Nhận xét về Thông tư 30 sau 2 năm học triển khai đại trà, ý kiến của các nhà khoa học đánh giá cao về mặt chủ trương nhưng đề nghị phải đảm bảo các điều kiện đi kèm, trong đó chương trình phải thay đổi.
Ngày 20.5, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức diễn đàn khoa học đánh giá lại việc thực hiện Thông tư (TT) 30 về bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh (HS) tiểu học. Hầu hết các ý kiến tại diễn đàn đều đồng tình về mặt chủ trương, cho là tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện trên cả nước rất khó khăn, người phản ứng nhất là giáo viên (GV).
HƠn 95% giáo viên kêu vất vả hơn
|
PGS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục VN, cung cấp kết quả khảo sát do hội này thực hiện mới đây, theo đó có 90% số GV tham gia khảo sát hiểu và nắm được bản chất của TT 30; 95,2% GV cho biết cách đánh giá mới khiến họ vất vả nhiều hơn so với trước đây, biểu hiện là mất thời gian để ghi nhận xét cho từng HS vào cuối kỳ học, năm học.
Các trường, lớp học ở các nước dưới 25 HS/lớp, nhưng một GV của ta thì quản lý sĩ số gấp đôi, có GV thể dục, nhạc – họa dạy tới 16 – 17 lớp nên rất vất vả trong quá trình thực hiện. Nhiều nơi chỉ thực hiện mang tính hình thức và đối phó, gây hiệu quả ngược với chủ trương của TT 30. Các trường mất phương hướng khi không còn điểm, không còn danh hiệu HS giỏi, tiên tiến…
Bà Lê Đoan Trang, Phó hiệu trưởng Trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội), nêu thực tế: GV nhiều năm trong nghề thì thay đổi chậm, GV trẻ tiếp cận rất tích cực nhưng một thời gian lại có biểu hiện lười, thực hiện kiểu đối phó. Phụ huynh cũng có người vui vì con không bị áp lực về điểm số; ngược lại cũng không ít người cảm thấy lo lắng, thậm chí “sốc toàn tập” khi con mình đi học không có điểm và vì thế không có động lực học tập nữa…
Bà Đoan Trang đồng thuận với cách làm của TT 30 nhưng đề nghị phải tạo được môi trường sư phạm và phải xây dựng được cách ứng xử của GV. Cũng theo bà Trang, phải có lộ trình thực hiện, phải có tính liên thông trong hệ thống giáo dục về cách thức đánh giá.
Phải tính đến điều kiện thực tiễn
GS Nguyễn Hữu Tăng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) nêu ra một loạt điều kiện tác động trực tiếp tới hiệu quả trong quá trình triển khai như điều kiện để thực hiện, năng lực GV. Ngoài ra, còn đời sống GV, mối quan hệ gia đình – nhà trường và xã hội còn lỏng lẻo, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa đủ. “Tôi ủng hộ tiếp cận cái mới, tuy nhiên không thể bỏ qua điều kiện thực tiễn được”, GS Hữu Tăng nói.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo T.Ư), cho biết đã đến rất nhiều trường, cả trường “điểm”, trường ở vùng nông thôn… nhưng chất lượng đánh giá không phụ thuộc vào việc trường đó có phải trường “điểm” hay không mà là nhận thức của GV. Nếu hiểu và được tập huấn tốt thì họ không kêu ca, phàn nàn nhiều. Cán bộ quản lý ở từng trường, từng địa phương nếu không hiểu thì ép GV làm theo cách của họ, chứ không phải theo đúng tinh thần của TT 30, dẫn đến làm khổ GV.
Cần gắn với thay đổi chương trình
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng TT 30 ý tưởng rất nhân văn trên văn bản nhưng thực hiện lại chưa được như vậy.
Theo ông Tiến, nếu khảo sát tổng thể hơn vì sao TT 30 khó đi vào cuộc sống như vậy thì chắc câu trả lời là sự thiếu sự đồng bộ trong chính sách. “Đổi mới đánh giá phải gắn với đổi mới chương trình giáo dục, chuyển từ tiếp cận kiến thức sang tiếp cận năng lực thì mới đổi mới đánh giá được”, ông Tiến nói.
Đây cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia tại diễn đàn chia sẻ. Một ý kiến đề xuất: Nên xây dựng lại chương trình tiểu học cho phù hợp với cách đánh giá của TT 30 để thực hiện có hiệu quả hơn, chứ không nên bỏ cách thức đánh giá này; kèm theo đó là phải cơ cấu lại sĩ số HS/lớp và chỉ áp dụng phương thức đánh giá này với những lớp không quá 30 HS.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)