Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vì sao cây xanh trên địa bàn TP.HCM bật gốc ngày càng nhiều?

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 10-10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM, ông Vũ Ngọc Kỷ Văn – Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã thông tin về tình trạng cây xanh trên địa bàn bị bật gốc ngày càng nhiều.

Cây xanh trên địa bàn TP.HCM ngã đổ sau cơn mưa lớn

Tại buổi họp báo, ông Vũ Ngọc Kỷ Văn cho biết, vào lúc 18 giờ 30 ngày 7-10 vừa qua, tại địa chỉ 30 Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao, quận 1) cây sao đen mã số 108 bị ngã ra đường. Sự cố cây ngã nói trên làm bị thương 4 người (trong đó 3 người lớn và 1 trẻ em) đang lưu thông trên đường và làm hư hỏng 1 xe gắn máy.

Theo ông Văn, ngay sau khi sự cố xảy ra công ty đã có mặt tại hiện trường phối hợp đưa người bị nạn vào bệnh viện cấp cứu và thực hiện giải tỏa cây bị ngã. Qua kiểm tra, cây xanh trên đang sinh trưởng và phát triển bình thường, không biểu hiện khiếm khuyết. Thời điểm xảy ra sự cố có mưa to, giông gió lớn cục bộ, vị trí cây xanh nằm ngay giao lộ Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Đình Chiểu.

Nói về việc tình trạng cây xanh bật gốc ngày càng nhiều ở TP.HCM, ông Văn cho rằng trong những năm gần đây do diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu; triều cường gây ngập úng gia tăng; tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài hay các thay đổi khác về môi trường như suy giảm mực nước ngầm, gia tăng ô nhiễm…; mật độ xây dựng đô thị, nhất là những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều đã làm thay đổi hướng gió, gây nên hiệu ứng đường hầm.

Ngoài ra, các hành vi xâm hại đến hệ thống rễ cây xanh như đào đường, thi công các công trình ngầm… đã tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức chống chịu của cây xanh. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gãy nhánh, ngã đổ cây xanh ngày càng phổ biến trong thời gian qua.

Theo ông Văn, trước mùa mưa bão, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cũng đẩy mạnh công tác cắt tỉa cây xanh, đề xuất xử lý cây xanh có hư hại, khiếm khuyết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cây xanh gây ra thiệt hại về con người, phương tiện tham gia giao thông và các công trình công cộng khác. Công ty cũng khuyến cáo người dân khi trời có mưa to, giông gió lớn nên hạn chế lưu thông ngoài đường khi không cần thiết để đảm bảo an toàn.

Liên quan đến cây xanh trên địa bàn TP.HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (gọi tắt Trung tâm Hạ tầng) cho biết, việc cắt tỉa cành nhánh cây xanh và kiểm tra, đánh giá tình trạng cây xanh là công tác chăm sóc, bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật được đơn vị lập kế hoạch, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục hàng năm, nhằm duy trì an toàn cây xanh (hạn chế sự cố rơi gãy cành nhánh, ngã đổ cây xanh) và tôn tạo cảnh quan đường phố.

Theo Trung tâm Hạ tầng, công tác cắt tỉa cành nhánh là giải pháp kỹ thuật bắt buộc và cần thiết trong việc bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh đường phố nhằm định hình cho sự phát triển của cây; tạo thông thoáng cho tán cây, giảm trọng lượng tán cây; loại bỏ cành nhánh khiếm khuyết, hư hại (khô, mục, liên kết yếu…). Qua đó giúp giảm thiểu nguy cơ rơi, gãy cành nhánh, giảm thiểu nguy cơ ngã đổ cây khi cây bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố thời tiết cực đoan (mưa giông kéo dài, gió mạnh, lốc…).

Do đó, công tác này vẫn phải được quan tâm, duy trì thực hiện thường xuyên hàng năm theo quy trình kỹ thuật. Ngoài công tác chăm sóc cắt tỉa, Trung tâm Hạ tầng còn thực hiện các biện pháp, tác động kỹ thuật khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro mất an toàn cây xanh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện hạ thấp chiều cao 263 cây; thực hiện thay thế 3.097 cây xanh bị hư hại, khiếm khuyết; cây già cỗi, chết khô; cây bị công trình xâm hại hệ rễ…

“Như vậy, ngoài chăm sóc, cắt tỉa, công tác kiểm tra, rà soát thay thế cây xanh mất an toàn cũng được Trung tâm Hạ tầng quan tâm, chú trọng lập kế hoạch để thực hiện trong thời gian qua cũng như tiếp tục triển khai thực hiện trong gian tới. Qua đó, trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường, rà soát để đẩy mạnh kế hoạch thay thế dần, có tính đến thứ tư ưu tiên đối với cây xanh kích thước lớn, cây cổ thụ bị hư hại, khiếm khuyết hoặc cây có nguy cơ, rủi ro mất an toàn trên đường phố” – đại diện Trung tâm Hạ tầng cho hay.

Nhật Huy

 

Bình luận (0)