Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá hàng hóa và bình ổn thị trường đã được các cơ quan chức năng tại TPHCM triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng vi phạm về giá vẫn diễn biến khá phức tạp.
Thách giá, không niêm yết giá…
Tại khu vực giày dép chợ Bến Thành, hàng hóa được bày bán la liệt nhưng tìm mỏi mắt người mua mới phát hiện ra một vài sản phẩm được niêm yết giá. Điều đáng lưu ý, tình trạng nói thách vẫn diễn ra khá phổ biến tại ngành hàng này. Chẳng hạn, một đôi guốc gỗ, giá bán khoảng 60.000-80.000, nhưng người bán thường thách lên 100.000 – 120.000. Người rành về giá có thể trả một lúc tới 2 -3 giá nhưng nhiều lúc vẫn bị mua “hớ”.
Quần áo bán tại chợ An Đông thường không niêm yết giá. Ảnh: THANH TÂM
Nhiều lần đến chợ, chúng tôi chứng kiến người bán “ném” những cái nhìn thiếu thiện cảm, hoặc vài 3 câu chửi bới rất mất lịch sự khi người mua trả chưa tới giá! Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người rất ngại đến chợ để mua sắm, dẫn đến sức mua ngày càng giảm.
Một cán bộ quản lý chợ Bến Thành thừa nhận, chợ hiện có 1.470 sạp, trong đó 70% hàng hóa đã được niêm yết. Mặc dù tình trạng nói thách đã được cải thiện nhiều so với trước, song vẫn còn tồn tại.
Tại chợ An Đông, do tính chất chủ yếu là bán sỉ nên số lượng các sạp hàng nói thách ít, hoặc có mức giá thách cũng chỉ đắt hơn từ 5%-10%. Do diện tích sạp hàng có hạn nên việc niêm yết giá cũng còn nhiều hạn chế.
Không riêng các chợ, tại hầu hết cửa hàng tạp hóa, người mua cũng khó tìm thấy những sản phẩm được niêm yết giá. Thay vào đó, người bán nói giá bao nhiêu, người mua phải trả bấy nhiêu. Ngay cả với những mặt hàng có giá lên tới vài trăm ngàn (như sữa bột ngoại nhập, hóa mỹ phẩm, quần áo,…) cũng tuyệt nhiên không được niêm yết giá.
Thiếu biện pháp chế tài
Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2011, ngành này đã lập biên bản 674 cửa hàng vi phạm trong lĩnh vực giá (tăng 445 vụ so với cùng kỳ năm trước), đã xử phạt hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó có 580 vụ không niêm yết giá, 38 vụ niêm yết giá không đúng quy định… Riêng trong quý 3-2011, QLTT TP lập biên bản 320 cửa hàng kinh doanh vi phạm về giá.
Những con số này cho thấy, mức độ vi phạm về giá so với cùng kỳ không những không giảm mà còn tăng. Ngành chức năng càng kiểm tra càng phát hiện sai phạm.
Một quan chức của ngành QLTT cho biết, mặc dù ngành đã xác định việc kiểm tra, giám sát thực hiện về giá trên địa bàn là công tác trọng điểm, nhưng do lực lượng kiểm tra còn mỏng, mức xử phạt vi phạm theo quy định hiện nay còn quá nhẹ. Nói cách khác, chúng ta còn thiếu những biện pháp chế tài hữu hiệu trong lĩnh vực quản lý giá, đặc biệt mức chế tài cho các hành vi tăng nặng cũng chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, tại điều 14 (Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá) hành vi không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với trường hợp doanh nghiệp tự niêm yết giá; phạt 200.000-500.000 đồng đối với trường hợp do Nhà nước định giá. Đối với hành vi liên kết độc quyền về giá (điều 15), phạt tiền thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất 20 triệu đồng. Hành vi đầu cơ tăng giá, ép giá (điều 16) bị phạt từ 3-10 triệu đồng. Bịa đặt, loan tin không có căn cứ về việc tăng giá hoặc hạ giá, mức phạt cũng chỉ từ 3-10 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức chế tài không đủ mạnh nên không triệt tiêu được các hành vi vi phạm. Để công tác quản lý giá đạt hiệu quả, lập lại trật tự về giá, các điều luật cần được quy định rõ ràng, các khung xử phạt vi phạm phải đủ nặng, cần thiết rút giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã đến lúc các sở, ngành chức năng cần thành lập các đường dây nóng để người dân thông báo kịp thời những địa điểm thách giá, hoặc không niêm yết giá. Cần tuyên dương, khen thưởng cho những thông tin có giá trị để khuyến khích người dân tham gia ngày càng tích cực hơn vào công tác giám sát giá hàng hóa trên địa bàn TP.
Thúy Hải / SGGP
Bình luận (0)