Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Vì sao chưa nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

Tạp Chí Giáo Dục

Nỗ lực mở cửa sớm, tháo mọi rào cản cách ly, bung sức tìm kiếm thị trường mới…, ngành du lịch Việt tìm đủ mọi cách vẫn chưa đạt mục tiêu hút khách quốc tế.

Những mùa du lịch trôi qua trong ảm đạm

“Trễ rồi, mùa này coi như lại lỡ”, câu trả lời kèm theo tiếng thở dài của nhiều ông chủ doanh nghiệp (DN) lữ hành lớn tại TP.HCM khi chúng tôi khảo sát về tình hình đón khách quốc tế trong mùa cao điểm cuối năm.

Vì sao chưa nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam? - ảnh 1

Du lịch Việt vẫn mỏi mòn chờ khách quốc tế quay lại như trước đây. ĐÌNH HUY

Trông chờ mãi tới kỳ nghỉ đông của dòng khách châu Âu, Mỹ nhưng đã gần hết năm, vẫn chưa có tia hy vọng nào về việc hồi phục tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, VN đón 569.900 lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Trong đó, thị trường châu Âu tăng trưởng rất tốt với mức tăng 48,2%, khách từ Pháp tăng tới 73,2%; Nga tăng 55,5%; Anh tăng 37,7%. Còn thị trường châu Mỹ tăng 22%. Tỷ lệ tăng trưởng khởi sắc là vậy nhưng nếu tính trên con số tuyệt đối, chưa có thị trường nào trong danh sách trên đạt tới 100.000 lượt khách tới VN.

Vì sao chưa nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam? - ảnh 2

Trong khi đó, các thị trường nguồn vùng Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới khoảng 80% khách quốc tế giai đoạn trước dịch, đến nay vẫn èo uột khi mà Trung Quốc chưa có dấu hiệu mở cửa; Nhật Bản, Đài Loan thì vẫn khá dè dặt. Thị trường Ấn Độ, khách Trung Đông được trông đợi nhiều nhất lấp khoảng trống của khách Trung Quốc nhưng do mới phát động thị trường nên dù tốc độ tăng trưởng bình quân khá lớn (49%/tháng) nhưng tính chung 11 tháng, tổng khách Ấn Độ đến VN mới chỉ dừng ở 109.000 lượt.

Nhu cầu du lịch giảm mạnh, hoặc nếu có họ cũng chỉ đi theo nhóm gia đình nhỏ, đi những chặng gần. VN lại bỏ lỡ thêm 1 mùa cao điểm.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang

Bối cảnh toàn thị trường khó khăn như vậy nên đã gần hết năm 2022, VN đón được chưa tới 3 triệu lượt khách quốc tế, chưa đạt 60% so với mục tiêu 5 triệu khách. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, khẳng định nhiệm vụ 1 tháng cuối năm chạy nước rút đón hơn 2 triệu khách quốc tế gần như bất khả thi, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang khó khăn như hiện nay. Nếu may mắn Trung Quốc mở cửa lại du lịch từ tháng 3.2023 thì phải tới mùa hè 2023, thị trường inbound mới lại có cơ hội khởi sắc.

Ông Thành nhận xét, du lịch VN chính thức mở cửa từ 15.3 nhưng thực tế phải tới 15.5 mới tháo hết những rào cản về kiểm soát dịch bệnh. Khi đó, chúng ta kỳ vọng những thị trường gần có thể bật dậy được ngay, tạo nên một mùa hè rực rỡ cho du lịch Việt. Tuy nhiên, 65% thị trường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… gần như mất toàn bộ. Cùng lúc, chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, kéo theo kinh tế toàn cầu căng thẳng nên thị trường Nga, khách châu Âu, Mỹ cũng coi như không thành.

Bước vào quý 2, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới nhất là Đài Loan bắt đầu mở cửa du lịch nhưng phải cần độ trễ nên lượng khách vẫn chỉ nhỏ giọt. Đến lúc này, các DN lại tiếp tục mong chờ kỳ nghỉ đông của thị trường xa sẽ là bước đột phá cho dòng inbound. Nhưng kinh tế khu vực châu Âu, Mỹ bắt đầu chìm vào suy thoái nên người dân gần như chỉ tập trung lo ổn định cuộc sống, thu nhập. “Nhu cầu du lịch giảm mạnh, hoặc nếu có họ cũng chỉ đi theo nhóm gia đình nhỏ, đi những chặng gần. VN lại bỏ lỡ thêm 1 mùa cao điểm”, ông Từ Quý Thành tiếc nuối.

Do thị trường hay chính sách?

Sự eo hẹp về thị trường đã được rất nhiều cơ quan chức năng và DN đưa ra để lý giải cho tốc độ tăng trưởng ì ạch của lượng khách quốc tế. Song, nếu nhìn sang các nước đã cùng mở cửa du lịch với VN, chỉ lý do khách quan thị trường thôi là chưa thuyết phục.

