Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian vừa qua, công tác lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ đã được tiến hành theo kế hoạch và tiến độ đề ra trong Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 1 từ đầu năm đến hết quý II/2008). Đã thực hiện rà soát, thống kê, giải tỏa dứt điểm các vi phạm hành lang ATGT và các công trình lều lán, quán bán hàng, biển hiệu, biển quảng cáo ảnh hưởng đến ATGT. Thực hiện thí điểm 4 đoạn tuyến dọc QL1A: Hà Nội – Ninh Bình, Vinh – Huế, Đà Nẵng – Nha Trang, Ninh Thuận – TP.HCM. Công tác tuyên truyền được cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương xem là một giải pháp quan trọng nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của việc giữ gìn sự an toàn hành lang ATGT.
Các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phát hành 20.000 cuốn tài liệu đến UBND các cấp và các đơn vị quản lý đường bộ, nhằm giúp các đơn vị nắm bắt được các quy định của pháp luật về hành lang ATGT và kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT theo Quyết định 1856/QĐ-TTg, tuyên truyền đến từng người dân. Cục Đường bộ Việt Nam, các khu quản lý đường bộ và các công ty quản lý sự cố đường bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tháo dỡ những công trình vi phạm trong phạm vi 5-7 m thuộc hành lang ATGT. Qua khảo sát và thống kê của các cơ quan chức năng, hiện tại có gần 8 triệu m2 đất thuộc hành lang ATGT với 77.500 trường hợp vi phạm trong 4 đoạn tuyến QL1A thí điểm, trong đó gần nửa triệu m2 thuộc diện phải giải tỏa ở giai đoạn 1 này. Thực tế cho thấy, việc xác định mốc giới để cắm cọc mốc, kí biên bản ghi thật không đơn giản vì gần 15 năm qua, dải hành lang đường bộ đã có rất nhiều thay đổi. Hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng hầu như không còn. Phần hành lang 5-7 m cũng bị lấn chiếm. Địa hình có rất nhiều thay đổi, nhiều kênh mương đã trở thành nhà kiên cố, nhiều cánh đồng đã trở thành khu dân cư, khu công nghiệp. Cán bộ cũ đã nghỉ nhiều, địa hình cũng thay đổi. Chỉ còn duy nhất hồ sơ giải phóng mặt bằng được lưu tại Ban quản lý dự án QL1. Phải khôi phục lại từng vị trí cọc mốc, xác định lại từng trường hợp, ở trong hay ngoài mốc giới, đã được nhận đền bù hay chưa. Những công việc này được hoàn thành đúng yêu cầu đề ra là do có sự chủ động và sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương các cấp trong suốt thời gian qua.
Kết quả của công tác lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ lần này, thông qua tuyên truyền, thuyết phục, vận động, có 2.825 trường hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện tháo dỡ gần 109.000 m2 diện tích các công trình vi phạm, bao gồm nhà cấp 4, nhà tạm, tường rào, lều quán… Sau thời gian vận động người dân tự tháo dỡ phần vi phạm thì chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ đồng loạt tiến hành cưỡng chế giải tỏa những vi phạm hành lang ATGT trên 4 đoạn quốc lộ 1A (từ ngày 2-6 đến hết ngày 30-6). Những công trình nằm trong phạm vi từ 5 – 7 m hành lang ATGT đã được nhận đền bù cả đất, công trình và hoa màu khi cải tạo QL1A trước đây thuộc diện cưỡng chế giải tỏa lần này. Theo Cục đường bộ Việt Nam, đến 20-6-2008 đã có gần 7.000 trường hợp bị cưỡng chế với trên 66.000 m2 diện tích vi phạm hành lang ATGT bị giải tỏa. Như vậy, phần diện tích vi phạm hành lang ATGT nằm trong kế hoạch phải giải tỏa giai đoạn 1 này vẫn còn khá lớn.
Ngọc Mai
Bình luận (0)