Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vì một Việt Nam hùng cường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
“Không phải Đại hội xong là coi như xong. Đây chỉ là mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không mới là thành công thực tế của Đại hội”, phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng quyết liệt triển khai thực hiện trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Biến quyết định của Đại hội thành của cải vật chất

Vì một Việt Nam hùng cường ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội

“Không phải Đại hội xong là coi như xong. Đây chỉ là mở đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không mới là thành công thực tế của Đại hội”, phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng quyết liệt triển khai thực hiện trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Vì một Việt Nam hùng cường ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Như trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.

Đặc biệt, Tổng Bí thư khẳng định về một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. “Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Với mục tiêu vì lợi ích của nhân dân, kể từ sau Đại hội XIII, Đảng đã tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn. Trong công cuộc đó, Tổng Bí thư cũng đã nhiều lần nhắn nhủ đối với đội ngũ cán bộ các cấp về sự thiêng liêng của danh dự. “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Vươn lên trong nghịch cảnh”

Vì một Việt Nam hùng cường ảnh 3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

“Niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng” và “niềm tin về một Việt Nam tất thắng trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19”, đó là thông điệp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể Nhân dân và cử tri cả nước khi phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.

Gợi nhớ về một sự kiện chính trị trọng đại diễn ra vào năm 1284, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh thần Diên Hồng là biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về phát huy tiếng nói, quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt là trong những thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh đất nước.

Kể từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới đến nay, nhiệm kỳ 2016-2021 là giai đoạn 5 năm có nhiều thử thách rất khắc nghiệt, từ thảm họa môi trường Formosa, hạn mặn thế kỷ Tây Nam bộ, thiên tai, bão lũ dồn dập cho đến các căng thẳng thương mại, địa chính trị khu vực và quốc tế; đặc biệt là đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu.

“5 năm qua chính là khoảng thời gian hệ thống chính trị của chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã được tôi luyện, trưởng thành thêm về bản lĩnh và lòng quyết tâm, luôn không ngừng nuôi dưỡng tầm nhìn, khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam phát triển, hùng cường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Lãnh đạo Nhà nước cũng bày tỏ niềm tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc, tinh thần đoàn kết vô địch của nhân dân; niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, của tất cả chúng ta về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi đại dịch COVID-19; để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới…

“Và đặc biệt, tôi xin bày tỏ niềm tự hào sâu sắc vì sự nhân ái, bền bỉ và kiên cường trong gian nan, thử thách của đồng bào ta dù khó khăn vất vả nhưng vẫn lạc quan để đoàn kết vượt khó chiến thắng dịch bệnh. Truyền thống con Rồng cháu Tiên, đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng”, ý chí vươn lên trong nghịch cảnh đã luôn là những phẩm chất vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi, đem về nhiều vinh quang cho dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại

Vì một Việt Nam hùng cường ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngay sau khi nhậm chức, trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn đưa ra yêu cầu "3 không và 5 thật". "3 không" theo Thủ tướng là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật".

Với tinh thần đó, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đích thân trực tiếp kiểm tra ở các cơ sở để nắm bắt tình hình và có giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế, nhằm bảo đảm người dân được chăm lo chu đáo cả về y tế, cũng như tiếp tế lương thực, thực phẩm. Tháng 8, khi dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Nam, Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra khả năng đáp ứng của các đường dây nóng về an sinh, y tế của phường Bình Chuẩn, TP Thuận An (Bình Dương).

Tại đây, ông đã đề nghị người dân gọi vào các số điện thoại địa phương cung cấp, yêu cầu hỗ trợ y tế và gói an sinh. Người dân gọi tới lần thứ 4 mới có người nhấc máy. Thủ tướng kiên trì đứng đợi hơn 10 phút để nhân viên y tế tới. Ông giải thích rằng, muốn kiểm tra hệ thống y tế phường, xã có nhanh không. Còn tại Hà Nội ông cũng đã trực tiếp kiểm tra việc phòng, chống dịch điểm nóng 328-330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, nơi phát hiện 311 ca mắc COVID-19 trong tổng số hơn 1.800 người dân. Từ những cuộc kiểm tra trên, Thủ tướng yêu cầu thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường, điều trị phân loại ngay các ca F0, bảo đảm người dân được chăm sóc y tế ngay tại cơ sở.

Thủ tướng cũng bày tỏ Chính phủ hết sức thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những khó khăn về tinh thần và vật chất mà nhân dân phải đối mặt hơn một năm qua do dịch COVID-19 gây ra. Từ thành thị tới nông thôn, những con đường vắng người qua lại, những khu chợ sầm uất, sân bay, bến cảng, sân trường, nhà máy, xí nghiệp… náo nhiệt giờ lặng lẽ; trong khi đó bệnh viện, khu điều trị ở một số nơi có dịch lại trở nên đông đúc hơn bao giờ hết… Bao nhiêu cuộc hội ngộ, đoàn tụ vui buồn trở thành dang dở… Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, thu nhập, tích lũy của người dân giảm sút… Đám mây đen COVID-19 đã phủ nghịch cảnh lên cuộc sống của chúng ta. Song, Thủ tướng khẳng định: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Chính phủ mong nhân dân vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch, để không phụ sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ y, bác sĩ. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng, bình minh của cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Vì một Việt Nam hùng cường ảnh 5

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bắt đầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng ra các tỉnh, thành phía Nam. Trong Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã kịp thời bổ sung nội dung phòng chống dịch bệnh COVID- 19 vào Chương trình và Nghị quyết của Kỳ họp (Nghị quyết số 30). Đây là việc làm chưa có tiền lệ, khẳng định minh chứng Quốc hội luôn tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ, hệ thống chính trị và lấy người dân làm trung tâm.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV cũng được bắt đầu trong hoàn cảnh đặc biệt, những khó khăn chưa từng có về kinh tế, xã hội là những day dứt không chỉ của mỗi đại biểu mà còn là của toàn xã hội. Nhưng Quốc hội đã không phụ lòng mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước. Tập trung làm việc liên tục, kể cả ngày cuối tuần, Kỳ họp đã quyết đáp nhiều nội dung quan trọng, trong đó Quốc hội dành nhiều thời lượng để thảo luận, thống nhất nhận thức, hành động và quyết định các kế hoạch kinh tế, xã hội.

Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ tháng 5/2021, lãnh đạo Quốc hội đã có hàng loạt buổi làm việc với tất cả các Ủy ban, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặt ra yêu cầu phải chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng pháp luật. Khi Kỳ họp cuối năm còn cách hai tháng, cũng trên tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với Thường trực các Ủy ban để góp ý vào báo cáo thẩm tra 7 dự án Luật “mở hàng” cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khoá XV.

“Muốn rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng như Kỳ họp thứ nhất thì không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, chuẩn bị từ xa mà có chất lượng. Thống nhất trình luật ra mà không thành công sẽ rất vất vả. Chúng ta đã có bài học rồi nên phải tránh lặp lại. Đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng luật, gắn với trách nhiệm người đứng đầu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu khi làm việc với các Ủy ban.

Bằng tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, các nội dung thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội hay phiên họp của Ủy ban Thường vụ, chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động trong những năm tiếp theo.

Theo Tiền Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)