Bộ phim bom tấn No More Bets, đứng đầu phòng vé Trung Quốc trong tháng 8, thu về hơn 500 triệu USD trong tháng đầu tiên công chiếu, đã gia tăng nỗi sợ của du khách nước này về điểm đến Campuchia.
Việc Campuchia nổi lên như "thiên đường" của các băng nhóm lừa đảo trực tuyến chuyên buôn người lao động cưỡng bức đã khiến danh tiếng điểm đến này tổn hại nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Trước đại dịch, Trung Quốc là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Campuchia. Bộ Du lịch nước này đã ra mắt China Ready, một chương trình chứng nhận các khách sạn đạt "tiêu chuẩn Trung Quốc" và hy vọng sẽ thu hút tới 1 triệu du khách Trung Quốc trong năm nay.
Nhưng nước này phải đối mặt với một vấn đề lớn khi cạnh tranh với các điểm đến giá rẻ đối thủ để thu hút du khách từ thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, trị giá 255 tỉ USD vào năm 2019.
Theo các nguồn tin, bất chấp chính quyền Campuchia cam kết xử lý dứt điểm, nhiều "tập đoàn" lừa đảo qua mạng vẫn tiếp tục hoạt động mà không gặp rắc rối, theo báo Nhật Bản Nikkei Asia.
Du khách Trung Quốc đến Campuchia sau đại dịch giữa đoàn người chào đón vào tháng 2 vừa qua. NIKKEI ASIA
Mang tiếng xấu
Trung Quốc đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài theo nhóm vào đầu năm nay. Nhưng Yang Ming, chủ một công ty du lịch Trung Quốc có trụ sở tại Campuchia, cho biết hầu như không có đoàn du lịch hoặc khách du lịch độc lập nào đến…
Ông nói: "Khi (du khách) nộp đơn xin hộ chiếu và thị thực, cảnh sát Trung Quốc hỏi họ sẽ đi đâu. Khi biết sắp tới Campuchia, cảnh sát cho biết Campuchia không an toàn".
Các nhóm lừa đảo qua mạng từ Trung Quốc và Đông Nam Á đã phát triển mạnh mẽ ở Campuchia nhờ nạn tham nhũng tràn lan. Một cuộc điều tra của Nikkei Asia tiết lộ vào năm 2021, các nhóm này thu hút nhiều người, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á, bằng những lời mời làm việc giả nhưng sau đó giam giữ họ và buộc họ, dưới sự đe dọa bạo lực, lừa gạt mọi người trên mạng.
Vấn đề đang nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế. Vào tháng 6, Interpol cảnh báo các trung tâm lừa đảo "quy mô công nghiệp" đã lan rộng từ Campuchia sang Lào và Myanmar, trở thành "mối đe dọa toàn cầu".
Nhiều người Trung Quốc tham gia lừa đảo qua mạng bị bắt (áo cam) và đưa về nước từ sân bay Campuchia vào năm 2017. REUTERS
Trong một báo cáo hồi tháng trước, Liên Hiệp quốc ước tính các vụ lừa đảo qua mạng ở Đông Nam Á đang tạo ra doanh thu "hàng tỉ USD", với 100.000 người bị buôn bán sang Campuchia và 120.000 người sang Myanmar. Chính quyền Campuchia phản bác con số đó.
Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực cảnh báo các nạn nhân của nạn buôn người và lừa đảo bằng các chiến dịch công khai và bảng quảng cáo tại sân bay, nhà ga. Nhưng tác động lớn nhất đến nhận thức của công chúng đến từ bộ phim bom tấn No More Bets, đã đứng đầu phòng vé Trung Quốc vào tháng 8, thu về hơn 500 triệu USD trong tháng đầu tiên công chiếu.
Bộ phim kể câu chuyện hư cấu về một lập trình viên và một người mẫu bị dụ dỗ bởi lời hứa về công việc lương cao vào một "tập đoàn" lừa đảo do một băng nhóm giết người điều hành.
