Nhọc nhằn chắt bóp từ nghề làm nước mắm, vợ chồng bà Võ Thị The và ông Nguyễn Minh Phụng ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) không chỉ xây dựng nên thương hiệu nước mắm nức tiếng một vùng mà còn nuôi 5 con ăn học thành tài…
Dù sự học đứt đoạn, bà The vẫn quyết tâm nuôi con học hành đến nơi đến chốn |
Khổ tận cam lai
Đến thị trấn Cửa Việt, hỏi cơ sở sản xuất nước mắm Phụng The không ai là không biết. Đón chúng tôi trên thềm nhà giữa chiều nhạt nắng, bà The cười tươi, tay vẫn không ngừng làm thao tác chắt lọc những giọt nước mắm thơm lừng đóng chai để xuất xưởng. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Cửa Việt nhiều nắng gió. Vùng biển bãi ngang bao đời cái nghèo đeo bám. Năm 21 tuổi, bà nên duyên với chàng trai làng biển Nguyễn Minh Phụng. “Lúc đó tui với ông ấy cũng vừa quen nhau chưa lâu nhưng gia đình neo người, hai anh em trai trong gia đình anh ấy đều nhập ngũ nên hai gia đình tổ chức lễ cưới”, bà The nhớ lại. “Cưới nhau được một tháng thì ông ấy đi biền biệt gần 5 năm ở Campuchia. Thi thoảng nửa năm mới nhận được một lá thư. Khi đứa con đầu lên 4 tuổi ông ấy mới trở về”, bà nói thêm. Trở về từ chiến trường với nhiều mảnh đạn còn nằm lại trong thân thể, ông phụ vợ làm lụng nuôi con. Được một thời gian ngắn, khi đứa con chào đời chưa tròn tuổi thì cơn bão lớn tháng 9-1985 khiến ngôi nhà cấp 4 vốn đã xiêu vẹo đổ sập. Cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. “Lúc nớ hai vợ chồng bàn nhau cùng đưa con vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để làm thuê trong xưởng làm nước mắm. Ui chao, không thể kể hết nỗi cực nhọc. Cái cảnh xa quê, con dại, ông ấy thường xuyên đau nhức thân thể lúc trái gió trở trời. Nhiều bữa chỉ ăn toàn rau cầm hơi”, bà The nhớ lại. Rồi làm thuê được nửa năm, nghĩ quê mình cũng vùng biển, cũng có nhiều tàu thuyền đánh về nguồn cá tầng nước nổi có thể làm nước mắm ngon như ai nên bà quyết định bàn với chồng đưa con trở lại quê”.
Thương hiệu nước mắm nức tiếng
Ở vào tuổi gần 60, 5 đứa con của vợ chồng bà thì 4 đứa đã có công ăn việc làm: “Hai đứa làm kế toán sống gần nhà, một cháu làm ở Hà Nội, một cháu đang ở Nhật Bản, còn cậu út đang học năm cuối Trường ĐH Y Huế. Nợ nần cũng đã trả xong nhờ nước mắm, rứa là vợ chồng tui sắp được thảnh thơi rồi”, bà The cười. |
Bà The kể: “Năm 1986 khi về quê, ban đầu tui làm vừa đủ để đưa đi bán ở các phiên chợ và bán các làng lân cận. Lâu dần nước mắm ngon được nhiều người biết đến, mua nhiều thì tui làm tăng thêm số lượng cá vào mỗi vụ”. Tháng 4-2013 cơ sở của bà được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh công nhận thương hiệu, nhãn mác. Bà vay Ngân hàng Nông nghiệp hơn 20 triệu đồng, đầu tư chế biến 50 tấn nguyên liệu mỗi năm, về sau khi có vốn, bà đầu tư chế biến nhiều hơn, thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nói về nghề, bà The bộc bạch: “Để làm ra nước mắm ngon không phải dễ. Tui phải tìm nguyên liệu cá thật tươi, nhất là chọn ngay khi vừa cập bờ, sau đó phân loại, rửa sạch, trộn với muối sạch theo đúng tỷ lệ rồi cho vào bể chứa, sau đó tiến hành gài nén. Quy trình chế biến phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các hóa chất độc hại. Mỗi đợt làm nước mắm phải mất từ nửa năm trở lên. Thường xuyên theo dõi, sau đó khi rút nước mắm phải làm vào ban đêm hoặc sáng sớm để đảm bảo độ tinh khiết thơm ngon của mắm”. Thương hiệu nước mắm ngon của bà được nhiều người tiêu dùng khắp nơi biết đến, được Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội bình chọn là “Thương hiệu tin dùng thủ đô”. Cơ sở của bà tạo việc làm cho gần chục lao động với mức tiền công mỗi tháng từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người.
Từ làng biển đến giảng đường
Cũng từ gánh nước mắm đó, bà lần lượt cho con tới trường. Bà The bảo: “Cũng không phải một lúc làm ra để con ăn học. Cái nghề nước mắm cứ đắp đổi qua ngày để dìu con lớn lên. Hồi nớ cực đến mấy vợ chồng cũng bảo nhau ráng cho con ăn học. Năm cháu Thủy – con đầu lòng lên lớp 6 thì tui sinh đứa con út, bị ốm một trận thập tử nhất sinh. Không của cải đã đành, lại thêm nợ chồng chất nên ngậm ngùi để con nghỉ học một năm, rồi nó đi học thợ uốn tóc và ở cho người ta. Cũng may, có ý chí nên năm sau đó cháu tiếp tục theo học và tốt nghiệp trung cấp rồi học lên ĐH hệ từ xa. Nay có công ăn việc làm ổn định rồi”. Để nuôi được 5 đứa con lần lượt vào trường ĐH, bà The bảo rằng, cực trầy vi tróc vảy, vay nợ ngân hàng để con có thể đến trường. Thêm vào đó càng lớn tuổi, những mảnh đạn nằm nguyên trong thân thể ông Phụng lại hành hạ ông khi trở trời trái gió. Cực càng thêm cực! Hỏi bà có khi nào muốn buông xuôi gánh chữ của con? Bà cười: “Đời tui nếu được học chắc đã khá hơn, có thể đi đây đi đó. Rứa nên đến đời con, dù cực đến mấy thì cũng ráng mà cho con tới trường. Chồng ốm đau không đi biển được thì tui bám nghề nước mắm, ruốc. Khi mô cực quá thì chạy ù ra biển, hóng làn gió mát cho nguôi cái tủi thân rồi lại trở về tiếp tục gồng gánh nuôi con!”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)