Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vì sao cắt giảm mạnh thuế xuất nhập khẩu, ngân sách vẫn thu vượt 71.000 tỷ đồng?

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện Bộ Tài chính ngày 8/1 cho biết: Số thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán chủ yếu nhờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế 6,81%.

Cụ thể: Trong cơ cấu thu NSNN năm 2017, thu từ thuế phí, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng cao nhất, tăng tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực FDI tăng hơn 20% so với năm ngoái; khu vực thuế thu nhập cá nhân tăng khoảng 22% so với năm 2016.
Số thu từ khu vực doanh nghiệp FDI tăng hơn 20% so với năm ngoái. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN.
Theo Bộ Tài chính, có được kết quả trên còn nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thuế có bước tiến rất quan trọng.

Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách đã tạo tiền đề, cơ sở pháp lý để ngành thuế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Qua thanh tra, kiểm tra thuế đã xử lý tăng thu trên 17.000 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 33.000 tỷ đồng.

Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, tính đến ngày 31/12/2017, số thu NSNN của ngành hải quan là 297.082 tỷ đồng, bằng 104,25% dự toán, bằng 100,7% chỉ tiêu phấn đấu mà Bộ Tài chính đặt ra. Để có được kết quả này, hải quan đã thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, giảm thời gian thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, chống nợ đọng, chống thất thu, tăng cường buôn lậu, thanh tra.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết: Kết quả thu ngân sách trên có ý nghĩa rất lớn bởi hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu đã và đang chịu tác động mạnh khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới và khu vực. Việc thực hiện 10 Hiệp định tạo thuận lợi thương mại đa phương và song phương như: Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệm vụ thu ngân sách của ngành do nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao theo lộ trình phải cắt giảm sâu thuế suất thuế nhập khẩu.

Theo ông Bùi Văn Nam- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tính tới cuối ngày 31/12, thu ngân sách do ngành thuế thực hiện đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, vượt dự toán Quốc hội giao khoảng 4-5%. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngành thuế thu vượt 1 triệu tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đã tăng cường công tác quản lý kê khai, kế toán thuế và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, không để việc hoàn thuế sai đối tượng, làm thất thu NSNN; quản lý chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát kê khai thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu kê khai không đủ thuế.

Một tin vui của ngành tài chính trong năm 2017 là bội chi đã được đảm bảo sau thời gian dài liên tục tăng. Nếu như các năm 2011 và 2012, bội chi ở mức 5,3% GDP thì năm 2013 đã lên đến 6,6%, năm 2014 là 6,33% GDP và 2015 là 6,28%. Những con số này đều cao hơn mức Quốc hội quyết định của cả giai đoạn là 4,5% GDP. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng này là nhu cầu ch thường xuyên tăng cao và nhu cầu tăng chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên đến năm 2017, bội chi đã đảm bảo được cả số tuyệt đối, không vượt 178.300 tỷ đồng và tương đối không quá 3,5% GDP.
Minh Phương/Báo Tin tức

 
 

 

Bình luận (0)