Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vì mẹ, em sẽ luôn cố gắng!

Tạp Chí Giáo Dục

Dù vừa phải tự làm để học nhưng học lực của Vũ Thị Vẻ không hề thua kém bạn bè, điểm trung bình của em rất cao, gần đạt 8,5

Mẹ em mắc nhiều chứng bệnh và cần khoản tiền rất lớn để chữa trị nên em thay chị vào Nam vừa làm công nhân vừa học để sau này kiếm việc ổn định lo cho mẹ. Chỉ cần mẹ khỏe là em yên tâm… Đó là tâm sự của em Vũ Thị Vẻ, sinh viên năm 2 ngành kế toán Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm. 
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Vẻ không dám ước mơ cho mình nhiều, tất cả những điều gì tốt đẹp em chỉ mong gửi đến mẹ!
Tan ca làm, vào giờ học
Trong lớp, bạn bè hay thắc mắc: “Sao chị lớn tuổi mà giờ mới học CĐ?”. Trước khi các bạn trong lớp biết hoàn cảnh của Vẻ đều hay hỏi em điều này. Vẻ chỉ lặng cười, cuộc sống không bằng phẳng và việc bị “gián đoạn” trong học tập là điều khó tránh không chỉ với riêng bản thân em. “Cả nhà có ba chị em nhưng ai cũng chỉ học hết lớp 9 thôi. Ngay cả chị em, vốn học rất giỏi nhưng cũng đành phải dở dang việc học giữa chừng vì nhà không có điều kiện”, Vẻ tiếc rẻ.
Cô chị cả sau khi bỏ học thì trở thành trụ cột vì từ lâu lắm rồi gia đình không có bóng dáng người cha làm chỗ dựa. Người mẹ mang quá nhiều căn bệnh từ tim, dạ dày, thấp khớp đến thoái hóa cột sống, huyết áp cao, viêm xoang, tai điếc. 15 tuổi, chị cả “trụ cột” phải lặn lội vào Sài Gòn làm hết việc này đến việc khác kiếm tiền gửi về lo thuốc thang cho mẹ. Ở nhà, vai trò trụ cột “chuyển nhượng” lại cho Vẻ cũng vào cái ngày em tròn 15 tuổi, nghỉ học năm lớp 9 và khăn gói ra Hà Nội kiếm việc. Một năm ở Hà Nội, em bán hàng thuê và dành dụm tiền hàng tháng gửi về gia đình thế nhưng vẫn không xoay xở đủ cho những lần trái gió trở trời khiến mẹ đau nhức. Nghe người ta bảo, vào Nam dễ có cơ hội kiếm việc hơn, cô gái 16 tuổi lại “Nam tiến” chỉ với vỏn vẹn vài trăm ngàn đồng. Em trở thành công nhân sau nhiều ngày tìm  việc vất vả.
Tuy công việc mỗi ngày đã khá mệt, cô công nhân giàu nghị lực vẫn thèm khát được trở lại với sách vở. Đôi lần em ứa nước mắt khi nghĩ về quãng đời học sinh, hồi ấy em đã thi đậu vào lớp chuyên toán của một trường THPT ở tỉnh Nam Định, nơi em sinh sống. Trước đó, em cũng là học sinh khá giỏi suốt 9 năm. Nỗi mong ước ấy ngày một lớn lên, cô gái giàu nghị lực ấy quyết tâm ôm sách vở tới học tại Trung tâm GDTX quận Bình Tân. Hàng ngày, 17 giờ  tan ca làm, em lại tức tốc bước vào “ca” học. Thế mà hằng đêm, em lại còn thức đến 2-3 giờ sáng cặm cụi với bài vở.
Không lùi bước!
Bây giờ, khi đã trở thành sinh viên, nhớ lại khoảng thời gian cật lực đó, Vẻ còn thấy… sợ. Đó là lý do, có đôi lúc thầy cô thông cảm cho em về nhà nghỉ ngơi vì sợ em kiệt sức. Cũng may mà em đã “trụ” được qua thời điểm chông gai đó. Hiện nay, Vẻ không còn làm công nhân nữa mà dành thời gian cho việc học chính khóa. Để có tiền sinh sống và trang trải học tập, ngoài giờ học em đi phụ bán hàng ở tiệm quần áo, quán ăn…
“Làm lụng mệt cỡ nào em cũng chịu được, nhưng nhiều lúc thấy mẹ cứ liên tục nhập viện vì bệnh, em lo lắng và nản chí vô cùng, chỉ muốn nghỉ học để về chăm sóc mẹ. Và lần nào chị em cũng cản, động viên em ráng học sau này còn hy vọng thay đổi cuộc sống. Giờ em cũng chỉ mong học xong nhanh để thực hiện ước nguyện”, Vẻ tâm sự.
Cậu em trai út của Vẻ cũng đã dừng con đường học tập để vào TP.HCM làm thuê phụ hai chị, mỗi tháng cũng kiếm được gần 3 triệu đồng. Bởi vì mọi người trong nhà ai cũng cố gắng hết sức nên Vẻ không cho phép mình một phút nào ngừng nỗ lực. “Sau này ra trường, em sẽ làm và cố gắng dành dụm để em trai có thể viết tiếp ước mơ học tập. Làm công nhân vậy chứ đời sống cũng bấp bênh lắm, dù sao đi học và có nghề nghiệp ổn định thì vẫn may mắn, tươi sáng hơn”, Vẻ chia sẻ với ánh mắt quyết tâm.
Không thấy em nói gì về những mong ước cho riêng bản thân. Có lẽ việc học hành, kiếm việc để lo thuốc thang chữa bệnh cho mẹ đã chiếm giữ trong em vị trí quá lớn. Em hay tự hứa với bản thân, vì mẹ mà em sẽ luôn cố gắng…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Hiện nay Vẻ không còn làm công nhân mà dành thời gian cho việc học chính khóa. Để có tiền sinh sống và trang trải học tập, ngoài giờ học em đi phụ bán hàng ở tiệm quần áo, quán ăn…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)