Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vì sao điểm rèn luyện lại quan trọng với sinh viên ?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu đánh giá chưa đúng vai trò của điểm rèn luyện, sinh viên sẽ bị mất nhiều quyền lợi, thậm chí phải dừng học.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết hiện nay các trường ĐH thực hiện việc đánh giá điểm rèn luyện cho sinh viên (SV) theo quy định tại Thông tư 16 năm 2015 của Bộ GD-ĐT.
Các hoạt động văn-thể-mỹ sôi nổi, bổ ích tại trường ĐH thu hút SV tham gia và từ đó điểm rèn luyện được tích lũy. NLU

"Điểm rèn luyện phản ánh ý thức, thái độ của SV đối với việc học tập và các hoạt động đoàn thể, xã hội trong quá trình học ĐH. Từ đó các em cũng trưởng thành, có thêm các kỹ năng góp phần trong việc hoàn thiện bản thân. Điểm rèn luyện tốt sẽ giúp các em có đủ điều kiện để tham gia các loại học bổng và các hỗ trợ khác. Trong trường hợp đạt loại yếu, kém sẽ bị đình chỉ học bổng (khi vi phạm 2 kỳ liên tiếp), hoặc đình chỉ học nếu vẫn tiếp tục vi phạm", thạc sĩ Đặng Kiên Cường thông tin.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong học kỳ 1 năm học 2023-2024 có 128 SV không đạt điều kiện xét học bổng vì điểm rèn luyện không đạt trên 70.

"Điểm rèn luyện là điều kiện để xét học bổng khuyến khích học tập, các học bổng ngoài ngân sách, học bổng ngoài trường, xét khen thưởng – kỷ luật, xét thôi học, ngừng học, xét lưu trú ký túc xá, xét giải quyết việc làm thêm… SV bị xếp loại rèn luyện yếu, kém trong 2 học kỳ chính liên tiếp lần thứ nhất thì phải tạm ngừng học ít nhất 1 học kỳ tiếp theo; nếu bị xếp loại rèn luyện yếu, kém 2 học kỳ chính liên tiếp lần 2 sẽ bị buộc thôi học", thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác SV Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Công tác SV – Thanh tra Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết: "Hiện nay các trường xây dựng quy định về điểm rèn luyện đều muốn khuyến khích SV gia tăng các hoạt động để trải nghiệm, phát triển toàn diện, giúp các em chuẩn bị tốt cho hành trang làm việc sau này, gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ và trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội".

Thạc sĩ Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khuyên: "SV nên xem điểm rèn luyện như là một động lực để thúc đẩy trải nghiệm, phát triển bản thân để qua đó trau dồi sự năng động, tự tin, tạo cơ hội mở rộng mối quan hệ. Các em cần tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn hoạt động nào là phù hợp với khả năng, sở thích và hữu ích cho bản thân và xã hội, sắp xếp thời gian tham gia phong trào hợp lý. Bất cứ việc nào khi có kế hoạch và định hướng rõ ràng đều được làm tốt hơn, SV cần tránh việc đăng ký quá nhiều các hoạt động làm mất thời gian, công sức và ảnh hưởng đến kết quả học tập".

"Các trường phải tổ chức các hoạt động hấp dẫn, thu hút các em, giúp các em thấy được điểm rèn luyện có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình học tập, đối với việc hình thành và phát triển kỹ năng, thái độ", thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)