Đơn cử, tính đến ngày 30.10, Thái Lan đã đón 7,56 triệu lượt khách nước ngoài và dự đoán sẽ vượt mục tiêu thu hút 10 triệu du khách quốc tế trong năm nay. Đáng chú ý, sức bật bất ngờ của du lịch Thái Lan phần lớn nhờ sự trở lại mạnh mẽ của du khách đến từ Malaysia và Ấn Độ. Hơn 1 triệu người Malaysia (trước dịch là thị trường rất lớn của VN) và gần 600.000 người Ấn Độ đã đến du lịch Thái Lan trong 9 tháng đầu năm (số khách Ấn Độ này gấp 6 lần lượng khách Ấn Độ tới VN trong 11 tháng). Tương tự, mở cửa du lịch sau VN (ngày 1.4), Chính phủ Malaysia chỉ dè dặt đặt mục tiêu đón 2 triệu khách quốc tế cho cả năm nhưng đã nhanh chóng đạt hơn 50% trong vài tháng đầu. Mục tiêu dần được điều chỉnh tăng lên và tới cuối tháng 8, Malaysia gần như đã vượt qua mục tiêu thu hút 4,5 triệu du khách quốc tế, làm cơ sở để một lần nữa điều chỉnh “đích” mới lên mức 9,2 triệu du khách quốc tế trong cả năm 2022.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, nhìn nhận: Khách quốc tế vẫn chưa tới VN, lý do đầu tiên là “khóa” visa. Dù mở cửa từ đầu năm nhưng đến nay, khách xin visa vào VN rất khó khăn, đặc biệt là khách đi tự túc. Họ bị yêu cầu phải mua tour qua các công ty du lịch, phải đối mặt với những thủ tục nhập cảnh rắc rối và thời gian chờ xét duyệt hồ sơ kéo dài. Trong khi đó, ngay khi vừa đón khách quốc tế, Thái Lan đã lập tức điều chỉnh chính sách visa, kéo dài thêm thời gian lưu trú cho nhiều đối tượng khách để nhanh chóng mở thị trường. Coi như VN đã đi sau hoàn toàn.

Cùng với đó, theo ông Kỳ, hoạt động xúc tiến yếu và chính sách giá bất cập. Thực tế, từ tháng 3 đến nay, những hoạt động xúc tiến của ngành du lịch rất ít, chủ yếu do ngành hàng không và các DN du lịch tự chủ động mở thị trường. Ngay với thị trường Ấn Độ, dù hãng hàng không đã nỗ lực mở đường bay để tạo thị trường nhưng kế hoạch cùng Tổng cục Du lịch vẫn có độ vênh nên đến giờ này, VN chưa có đợt xúc tiến nào tại thị trường này. Giá vé máy bay và landtour của VN thì luôn cao hơn các nước trong khu vực tới 30%. Sau đại dịch, các chính sách về vé máy bay, giá khách sạn (2 yếu tố chiếm đến 80% chi phí chuyến đi) và vé tham quan các điểm đến đã nhanh chóng quay trở về thời kỳ “hoàng kim” trước đại dịch. Hệ thống khách sạn, lưu trú cũng chưa mở hết. “Tất cả những câu chuyện này có liên quan mật thiết với nhau và đều dẫn về mẫu số chung: Chính sách hỗ trợ đối với ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Cụ thể, trong dịch Covid-19, các DN du lịch được hỗ trợ giảm giá tiền điện nhưng đến nay đã chấm dứt đợt “khuyến mãi”. Các gói hỗ trợ gần như các DN du lịch không có cách nào tiếp cận. Ngay cả với thông tin mới nhất là ngân hàng nới room tín dụng, mở cửa cho các DN thoát cơn khát vốn nhưng hầu như vẫn bỏ quên ngành du lịch bên lề. Ngay cả Vietravel là tập đoàn du lịch đầu ngành cũng không cách nào tiếp cận được vốn vay tín dụng, chưa nói tới các DN vừa và nhỏ khác. Khi không có dòng vốn để đầu tư, hệ thống khách sạn, dịch vụ sẽ buộc phải tăng giá bán để duy trì hoạt động kinh doanh. Giá cao, thị trường khó, không có khách, DN lại rơi vào vòng lẩn quẩn lỗ chồng lỗ. Các chương trình kích cầu, quảng bá của cả DN và Tổng cục Du lịch, nếu không được cấp vốn thì cũng không thể làm được.

“Địa phương nỗ lực làm mới điểm đến, DN lữ hành dồn dập dựng tour, các nhà phát triển du lịch thì gồng sức xây dựng hàng loạt sản phẩm mới quy mô, hấp dẫn… Không thể nói các DN không chủ động mà phải chỉ rõ rằng chính sách không đáp ứng được mục tiêu. Nếu Chính phủ không quyết liệt, có chính sách thực chất vực dậy ngành du lịch thì tất cả những nỗ lực nêu trên của DN, địa phương coi như đổ sông đổ bể”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation

Theo Hà Mai/TNO

 

Bình luận (0)