Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Vì sao Apple và nhiều ông lớn công nghệ “tính cửa” làm mới chuỗi sản xuất?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tình trạng mất điện trên diện rộng tại Trung Quốc đang thúc đẩy Apple, Amazon và nhiều ông lớn công nghệ khác chuyển hoạt động sản xuất của họ khỏi quốc gia này.
Tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Trung Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, tình trạng mất điện đang dần trở thành điều "bình thường mới".
"Những thông báo mất điện đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 6. Tuy nhiên, tình trạng này đã xảy ra một cách thường xuyên kể từ giữa tháng 9. Bây giờ, mỗi tuần chúng tôi đều nhận được thông báo về lịch cắt điện trong tuần tiếp theo", một quản lý của nhà máy chia sẻ với Nikkei Asia.
Tình trạng mất điện kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính liên tục của chuỗi cung ứng.
500 nhân viên của công ty có nhiệm vụ sản xuất bộ phận thu nhận Bluetooth, tai nghe và các loại phụ kiện điện tử khác cho hàng loạt thương hiệu lớn như Harman Kardon và Edifier. Với tình trạng điện chỉ được cung cấp 2 ngày/tuần, họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào các máy phát điện để duy trì hoạt động.
"Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, một lượng lớn hàng sẽ bị chậm sản xuất. Chúng tôi cũng đang cân nhắc về việc thuê hoặc xây dựng một nhà máy mới ở nước ngoài", vị quản lý cho biết thêm.
Nhiều nhà sản xuất ở các thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông cho biết họ đã phải đối mặt với nhiều hàng loạt mức hạn chế sử dụng năng lượng khác nhau do chính quyền địa phương muốn giảm mức tiêu thụ điện.
Các đơn vị cung ứng của Apple cũng đưa ra cảnh báo rằng tình trạng cắt điện kéo dài có nguy cơ đe dọa đến tính liên tục trong chuỗi cung ứng của hãng. Giờ đây, mối quan tâm hàng đầu là sự gián đoạn này sẽ tồn tại trong bao lâu.
"Theo những thông tin mà chúng tôi biết được, tình hình trên có thể kéo dài đến cuối năm nay hoặc thậm chí lâu hơn", giám đốc cấp cao của một nhà cung ứng loa ở Đông Quan cho biết. Vị này cũng nói thêm rằng công ty của họ bị hạn chế sử dụng điện 3 ngày/tuần. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất hàng cho các đối tác như Amazon, Lenovo và nhiều công ty khác.
"Sự bất tiện này sẽ khiến cho chuỗi cung ứng không thể chịu nổi. Chúng tôi đang đánh giá lại kế hoạch về việc mở nhà máy ở Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan", vị giám đốc nói.
Edward Yang, Chủ tịch của Goodway Machine Tools Group, đơn vị cung ứng cho Toyota, Ford và Samsung, cho rằng việc thiếu hụt năng lượng sẽ gây ra nhiều tác động trong thời gian tới.
"Các công ty hoạt động tại Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với giá điện cao hơn nhiều trong tương lai. Điều đó sẽ thúc đẩy một làn sóng thay đổi cơ cấu ngành trong việc đa dạng hóa nguồn cung để giảm thiểu rủi ro", Edward Yang nhận định.
Tính liên tục của chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt điện. Một nhà sản xuất máy chủ cung ứng cho Amazon, Facebook và Microsoft có trụ sở tại thành phố Côn Sơn, Trung Quốc cho biết họ đang phải dựa vào các thành phần linh kiện dự trữ để duy trì hoạt động sản xuất, sau khi hàng loạt nhà máy chịu ảnh hưởng từ việc cắt điện.
Nhiều đơn vị cung ứng của Apple cũng vừa đưa ra báo cáo rằng hoạt động của họ đang bị gián đoạn nghiêm trọng.
"Chúng tôi đang tận dụng lượng hàng dự trữ để sản xuất các lô hàng ngay lúc này. Chúng tôi cũng đang cố gắng thúc đẩy kế hoạch mở rộng tại Đài Loan sớm nhất có thể. Tình hình hiện tại đang đe dọa tính liên tục của chuỗi cung ứng", giám đốc cấp cao của công ty chia sẻ.
Trao đổi với Nikkei Asia, quản lý cấp cao tại một đơn vị cung ứng của Apple cho biết tình hình đang rất hỗn loạn.
Karen Ma, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp có trụ sở tại Tân Trúc, hy vọng rằng các công ty sẽ bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung và dần tách khỏi Trung Quốc.
"Trước đây, chỉ có các công ty đa quốc gia mới tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Nhưng với tình hình hiện tại, ngay cả các đơn vị hoạt động trong chuỗi cung ứng cũng nên di chuyển một phần nhà máy của họ. Các khách hàng như Apple, Google, HP hay Dell muốn có một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn bên ngoài Trung Quốc", Karen Ma nhận định.
PV (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)