Hành động diễn ra tại một quốc gia Đông Nam Á không được đặt tên, mặc dù một cảnh trong trailer cho thấy các nhân vật mặc áo phông có chữ Khmer. Cư dân mạng Trung Quốc đã nhanh chóng liên tưởng đến Campuchia và Myanmar.
Sau khi bộ phim ra mắt, một cuộc thăm dò được thực hiện trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Sina Weibo đã hỏi người dùng liệu họ có đi du lịch đến một trong hai quốc gia này hay không. Chỉ có 3.778 người cho biết họ sẽ ghé thăm những điểm đến "tiết kiệm chi phí", và khoảng 181.000 người chọn "Tôi không muốn, nguy hiểm quá".
Chris Dang, nhân viên khách sạn làm việc tại Campuchia, cho biết bộ phim đã có tác động "quá lớn" đến dư luận Trung Quốc. Dư luận tiêu cực có thể làm xấu đi tỷ lệ lấp đầy vốn đã thấp ở các khách sạn ở Phnom Penh nhắm đến khách Trung Quốc.
"Tình hình sẽ rất tồi tệ cho đến ít nhất là cuối năm nay", ông nói.
Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến Campuchia vào tháng 2 vừa qua. AFP
Phụ thuộc quá nhiều vào khách Trung Quốc
Trước Covid-19, khi lượng du khách từ Trung Quốc bùng nổ, chính phủ Campuchia đã cam kết thực hiện các dự án sân bay mới đầy tham vọng ở Phnom Penh và Siem Reap trị giá tổng cộng khoảng 2 tỉ USD. Với việc sân bay này dự kiến mở cửa vào tháng tới, Bộ trưởng Du lịch Campuchia hồi tháng 6 đã đề nghị Trung Quốc mở rộng các chuyến bay thẳng.
Nhưng ngay cả trước đại dịch, các chuyên gia đã cảnh báo rằng ngành du lịch của Campuhica – trị giá 5 tỉ USD vào năm 2019 và khoảng 2 tỉ USD vào năm ngoái – phụ thuộc quá nhiều vào du khách Trung Quốc và cần mở rộng sức hấp dẫn của mình ra ngoài những ngôi đền cổ được xếp hạng di sản thế giới. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một vấn đề kinh tế rộng lớn hơn đối với Campuchia. Trung Quốc chiếm gần 80% vốn đầu tư nước ngoài vào năm ngoái.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Campuchia ghi nhận 3 triệu lượt khách đến, so với 3,8 triệu năm 2019. Tuy nhiên, chỉ 35% lượng khách năm nay đến bằng đường hàng không, còn lại là di chuyển bằng đường bộ. Lượng khách đến từ Trung Quốc trong cùng kỳ chỉ chiếm 10% tổng lượng, so với gần 40% vào năm 2019.
Thourn Sinan, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương Campuchia (PATACC), cho biết lừa đảo qua mạng tác động tiêu cực đến ngành, trong đó Campuchia được coi là không an toàn. "Nhận thức này có thể ngăn cản khách du lịch Trung Quốc đến thăm Campuchia, dẫn đến doanh thu du lịch sụt giảm", ông nói.
Các chuyên gia cho rằng, cần phải có hành động để làm trong sạch hình ảnh của Campuchia trước khi có thêm thiệt hại.
Sau khi gia tăng áp lực, chính quyền Campuchia đã công bố một cuộc đàn áp vào tháng 8.2022, giúp hơn 1.400 nạn nhân từ một số quốc gia được giải thoát khỏi các hoạt động tội phạm và ít nhất 137 người bị bắt giữ.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Khieu Sopheak thừa nhận danh tiếng của Campuchia đã bị hoen ố vì các vụ lừa đảo và chính quyền cam kết giải quyết vấn đề này. Ông cho rằng, tham nhũng chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy các vụ lừa đảo qua mạng và kêu gọi hợp tác quốc tế nhiều hơn để giải quyết vấn đề xuyên biên giới.
Theo N.Trần Tâm/TNO
Bình luận (0)