Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vì sao có những bài văn “cười ra nước mắt”?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ và 2 năm nay là kỳ thi THPT quốc gia, những người chấm bài cũng công bố các “bài văn cười ra nước mắt”, đó là bài thi điểm 0 khi viết không đúng được ý nào dù viết rất dài.

Trên lớp giáo viên cần uốn nắn, điều chỉnh kịp thời những lỗi ngây ngô ở học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Đằng sau những diễn đạt ngây ngô, những ý tứ thiếu mạch lạc, những kiến thức chắp vá…, có thể làm nhiều người bật cười là cả một vấn đề về dạy và học văn, không thể không lo lắng. Trong một kỳ thi quan trọng đã như thế thì trong các kỳ kiểm tra ở trường, chất lượng còn như thế nào, từ đó, việc đọc hiểu, diễn đạt tiếng Việt cũng như đọc hiểu một tác phẩm văn học còn như thế nào nữa… Có thể nhìn ra những lỗi cơ bản của thí sinh trong những bài văn này.

Lỗi diễn đạt

Nhiều thí sinh diễn đạt ý sai hoặc không thể hiểu được do mạch văn lủng củng, ý nọ xọ ý kia. Khi viết về Sóng, có thí sinh viết: “Xuân Quỳnh đã “phơi” bài văn của mình ra như vậy mà không sợ bị “giảm giá”. Hay trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010, có thí sinh tỏ ra mình là người xem nhiều phim… kiếm hiệp khi bình luận: “Chính Bá Kiến đã tàn phá hết công lực của Chí Phèo nên anh chàng lực sĩ khỏe mạnh như con trâu tốt của làng Vũ Đại ra tù trở thành anh Chí tàn phế võ công, không ăn gì nổi chỉ thích ăn vạ…”. Những lỗi diễn đạt đó có thể xảy ra trong quá trình học trên lớp nhưng không được phát hiện và sửa chữa kịp thời.

Lỗ hổng kiến thức

Kiến thức ở đây bao gồm cả của môn văn và những môn khác cùng với kiến thức xã hội. Năm 2013, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong bài viết nghị luận xã hội liên quan đến tấm gương Nguyễn Văn Nam, có em đã nhầm lẫn “Võ Văn Giáp lấy thân mình lấp lỗ châu mai” (thay vì là Phan Đình Giót) hay sáng tạo một nhân vật mới là “Cù Lao Chánh lấp lỗ chông gai”… Hay trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, với yêu cầu nêu cảm nghĩ về tiếng Việt (qua một đoạn trích trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ), có em viết: “Tiếng Việt có 29 từ trong bảng chữ cái, không có W, Z. Tiếng Việt phát âm nhiều cách, chẳng hạn: tại sao vậy, vì răng rứa, cái chi đó, cái gì thế?”. Ở đây, thí sinh sai cơ bản về “từ”, liệt kê không đủ những chữ cái không có trong tiếng Việt (thêm J nữa), những từ mà em cho là cách phát âm khác nhau thực ra là phương ngữ… Những lỗi kiến thức tương tự không ít, nhất là gắn cho các tác giả với những tác phẩm không phải của họ, không đúng không gian, thời gian mà tác giả sinh sống, hoạt động…

So sánh, liên tưởng không hợp lý

Với những lỗi kiến thức, khi dạy, kiểm tra bài của học sinh, nếu phát hiện có sai sót thì giáo viên phải chấn chỉnh ngay để các em không chủ quan, lơ là.

Cũng nói về tiếng Việt, có thí sinh viết: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Tiếng Việt thật rắc rối, kì cục nên không thể giao tiếp với nước ngoài phải nói tiếng Anh”. Nếu đó là suy nghĩ thật của một người Việt đã học tiếng Việt đến hết bậc phổ thông thì thật đáng buồn! Còn ở câu nêu ý kiến về “Sự hèn nhát khiến con người đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”, có thí sinh đã đưa cầu thủ Ronaldo vào dẫn chứng mà không ăn nhập gì với đề bài. Những lỗi này liên quan đến vấn đề tư duy của học sinh, chắc chắn ít nhiều đã được bộc lộ trong các bài kiểm tra, ý kiến phát biểu trên lớp, cần được uốn nắn, điều chỉnh kịp thời.

Sự chắp vá, lẫn lộn…

Vấn đề nhầm lẫn người này sang người kia, nhân vật tác phẩm này với nhân vật tác phẩm khác, tình tiết ở chuyện này sang chuyện khác… khá phổ biến. Có em nhầm lẫn Vợ nhặt của Kim Lân với Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài; có em đưa người “vợ nhặt” của Tràng thành người “theo Chí Phèo về làng Vũ Đại ở túp lều ven sông”… Dường như nhiều học sinh đọc không kỹ tác phẩm nên cứ mang máng nhân vật, chi tiết, từ đó có thể cũng không nắm chắc ý nghĩa câu chuyện, khó có thể nắm bắt được giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

“Sáng tạo” cho câu chuyện những tình tiết mới

Có thí sinh đã miêu tả người “vợ nhặt”: “Thị vừa xấu xí, nghèo, áo rách lại bộ ngực xẹp lép nhưng Tràng vẫn đồng ý lấy về làm vợ”; hay “người vợ Tràng tuy ngực lép mông xệ nhưng ăn nói táo bạo có duyên làm Tràng nghèo cũng mê theo”… Cách miêu tả này mang sắc thái tính dục rõ nét, hoàn toàn khác với chi tiết “cái ngực gầy lép” trong truyện thể hiện cái đói khủng khiếp. Hay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, một thí sinh đã sáng tác thêm hành động của A Sử: “Anh chửi bới, sỉ nhục Mị rồi nhậu nhẹt từ sáng đến tối!”. Những thí dụ đó cũng cho thấy nhiều thí sinh không đọc kỹ tác phẩm, khi làm bài lại viết theo ý mình, bất kể logic của câu chuyện và yêu cầu của đề.

Trong quá trình dạy trên lớp, giáo viên cần xác định được các lỗi của học sinh để khắc phục kịp thời và bằng biện pháp hợp lý. Thí dụ, để học sinh nắm chắc các chi tiết của câu chuyện, nên rèn kỹ năng tóm tắt truyện; với những chi tiết có thể gây nhầm hoặc lẫn lộn, nên nhắc lại nhiều lần… Còn với kỹ năng diễn đạt, so sánh, liên tưởng, giáo viên nên vừa làm mẫu những kiểu diễn đạt, liên tưởng hay vừa chỉ ra những lỗi nên tránh… Dĩ nhiên, yêu cầu này là khá nhiều với giáo viên, nhưng nên nhìn nhận rằng, khi năm nào sau kỳ thi cũng có những bài văn “cười ra nước mắt” thì không thể không có trách nhiệm của giáo viên dạy văn!

Trúc Giang

Bình luận (0)