Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vì sao doanh nghiệp Thái thắng lớn ở Việt Nam?

Tạp Chí Giáo Dục

Người Thái đã đầu tư mở rộng thị trường, thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp đứng đầu trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Đây đều là những doanh nghiệp tiềm năng, phần lớn trong lĩnh vực sản xuất có dòng tiền ổn định hoặc là mảng bán lẻ, đầu ra cho sản phẩm.

Nắm nhiều doanh nghiệp đầu ngành

Sol Corporation International – một công ty của Thái Lan – vừa ra mắt thị trường Việt Nam và thông qua Công ty CP Hóa mỹ phẩm Quốc tế Sol để phân phối các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mỹ phẩm, cà phê… vào nước ta trong thời gian tới. Công ty CP Hóa mỹ phẩm Quốc tế Sol sẽ có 6 thương hiệu để làm cánh tay nối dài cho Sol Corporation International tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam.

Hồi giữa tháng 2, Tập đoàn Central Retail của Thái Lan sẽ đầu tư 50 tỷ Baht – khoảng 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2027 để mở rộng sự hiện diện tại thị trường này. Đây là khoản đầu tư lớn nhất mà Central Retail đổ vào Việt Nam từ trước đến nay.

Vì sao doanh nghiệp Thái thắng lớn ở Việt Nam? ảnh 1

Bà Khun Tip – Tổng Giám đốc Sol Corporation International – công bố chiến lược mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Central Retail – tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat mua lại 49% cổ phần của đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim năm 2015. Sau đó, tỷ lệ sở hữu của tập đoàn nâng lên là 100%. Central Group cũng thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino của Pháp trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD.

TCC Group – một đại gia khác của Thái Lan – hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vào năm 2016 đã chi ra 655 triệu EUR để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam, sau đó đổi tên thành MM Mega Market. Trước thương vụ này, vào năm 2012, TCC Group đã mua lại 65% cổ phần để nắm chi phối tại Thái An – công ty mẹ của Phú Thái Group – sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart.

Giới đầu tư cũng từng xôn xao với thương vụ ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD để sở hữu xấp xỉ 54% cổ phần Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn – Sabeco. Tại Vinamilk, cổ đông Thái Fraser & Neave nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt Nam.

Tương tự, Tập đoàn SCG của Thái thâu tóm Nhựa Bình Minh – một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ống nhựa của Việt Nam. SCG Group đến nay đã sở hữu hơn 20 công ty con tại Việt Nam. Ba mảng kinh doanh chính của Tập đoàn SCG tại Việt Nam là xi măng – vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì.

Riêng với mảng bao bì, SCG Group đã mua lại 70% cổ phần Công ty Nhựa Duy Tân – một doanh nghiệp nội địa đứng đầu thị trường về các sản phẩm bao bì cứng. Tập đoàn SCG đầu tư vào Công ty Bao bì Tín Thành (Batico) và gần đây chi 2.070 tỷ đồng (89 triệu USD) để sở hữu 94% vốn Công ty CP Bao bì Biên Hòa.

Vì sao doanh nghiệp Thái thắng lớn ở Việt Nam? ảnh 2

Central Group cũng thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino của Pháp trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD.

Tập đoàn SCG cũng đã nắm 100% vốn Công ty CP Vật liệu Xây dựng Việt Nam, lượng lớn cổ phần tại Prime Group, liên doanh bao bì Việt – Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech, Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái…

Super Energy Corporation – một doanh nghiệp từ Thái Lan – từ nhiều năm trước đã đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang… Cuối tháng 3/2020, doanh nghiệp này công bố thông tin trên Ủy ban Chứng khoán Thái Lan thông báo chi hơn 456 triệu USD để đầu tư mua cổ phần 4 dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước.

Thị trường tiềm năng

Trả lời Tiền Phong về việc công ty mở rộng thị trường tại Việt Nam, bà Khun Tip – Tổng Giám đốc Sol Corporation International – cho biết, Thái Lan có khoảng 60 triệu dân. Trong khi đó, Việt Nam đã có hơn 100 triệu dân, nên sẽ là thị trường màu mỡ cho các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, mỹ phẩm…

“Người dân trong khu vực Đông Nam Á, ai cũng thích làm đẹp. Sol Corporation International đã rất thành công tại Thái Lan. Lần này, chúng tôi chọn Việt Nam vì nhận thấy tiềm năng lớn ở đây”, bà Khun Tip nói.

Vì sao doanh nghiệp Thái thắng lớn ở Việt Nam? ảnh 3

Tập đoàn SCG của Thái thâu tóm Nhựa Bình Minh – một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ống nhựa của Việt Nam.

Theo ông Yol Phokasub – Giám đốc điều hành Central Retail, tập đoàn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao với kinh tế tăng trưởng liên tục. Thị trường bán lẻ Việt Nam Việt Nam ước tính trị giá 49,7 tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng với tốc độ 10 – 12%/năm.

Dù đã có chỗ đứng vững chắc nhưng với tiềm năng lớn của Việt Nam, Central Retail quyết định cần phải củng cố hơn nữa vị thế tại thị trường này. Trước đó, Central Retail đã đầu tư hơn 10 tỷ Baht – tương đương 290 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2022.

Ông Olivier Langlet – Giám đốc điều hành của Central Retail Việt Nam – khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các tín hiệu không chắc chắn của thế giới. Ông Olivier Langlet dự đoán, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so với mức trung bình 3,5%/năm của Thái Lan trong hai năm tới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Không chỉ các tập đoàn lớn, nhiều quỹ đầu tư lớn của Thái Lan cũng đang đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam như Kasikorn Asset Management, Principal Vietnam Equity Fund, Bualuang Vietnam Equity Fund, Asset Plus Vietnam Growth RMF Fund, Asset Plus Vietnam Growth Fund… Họ đầu tư vào các cổ phiếu hàng đầu như VCB, ACB, MWG, FPT, HPG, VRE…

Theo Duy Quang/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)