Vừa qua, nghệ sĩ Bá Hân, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cộng tác viên Tạp chí Nghề Báo đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH một thành viên TMDV hình ảnh Bá Hân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng kêu cứu vì tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền.
Theo đơn của nghệ sĩ Bá Hân, một tác phẩm nhiếp ảnh khá nổi tiếng của anh đã bị Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm kem đánh răng PS trong chương trình “Sống xanh” với chủ đề “Nâng cao sức khỏe răng miệng” được phát sóng rộng rãi trên sóng truyền hình. Chưa kể, video clip này cũng được phát trên internet (YouTube) với chủ đề “Tác hại của việc chăm sóc răng miệng không đúng cách” (từ ngày 27-5-2013 đến khi bị phát hiện).
Nghệ sĩ Bá Hân bức xúc, việc Công ty Unilever sử dụng tác phẩm của anh mà không hề gặp gỡ hay có ý định trao đổi về vấn đề bản quyền của tác phẩm. Chưa kể, tác phẩm của anh nguyên bản có tên là “Nón mới” thì trong chương trình của Unilever lại được đổi tên thành “Nụ cười”.
Phản hồi về vụ việc này, bà Đinh Hồng Vân, đại diện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã thừa nhận, chương trình của Unilever có sử dụng tác phẩm ảnh của ông Bá Hân. Tấm ảnh này được cung cấp bởi một đối tác của Unilever. Do tin tưởng ở đối tác nên đã sử dụng tấm ảnh mà sơ suất không kiểm tra về bản quyền…
Vụ việc trên tưởng là nhỏ, nhưng để lại hậu quả lớn, bởi tác phẩm nhiếp ảnh trên nằm trong danh sách các tác phẩm có quyền sử dụng lâu dài mà Công ty Bá Hân chuẩn bị ký hợp đồng với một đối tác (đã ký hợp đồng Nguyên tắc số 09/BH-HALO/HDNT-6/13 ngày 10-6-2013 giữa hai bên, với giá trị hợp đồng lên tới hàng tỷ đồng). Giờ đây, với vụ vi phạm bản quyền của Unilever, hợp đồng này có nguy cơ bị phá vỡ.
Không chỉ có trường hợp của nghệ sĩ Bá Hân, hiện nay các vụ việc vi phạm về bản quyền ngày càng gia tăng và phức tạp, nhất là khi công nghệ thông tin và Internet đang ngày càng phát triển.
Thực tế cho thấy, không chỉ các cá nhân, đơn vị trong nước mà ngay cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng có nhiều vi phạm. Đã có những doanh nghiệp nước ngoài tự ý lấy chương trình đã ký kết sử dụng với cơ quan truyền hình, sao chép và biên tập lại, sau đó cho quảng bá cùng thương hiệu của mình trên Internet và các trang web không thu phí.
Một số trường hợp vi phạm bản quyền cũng tìm cách luồn lách, họ thường tung lên Internet trước, vừa có hiệu ứng cộng đồng cao, lại khó bị phát hiện. Trường hợp của nghệ sĩ Bá Hân, chương trình của Unilever được quảng bá trên Internet từ tháng 3-2013, bản thân tác giả cũng không biết. Thấy không có ý kiến phản hồi, nên tháng 9-2013, chương trình này tiếp tục phát sóng công khai trên truyền hình.
rong xu thế hội nhập và phát triển, việc bảo vệ, tôn trọng bản quyền – “tài sản trí tuệ” – và xử lý nghiêm các vi phạm quyền tác giả, tuyên truyền nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và luật bản quyền trong xã hội là một việc làm bức thiết. Từ tháng 10-2013, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và các quyền liên quan đã có hiệu lực. Nhưng từ văn bản pháp luật đến việc thực thi trong thực tiễn đời sống vẫn còn nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.
Theo SGGP
Bình luận (0)