Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng 27,1% so với đầu năm. Tuy nhiên Chính phủ tuyên bố vẫn tiếp tục bình ổn qua Quỹ bình ổn xăng dầu chứ không bỏ quỹ này.
Chính phủ không muốn từ bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh:TL
“Liên bộ Công thương -Tài chính điều hành giá xăng dầu tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6-46,2%) thông qua sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu”, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác điều hành giá xăng dầu từ đầu năm đến nay khẳng định.
Theo phân tích của Chính phủ, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu sau kỳ điều hành giá 2-5 tăng từ 17,2% đến 27,1% so với đầu năm 2019. Trải qua 9 kỳ điều hành giá (không tính đến kỳ điều hành giảm giá 17-5, với mức giảm cao nhất gần 600 đồng/lít xăng khoáng RON 95-NV) thì có 4 lần điều chỉnh tăng, 1 lần điều chỉnh giảm và 4 lần giữ bình ổn giá. Mức giảm tổng cộng 515 đồng/lít so với mức tăng 4 lần tổng cộng 4416 đồng/lít .
Tóm lại, theo Bộ Công Thương – nơi chấp bút bản báo cáo nói trên của Chính phủ thì, tổng cộng sau 9 lần tăng giá, xăng dầu bình quân tăng khoảng 17,2% đến 27,1% so với đầu năm. Báo cáo này khẳng định mức tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6% đến 45,2%) nhờ dùng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết.
Đó cũng là lý do mà Chính phủ đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bất chấp Hiệp hội xăng dầu Việt Nam có đề xuất xem xét bỏ quỹ này từ hồi tháng 3 vừa qua.
Lý do mà hiệp hội đưa ra là việc trích lập quỹ 300 đồng/lít xăng dầu “đánh” vào người tiêu dùng theo quy định tại Nghị định 83/CP đang khiến người tiêu dùng bị thiệt hơn là được lợi vì phải ứng trước cho quỹ trả sau. Hiệp hội cũng cho rằng việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường, trong khi kinh doanh xăng dầu hiện hoạt động theo cơ chế thị trường. Bỏ quỹ sẽ minh bạch hơn.
Song, lý giải với Quốc hội, Chính phủ cho rằng xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Kèm theo đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật giá 2013. Do vậy, dù xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước. Và quỹ bình ổn nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước nên bỏ đi sẽ không còn công cụ điều tiết giá.
Cách đây 5 năm, tại diễn đàn Quốc hội, đã có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quỹ này vì được hình thành không trên cơ sở luật định nào cả. Tuy nhiên, đến nay quỹ này vẫn tồn tại. Và thậm chí Bộ Công Thương đã đề xuất lập thêm quỹ bình ổn giá điện nhưng bị bác bỏ.
Theo Lan Nhi/TBKTSG
Bình luận (0)