Trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học cả công và tư đều đưa ra nhiều cách tuyển sinh mới thu hút thí sinh.
Tham gia tư vấn cho thí sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi, một cách các trường tiếp xúc với thí sinh. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Mở rộng nguồn tuyển
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay các trường đều có cách tuyển sinh riêng, đặc biệt là các trường lớn, để không hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia.
“Một nguyên do khác là thật ra nguồn tuyển cũng cạn rồi, cho nên bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia là nguồn tạm tin cậy nhất hiện nay, các trường cần tìm thêm nguồn khác với các phương thức xét tuyển nhiều hơn và mở rộng hơn: kỳ thi đánh giá năng lực, học bạ… Thậm chí, nếu để ý kỹ, đã có một số trường công lập lớn xét học sinh giỏi. Đây là một dạng xét theo điểm học bạ. Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có trên 20 trường dựa trên kết quả này để xét tuyển, hoặc có một số trường tổ chức kỳ thi cho riêng mình. Đó là một cách mở rộng nguồn tuyển khác nhưng các trường phải làm, vì tổ chức một kỳ thi rất công phu, tốn kém, không đơn giản”, tiến sĩ Nghĩa cho biết
Mở rộng nguồn tuyển là lý do rất quan trọng để các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh trong năm nay.
Đến nay, số lượng trường có kỳ thi đánh giá năng lực không còn gói gọn ở những cái tên quen thuộc như: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Việt – Đức hay Trường ĐH Luật TP.HCM mà đã có những “tân binh” như các trường ĐH: Quốc tế Hồng Bàng, Bà Rịa-Vũng Tàu…
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Mở rộng nguồn tuyển đúng là một lý do để trường tổ chức kỳ thi này. Một lý do khác là có khả năng trường sẽ tuyển được học sinh phù hợp cho mình”.
Cạnh tranh tuyển sinh công – tư
Là một người làm công việc tuyển sinh ở một trường ĐH công lập, nhưng thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và tổ chức sự kiện, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng thẳng thắn nhận xét tình hình năm nay cho thấy sự cạnh tranh trong giáo dục ĐH đang rất mạnh mẽ. Điều đó thể hiện qua việc các trường ĐH không phân biệt công tư đang tìm mọi cách thu hút thí sinh. Sự đầu tư cho công tác tư vấn tuyển sinh của các trường cao nhất từ trước đến nay. Các trường công cũng đang rất chịu khó đầu tư để tìm được thí sinh tốt nhất cho mình.
Trong bối cảnh này, các trường ĐH tư thục, vốn ít lợi thế hơn các trường công, càng phải tìm những cách mới để thu hút thí sinh. Vì vậy ngày càng có nhiều trường tư tự tổ chức thi, đổi mới cách xét tuyển, thay đổi cách tiếp cận thí sinh bằng việc ứng dụng công nghệ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn – tuyển sinh – truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định năm nay đối với chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp dành cho học sinh THPT, các trường ĐH tham gia có vẻ đông hơn. Các trường cũng đầu tư nhiều hơn cho mảng tương tác online thông qua việc đầu tư cho nội dung website, fanpage; có trường lập trình ứng dụng trắc nghiệm nghề nghiệp cho thí sinh…
Nhìn chung, năm nay ngành mới tập trung vào những lĩnh vực đang thu hút xã hội, có nhu cầu nhân lực cao như khoa học sức khỏe, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, an toàn thông tin, ngôn ngữ… Một số trường còn tuyển sinh các ngành theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 như công nghệ robot, robot và trí tuệ nhân tạo, kinh doanh số.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho rằng từ các năm gần đây đến nay, Bộ GD-ĐT cho các trường tự chủ nên các trường có thể xét tuyển bằng rất nhiều hình thức. Điều này mở rộng cho học sinh rất nhiều cơ hội vào các trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa. “Tuy nhiên, với tình hình như vậy, việc trúng tuyển vào ĐH quá dễ. Thực tế này buộc các trường phải khẳng định chất lượng của mình, gắn liền đào tạo với thực tế, trau dồi kỹ năng… Nếu thí sinh vào học dễ nhưng ra trường không có việc làm nhiều, có phản hồi không tốt từ đơn vị sử dụng lao động thì dần dần trường đó sẽ “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh này”, ông Cường nhận xét.
Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)