Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vì sao các cuộc thi không phép cứ ngang nhiên diễn ra?

Tạp Chí Giáo Dục

Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM cho biết sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm cuộc thi Miss International – Queen Vietnam Đại sứ Hoàn mỹ vừa tổ chức đêm chung kết tối 8/4, tại TPHCM. Cuộc thi này chưa được Sở VH-TT TPHCM cấp phép, nhưng vẫn tổ chức, nối dài danh sách những sự kiện tổ chức không phép thời gian qua.

Đêm nhạc có sự tham gia của ca sĩ Jimmii Nguyễn tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp (TP Hải Phòng) ngày 7/4 cũng bị dừng giữa chừng vì chưa được cấp phép. Ông Nguyễn Bá Việt Phương – Chánh văn phòng Sở VH-TT TP Hải Phòng – cho biết, UBND quận Ngô Quyền đang làm rõ vi phạm của cá nhân, tổ chức trong vụ việc này để xử phạt.

Cuối tháng Hai, buổi công bố tốp 20 của cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ cũng bị hủy giữa chừng do không được cấp phép. Chỉ vài ngày sau đó, sự kiện công bố cuộc thi Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2023 cũng sai phạm tương tự. Trước đó, Ban tổ chức (BTC) Miss Peace Vietnam đã tổ chức thi, tuyển chọn người đẹp tại TPHCM dù không được cấp phép. Cũng chưa được cấp phép, BTC Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam vẫn ngang nhiên tổ chức sự kiện công bố, giới thiệu cuộc thi.

-Hình 1: Cuộc thi Miss International Queen VietNam Đại sứ Hoàn mỷ 2023 không được Sở VH-TT TPHCM cấp phép (ảnh: Fanpage Miss International Queen VietNam)

Cuộc thi Miss International Queen VietNam Đại sứ Hoàn mỹ 2023 không được Sở VH-TT TPHCM cấp phép. Ảnh: Fanpage Miss International Queen VietNam

Một số đơn vị nói mình không nắm rõ luật, nhưng thực chất là cố tình “lách luật”. Điển hình như nhiều sự kiện được tổ chức với hình thức họp báo, theo quy định phải xin phép Sở Thông tin và Truyền thông nhưng cố tình “lách” thành buổi gặp mặt thân mật, gặp mặt trao đổi thông tin… BTC đề nghị khách mời, đơn vị truyền thông, báo chí không chia sẻ thư mời, thông tin sự kiện lên mạng xã hội hoặc không dùng từ “họp báo” để nói về sự kiện. Cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ cũng “né” đi những tên gọi danh hiệu ứng với các cuộc thi sắc đẹp thông thường, mà chỉ gọi là người chiến thắng hoặc dùng các cụm từ tiếng Anh để gọi.

BTC Miss Peace Vietnam chỉ bị phạt 55 triệu đồng với sai phạm trên. Trong khi đó, với quy mô cuộc thi nhan sắc thông thường, kinh phí tổ chức lên đến hàng chục tỉ đồng và mối lợi thu được của BTC là không hề nhỏ.

Theo quy định tại điều 11, Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo thì việc không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng và không bán vé thì cá nhân bị phạt từ 10-15 triệu đồng, mức phạt với tổ chức là gấp đôi.

Nhẩm tính với 500 khách trong đêm nhạc có sự tham gia của Jimmii Nguyễn, mức phụ thu từ 290.000 đồng đến 1,2 triệu đồng thì số tiền đơn vị tổ chức thu được sẽ lớn hơn rất nhiều so với mức phạt theo luật. Chưa kể, có những sự kiện mà BTC bị buộc dừng hoặc chủ động dừng thì chỉ bị nhắc nhở chứ không xử lý vi phạm hành chính.

Đại sứ Hoàn mỹ từng bị dừng sự kiện công bố tốp 20, sau đó cuộc thi vẫn tiếp tục diễn ra (thông qua các tập phát sóng trên YouTube). Thông tin về đêm chung kết cuộc thi được chia sẻ công khai trên nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Nhưng mãi đến sau khi đêm chung kết diễn ra, cơ quan quản lý văn hóa mới vào cuộc.

Mức phạt chưa đủ răn đe cộng với việc giơ cao đánh khẽ phải chăng chính là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị xem thường và cứ ngang nhiên vi phạm? Thực tế đang cho thấy rất cần sự nghiêm khắc hơn trong các quy định pháp luật, sự kiên quyết trong quản lý của cơ quan chức năng mới hy vọng tạo ra được sự chuyển biến. 

Theo Trung Sơn/PNO

 

Bình luận (0)