạnh cho thủy lợi, mở rộng diện tích trồng lúa…
Tuổi đã 70 nhưng trông ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Không ai nghĩ ông là một cụ già khi sáng ông đang ở Long Xuyên, trưa ông đã có mặt ở TP.HCM, tối ông lại về Cần Thơ dự hội thảo; hoặc đang hướng dẫn bà con nông dân miền Tây trồng lúa, thoắt cái ông đã đến TP.HCM để lên máy bay sang châu Phi hướng dẫn bà con châu Phi…
Dương Bình

Với những đóng góp to lớn, GS.TS Võ Tòng Xuân được nhà nước tặng nhiều danh hiệu: Anh hùng Lao động (1985), Huân chương Lao động hạng nhất (1986), Nhà giáo nhân dân (2000), Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ (1992), Huy chương Vì giai cấp nông dân Việt Nam (1994), Huy chương Vì sự nghiệp các hội khoa học kỹ thuật (2003)… Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như: giải thưởng D.L Umali về phát triển nông nghiệp (2008), giải thưởng Derek Tribe (2005), giải thưởng Nikkei Á Châu về tăng trưởng vùng (2002), giải thưởng Ramon Magsaysay về phục vụ Nhà nước (1993)…

 

Bình luận (0)