Mức ảnh hưởng tài chính đối với ngành công nghiệp phần mềm đã tăng 30% so với năm 2007, trong khi tỷ lệ vi phạm vẫn xấp xỉ các năm.
Theo báo cáo của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC) công bố hôm 15/5, tỷ lệ vi phạm phần mềm ở Việt Nam năm 2008 vẫn đứng ở mức 85% (bằng 2007, ít hơn 3% so với năm 2006).
Ông Đào Anh Tuấn, đại diện BSA tại VN, nhận định rằng chính việc tăng gấp đôi số máy tính cá nhân mới bán cho người tiêu dùng và những doanh nghiệp nhỏ đã làm tăng vi phạm bản quyền phần mềm.
"VN đã thành công trong việc làm giảm tỷ lệ vi phạm phần mềm tại khối doanh nghiệp nhưng sự tăng trưởng mạnh của thị trường dành cho người tiêu dùng lại kích tăng vi phạm", ông Tuấn lý giải. Theo lãnh đạo các công ty phần mềm VN, việc vi phạm bản quyền đang gây thiệt hại và thất thoát rất lớn cho ngành công nghiệp phần mềm.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Bkis nêu ví dụ về chính công ty của mình: "Nếu chỉ 20% trong khoảng 5 triệu người sử dụng phần mềm chống virus của Bkis trả phí bản quyền với mức 20 USD cho một phần mềm, thì hàng năm chúng tôi đã có thể thu thêm 20 triệu USD".
Tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tràn lan không chỉ ở VN mà cả các nước trong khu vực. Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của BSA, ông Jeffrey J. Hardee cho biết, tỷ lệ trung bình của nạn vi phạm phần mềm ở Châu Á Thái Bình Dương đã tăng lên mức 61%, so với 59% của năm 2007, với tổng số thất thoát lên tới 15 tỷ USD. Tổng số thất thoát từ việc vi phạm bản quyền phần mềm máy tính cá nhân trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 50 tỷ USD, thất thoát trên toàn thế giới tăng 11% lên 53 tỷ USD.
Việc mở rộng khả năng truy cập Internet làm tăng cung ứng các phần mềm lậu. Dự báo của BSA, trong vòng 5 năm tới, 460 triệu người ở những quốc gia mới nổi sẽ được kết nối mạng. Hiện, các nước có tỷ lệ vi phạm thấp nhất là Mỹ, Nhật, New Zealand và Lucxembua, đều ở mức gần 20%. Các nước có tỷ lệ vi phạm cao nhất là Armenia, Bangladesh, Gruzia và Zimbabuwe, trên 90%.
Kiên Cường (Theo VNE)
Bình luận (0)