Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vì sao Bộ GD-ĐT đề xuất chưa tăng học phí, trường vẫn tăng?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ GD-ĐT có kiến nghị chưa áp dụng mức học phí mới cho năm học 2022 – 2023 nhưng nhiều trường ĐH vẫn dự kiến tăng mạnh so với năm trước đó.

Đặc biệt nhóm các trường tự chủ hoàn toàn, học phí (HP) dự kiến tăng thêm hàng chục triệu đồng. Vì sao các trường có thông báo như vậy?

Học phí tăng thêm hàng chục triệu đồng

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết đối với HP năm học 2022 – 2023. Trong đó, với giáo dục ĐH công lập, bộ kiến nghị lùi khung HP quy định tại Nghị định 81 (Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo) thêm một năm.

Theo kiến nghị này, năm học tới mức HP của trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên chỉ tăng tối đa 15% so với năm học 2021 – 2022 (thấp hơn mức tăng theo Nghị định 81 là 25%). Đối với trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức trần HP tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81). Đối với trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần HP tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Vì sao Bộ GD-ĐT đề xuất chưa tăng học phí, trường vẫn tăng? - ảnh 1

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường ĐH tại TP.HCM năm nay. ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhưng đến thời điểm này, trong đề án tuyển sinh năm 2022 nhiều trường công bố lộ trình tăng mạnh HP dự kiến cho sinh viên (SV) nhập học năm học 2022 – 2023 so với năm học trước đó.

Theo thông tin Trường ĐH Luật TP.HCM công bố, HP áp dụng năm đầu tiên cho SV khóa tuyển sinh 2022 chương trình đại trà từ 31 – 39 triệu đồng/năm học, tùy ngành. HP chương trình chất lượng cao từ 62,5 – 74 triệu đồng/năm, đặc biệt chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh lên tới 165 triệu đồng/năm. Nếu theo đúng lộ trình dự kiến này, SV chương trình đại trà sẽ đóng 44,7 – 62 triệu đồng tùy ngành cho năm học cuối cùng. Chương trình chất lượng cao, HP dao động từ 89,5 đến gần 220 triệu đồng năm thứ tư. Như vậy, nếu so với năm học trước đó, ngành đại trà có HP tăng cao nhất lên đến trên 13 triệu đồng và chương trình chất lượng cao tăng hơn 24,6 triệu đồng.

Trong đề án tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đưa lộ trình HP với SV trúng tuyển khóa mới. Cụ thể, HP chương trình chuẩn năm học 2022 – 2023 với SV mới khoảng 26,5 triệu đồng/năm (830.000 đồng/tín chỉ). Như vậy, so với HP của năm học trước đó ở mức 20,5 triệu đồng/năm thì HP chương trình chuẩn SV khóa mới tăng thêm 5 triệu đồng. HP đối với các khóa học tuyển sinh trước 2022 giữ nguyên mức từ năm 2020 (20,5 triệu/năm).

Đề xuất của bộ chưa có văn bản chính thức

Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đề xuất của Bộ đến nay chưa có văn bản chính thức. Theo kiến nghị của Bộ, cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần HP tối đa hệ số 2,5 lần. Cụ thể, mức HP tối đa sẽ là 28,175 triệu đồng/năm (khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật) và 33,637 triệu đồng/năm (khối ngành toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y). “Như vậy mức HP năm 2022 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn thấp hơn so với mức tối đa theo quy định của Bộ”, ông Hùng nói.

Tương tự, PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết mức HP trường công bố được xác định căn cứ vào Nghị định 81 của Chính phủ, áp dụng cho trường tự chủ hoàn toàn. Theo ông Hải, hiện Bộ GD-ĐT mới chỉ có kiến nghị với Chính phủ về việc lùi áp dụng khung HP theo Nghị định 81 thêm một năm. Tuy nhiên đó mới chỉ là kiến nghị của Bộ và chưa có thông báo chính thức nào về việc này. Do đó, trường công bố mức HP mới theo theo đúng lộ trình 4 năm để người học có thông tin tham khảo khi chọn ngành. “Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thông báo chính thức yêu cầu các trường áp dụng mức HP khác với Nghị định 81, trường sẽ có thông báo chính thức tới người học”, ông Hải nói.

Lý giải thêm về mức HP tăng mạnh so với năm học trước đó, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho hay mức HP năm học 2022 – 2023 trường công bố được xác định theo Nghị định 81 dành cho các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Sở dĩ HP năm học tới tăng mạnh so với năm trước vì năm học 2021 – 2022 không tăng, giữ nguyên mức năm học 2020 – 2021 để chia sẻ khó khăn với người học do dịch Covid-19. Nhưng theo nghị định của Chính phủ, HP bậc ĐH tăng mỗi năm theo lộ trình khoảng trên 10%. Theo đúng lộ trình, HP của năm học 2022 – 2023 được tính dựa trên mức thu của năm học 2021 – 2022 mà đáng ra đã được áp dụng trong năm ngoái.

Năm học tới Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng tăng mạnh HP khi chuyển sang tự chủ. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng, trường không tăng HP kịch trần theo Nghị định 81 cho phép. Do vậy, mức HP của trường dao động từ 16 – 24 triệu đồng/năm, trong đó nhiều ngành thấp hơn mức trần quy định.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)